Người Mỹ đi bầu tổng thống thứ 47

Bảo Vinh
Bảo Vinh
06/11/2024 04:17 GMT+7

Kỳ bầu cử chia rẽ và vô cùng kịch tính với nhiều bước ngoặt tại Mỹ đã đi đến chặng cuối cùng với chiến thắng cho ứng viên nào cũng có thể tạo ra tác động to lớn.

Đầu giờ chiều qua (giờ VN), tức ngay khi nước Mỹ bước sang ngày 5.11, các cư dân của làng Dixville Notch tại bang New Hampshire bắt đầu bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống. Theo luật của tiểu bang, những cộng đồng có ít hơn 100 cư dân được phép mở cửa phòng phiếu vào nửa đêm và truyền thống tại Dixville Notch bắt đầu từ năm 1960. Việc bỏ phiếu và kiểm phiếu diễn ra chỉ vỏn vẹn vài phút và kết quả là bà Kamala Harris và ông Donald Trump hòa nhau, mỗi người được 3 phiếu, theo CNN.

Vào lúc 6 giờ (tức 18 giờ, giờ VN), hầu hết các bang bờ đông bắt đầu mở cửa. Theo một số ước tính, lượng cử tri tham gia bỏ phiếu dự kiến khoảng 160 triệu người, trong đó, đã có phân nửa bỏ phiếu sớm.

Kịch chiến tại Pennsylvania

Ngay trước khi cử tri đi bỏ phiếu, người dân được chứng kiến màn vận động giờ chót kịch tính của cả hai ứng viên. Trong khi ông Trump tham dự 4 sự kiện tại 3 bang Bắc Carolina, Pennsylvania và Michigan, bà Harris chỉ tập trung duy nhất tại Pennsylvania, nơi được đánh giá đóng vai trò quyết định trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Pennsylvania từ lâu được xem là một trong những chiến trường quan trọng nhất trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên gần như ngang nhau nên việc giành giật từng lá phiếu cử tri trung lập diễn ra vô cùng quyết liệt. So với 6 bang khó đoán khác là Arizona, Bắc Carolina, Georgia, Michigan, Nevada và Wisconsin, Pennsylvania đóng vai trò quan trọng hơn bởi có số phiếu đại cử tri cao hơn hẳn.

Người Mỹ đi bầu tổng thống thứ 47- Ảnh 1.

Bà Harris và ông Trump trong ngày vận động cuối

ẢNH: AFP

Có lẽ bởi vì thế mà bà Harris có đến 5 sự kiện tại Pennsylvania trong ngày vận động cuối cùng trong khi ông Trump chỉ có 2 sự kiện. Bà kết thúc ngày bằng bài phát biểu trước bậc thềm của Bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia, địa điểm nổi tiếng là khung cảnh của bộ phim Rocky kể về hành trình của một tay đấm quyền Anh người Mỹ gốc Ý. Tại đây, nữ phó tổng thống da màu tự nhận bản thân xuất thân từ tầng lớp "kèo dưới" như nhân vật chính của bộ phim, sẵn sàng "leo lên chiến thắng", theo Reuters. "Động lực đứng về phía chúng ta. Chúng ta sẽ kết thúc như cách chúng ta bắt đầu: với sự lạc quan, năng lượng và niềm vui", bà Harris phát biểu trước khi đám đông hô vang: "Chúng ta sẽ thắng".

Bắt đầu chiến dịch tranh cử cách đây chỉ 3 tháng, sau khi Tổng thống Joe Biden rút lui, bà Harris đã giành lại thế cân bằng cho cuộc đua và mang lại hy vọng cho đảng Dân chủ. Trong những bài phát biểu trong ngày đua nước rút cuối cùng, bà Harris kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu vì "đây có thể là một trong những cuộc đua sít sao nhất lịch sử nên mỗi lá phiếu đều quan trọng". Ứng viên Dân chủ kêu gọi một khởi đầu mới cho nước Mỹ sau gần một thập niên ông Trump chiếm sóng các diễn ngôn chính trị tại Mỹ. "Đã đến lúc cho một thế hệ lãnh đạo mới tại Mỹ và tôi sẵn sàng mang lại sự lãnh đạo đó với tư cách là tổng thống kế tiếp", bà Harris nói. Nếu đắc cử, bà sẽ đi vào lịch sử với tư cách là nữ tổng thống đầu tiên của cường quốc số một thế giới.

9 năm, 930 cuộc vận động

Tối 4.11, ông Trump có bài phát biểu dài hàng giờ tại TP.Pittsburgh của bang Pennsylvania, sớm hơn sự kiện của bà Harris tại cùng thành phố khoảng 1 giờ. Trong bài phát biểu, vị cựu tổng thống so sánh đám đông của ông với đối thủ và thể hiện sự mỉa mai về việc nữ ca sĩ Beyonce tham dự sự kiện của bà Harris và ủng hộ phó tổng thống. Hàng loạt ngôi sao hạng A khác như Lady Gaga và Oprah Winfrey đã có mặt tại những cuộc vận động cuối của bà Harris ở Pennsylvania. "Chúng ta không cần ngôi sao bởi vì chúng ta có những chính sách tuyệt vời", ông Trump nói với người ủng hộ và khấp khởi tuyên bố rằng chỉ còn cách chiến thắng "một ngày nữa".

Vị ứng viên Cộng hòa kết thúc ngày vận động cuối của kỳ bầu cử năm nay tại TP.Grand Rapids, bang Michigan, tương tự như hồi năm 2016 và năm 2020. Sau 9 năm, ông Trump cho biết đã có hơn 930 cuộc vận động tranh cử và tuyên bố đây sẽ là lần cuối cùng. Bài phát biểu tại Grand Rapids kéo dài đến tận 2 giờ sáng. Trong đó, ông Trump lặp lại những cam kết tranh cử như ban hành thuế nhập khẩu và xử lý triệt để người nhập cư trái phép, bảo vệ tự do tôn giáo, quyền mang súng đạn. "Với lá phiếu của các bạn vào ngày mai, chúng ta có thể khắc phục từng vấn đề mà đất nước đang đối diện và dẫn dắt nước Mỹ và thực tế là thế giới đến đỉnh cao vinh quang mới", vị cựu tổng thống nói. Nếu giành chiến thắng, ông Trump sẽ trở thành cựu tổng thống thứ 2 đắc cử sau khi thất bại trong lần tái tranh cử đầu tiên. Trước đó, ông Grover Cleveland (1837 - 1908) đắc cử tổng thống Mỹ lần đầu năm 1884, thất bại vào năm 1888 và giành chiến thắng năm 1892.

Trong ngày 5.11, bà Harris sẽ ở Washington D.C để tham dự các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trong khi ông Trump trở về nhà ở bang Florida để bỏ phiếu và chờ đợi kết quả.

Khi nào có kết quả bầu cử ?

Do lãnh thổ Mỹ trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương ở phía đông cho đến bờ Thái Bình Dương ở phía tây nên có chênh lệch múi giờ. Song, hầu hết các phòng phiếu sẽ đóng cửa trước trưa nay (6.11, giờ VN). Vào lúc đó, kết quả có thể lần lượt xuất hiện. Sau mỗi kỳ bầu cử, ngày càng nhiều người Mỹ bỏ phiếu qua thư. Việc này làm mất nhiều thời gian hơn để kiểm phiếu so với phiếu bầu trực tiếp vì chúng cần được mở và xác minh. Vào năm 2020, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 3.11 nhưng phải đến ngày 7.11, các cơ quan báo chí truyền thông mới dự phóng được người chiến thắng trong cuộc đua giành chức tổng thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.