Người muốn đổi tên tranh sơn mài

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/08/2020 06:32 GMT+7

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ vẽ sơn mài qua nhiều năm và luôn muốn đổi tên nó thành 'sơn ta tổng hợp', bởi không muốn trói buộc sơn mài vào định kiến đã là sơn mài phải bóng và láng.

Vẽ những điều chưa từng có trong đời

Nổi tiếng từ trước năm 1975, hoạt động bán tranh của họa sĩ Hồ Hữu Thủ dường như chưa bao giờ đứt đoạn. Điều đó khác với nhiều họa sĩ phía bắc khi thị trường chỉ phát triển sau Đổi mới. “Hồi xưa, tôi thường bán cho người nước ngoài. Sau đó (sau 1975 - PV), người ta cứ mua lai rai vậy. Còn bây giờ, số đông là người Việt Nam mua. Việt kiều cũng về Việt Nam mua tranh. Bây giờ người Việt chơi tranh dữ lắm, cái đó vui. Họ có tiền, có nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật. Nhà quá trời đẹp mà không có tấm tranh nào thì uổng. Sợ nhất là tiền thì nhiều mà đời sống tinh thần mình không có”, ông Thủ nói.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ theo đuổi vẽ siêu thực và lãng mạn từ sớm. Tuy nhiên, sau này ông tách dần lối vẽ cũ, để đi từ siêu thực sang trừu tượng. Ông cũng dần dần rời khỏi hình khối của lối vẽ hiện thực lãng mạn hay của siêu thực để càng ngày càng bất ngờ hơn. Sự từ chối hình khối đó khiến ông trở nên khó đoán hơn trên chất liệu sơn dầu, vốn vẫn ẩn chứa việc “mài lên trông sẽ khác”. Bản thân ông cũng chủ động vẽ khác đi và nhất là thoát ly những bố cục đã định trước, những ý tưởng đã sắp trước trong đầu.
“Trước 1975, tôi vẽ siêu thực và lãng mạn, giờ không vẽ vậy nữa mà vẽ theo cảm giác. Tôi nói không dùng ý tưởng nữa, sáng tạo phải là cái mới hoàn toàn, cái mới không được nằm trong đầu, chứ nằm trong đầu rồi thì là cũ. Sáng tạo là phải làm ra một chủ thể chưa từng có trong đời”, ông nói.
Họa sĩ Thủ quan niệm sáng tác tốt phải là sáng tác bằng tâm thức. “Tôi nghĩ, mỗi người chúng ta đều có 2 cái biết. Một cái biết thuộc về sinh học, là cái biết bình thường rồi, do bộ não vun trồng được ý tưởng từ nhỏ đến lớn, rồi cất trong bộ não. Cái đó phát sinh ra ý tưởng, ý tưởng đó là ý tưởng cũ. Còn cái biết nữa là cái biết của tâm thức. Nó là nguồn sáng tạo cho mọi người. Âm nhạc cổ điển nghe rất lọt tai, rất hay mà không hiểu thích vì cái gì”, ông Thủ nói. Có nghĩa là họa sĩ đã sớm từ chối những chủ trương, gán ghép ý tưởng vào tác phẩm của mình ngay từ đầu.
  Người muốn đổi tên tranh sơn mài

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ

Ảnh: Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cung cấp

Sơn ta tổng hợp

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ thậm chí còn không muốn gọi những tác phẩm sơn mài của mình là sơn mài. “Có nhiều người 70 - 80 tuổi rồi mà còn quan niệm sơn mài là phải mài láng. Quan niệm như thế là họ tự mình hạn chế nhận thức của mình, không phải láng mới là sơn mài, mới là nghệ thuật đâu. Sơn mài là chất liệu có tính Việt Nam truyền thống, nhưng mình nâng lên, không chỉ vẽ theo truyền thống cũ, vẽ lũy tre làng nữa, mà vẽ hiện đại. Cảm nhận thế nào thì vẽ thế đó. Nên tui ghét chữ sơn mài lắm. Tôi gọi đó là tác phẩm sơn ta chất liệu tổng hợp”, họa sĩ chia sẻ.
Hiện tại, họa sĩ Thủ vẫn tiếp tục vẽ hằng ngày. “Tôi giờ vẽ như công chức làm việc vậy đó. Buổi sáng, tôi ăn sáng xong là lên ngồi vẽ”, ông nói. Tranh của ông cũng vậy, vẫn liên tục có người đến tìm mua. Chỉ có điều, ông không sẵn sàng bán hết những gì mình vẽ. Giới sưu tập vẫn rỉ tai nhau câu chuyện có những tác phẩm ông dứt khoát giữ lại. Trong đó, có cả tác phẩm được ông gửi ra Hà Nội để trưng bày tại triển lãm Các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới đây. Họa sĩ chia sẻ lý do: “Tôi giữ lại vì muốn thực hiện bảo tàng tư nhân, nhỏ nhỏ thôi nhưng mà đẹp. Tôi làm mô hình cái nhà rồi, sau đó sẽ tổ chức trưng bày”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) chia sẻ, họa sĩ Hồ Hữu Thủ là người hiếm hoi giữ được phong cách, cảm xúc mạnh mẽ trong sáng tác rất lâu. Về thẩm mỹ, tuy cá tính, ông Thủ vẫn tạo ra một thế giới riêng với cái đẹp ôn hòa và sâu lắng. Điều này cũng rất gần với sự ôn hòa và sâu lắng trong nhạc Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ mà ông thân thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.