Người Nam bộ như tôi biết

28/04/2024 04:24 GMT+7

Chỉ vì yêu mảnh đất và con người phương Nam, nên vào năm 1970 tôi đã xung phong vào chiến trường Nam bộ, dù tôi quê Quảng Ngãi.

Nguyện vọng của tôi đã được Cục Địch vận - Tổng Cục chính trị chấp nhận. Tôi lên đường vào chiến trường B2 (Nam bộ) trước Tết Nguyên đán năm 1971. Sau 4 tháng xẻ dọc Trường Sơn, tôi đã có mặt ở Cục R - B2 - Nam bộ vào tháng 5.1971. Tôi đã ở chiến trường B2 được 5 năm, theo đúng nguyện vọng của mình.

Là người làm báo, viết cho Đài Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với người dân Nam bộ, và một phần với dải đất Nam bộ rộng lớn.

Nếu nói 5 năm ở chiến trường tôi "thu hoạch" được gì nhiều nhất, xin trả lời ngay là tôi đã "nhập" được vào người Nam bộ, đã cảm được tính cách, tình cảm, ngôn ngữ, cách sống của người Nam bộ mà tôi có dịp tiếp xúc.

Đây là tôi "sống" chứ không phải tôi "đi thực tế" theo kiểu các nhà văn đi thực tế. Đơn giản, vì lúc bấy giờ, tôi không phải nhà thơ hay nhà văn.

Sau 10 năm kể từ ngày 5.12.2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ chính thức được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Sau 10 năm kể từ ngày 5.12.2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ chính thức được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

T.N

Nếu hỏi tôi, nét chung nào nổi bật nhất trong tính cách người Nam bộ như tôi biết, xin nói, đó là tính cởi mở, hào sảng, thiệt thà tới mức như hơi dễ dãi, sự rộng lòng, có gì nói nấy, không rào trước đón sau. Và, cái này thì càng sống lâu với đồng bào Nam bộ, tôi càng cảm nhận rất rõ, là họ "trước sao, sau vậy", nói chơi chơi, mà lòng thiệt.

Đó là tính cách "nguyên ủy" của người lưu dân Nam bộ, được hình thành và phát triển tới mức định hình từ mấy trăm năm trước, thời lưu dân đi khai đất mở cõi, thời nước Việt Nam bắt đầu có dáng hình chữ S như bây giờ ta biết. Tính cách người lưu dân Nam bộ có những nét khác với người Việt quê Bắc bộ hay người miền Trung, dù lưu dân Nam bộ thì cũng từ miền Trung hay miền Bắc vào miền Nam.

Chính những đặc chất của người Nam bộ khiến tôi yêu thích. Tôi lại có khát vọng làm thơ khi vào chiến trường, nên thơ tôi khi gặp đúng mảnh đất và con người phương Nam, tự nhiên như "cá gặp nước".

Càng sống lâu với người dân Nam bộ, tôi càng có tình cảm đặc biệt và càng cảm thấy mình "có đất" để làm thơ.

5 năm ở chiến trường B2 đã giúp tôi viết được nhiều bài thơ ưng ý, và chuẩn bị được vốn liếng để tôi tiếp tục sáng tác về đất và người Nam bộ thời hậu chiến, sau khi đất nước đã có hòa bình thống nhất. Nhiều tác phẩm viết về đất về người về những nhân vật vĩ đại của Phương Nam như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, "Những nghĩa sĩ Cần Giuộc", những người dân Nam bộ yêu nước, những người kháng chiến là đồng đội với tôi… Tất cả đã giúp tôi viết được nhiều tác phẩm, và hơn cả, giúp tôi có cách sống nghĩa tình, "trước sao sau vậy" như người Nam bộ.

Văn bia cụ Nguyễn Đình Chiểu tại khu mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu - di tích quốc gia đặc biệt tại Ba Tri, Bến Tre (ảnh chụp tháng 4.2024)

Văn bia cụ Nguyễn Đình Chiểu tại khu mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu - di tích quốc gia đặc biệt tại Ba Tri, Bến Tre (ảnh chụp tháng 4.2024)

ĐÌNH PHÚ

Bây giờ, khi TP.HCM được một danh xưng mới tuyệt đẹp là "Thành phố nghĩa tình", thì phải nói, cái tên ấy đã được ấp ủ qua bao nhiêu tháng năm, qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước.

Nghĩa tình ấy của người dân Nam bộ suốt từ miền Đông tới miền Tây, và cuối cùng, tập trung ở TP.HCM. Một cách sống đã và sẽ còn tiếp tục làm nên vẻ đẹp ấm áp của miền đất "không có mùa đông" này.

Có một ấn tượng khá sâu sắc của tôi là hồi chiến tranh, khi tôi sống ở địa bàn Cai Lậy - Mỹ Tho, hằng ngày tôi đã thấy những em học sinh gái mặc đồng phục áo dài trắng đi học. Các em phải đi qua con đường bờ ruộng để ra lộ Bốn rồi tới trường. Trong thời điểm chiến tranh rất ác liệt, đi học như thế là hết sức nguy hiểm, nhưng các em vẫn đi và vẫn học. Mỹ Tho vốn là vùng đất học. Sau ngày hòa bình, khi xuống Vĩnh Long, tôi lại biết Vĩnh Long cũng là vùng đất học nổi tiếng từ trăm năm trước.

Vùng đất học ở Nam bộ có một điều thật thú vị, là người có tài nhưng không có điều kiện đi học trường lớp, sau này vẫn là người rất tài năng, rất sáng tạo và đầy tâm huyết, điển hình là "Ông Sáu Dân" (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - tên thật là Phan Văn Hòa). Ông Sáu Dân là người như thế nào, bây giờ cả nước biết và yêu thương, kính trọng ông.

Ông Sáu Dân là người như thế nào, bây giờ cả nước biết và yêu thương, kính trọng ông

Ông Sáu Dân là người như thế nào, bây giờ cả nước biết và yêu thương, kính trọng ông

T.N

Đừng bao giờ nghĩ Nam bộ không có những "vùng đất học" như ở miền Trung hay miền Bắc. Những trí thức lớn của Việt Nam từ thế kỷ 19 tới thế kỷ 20 có sự đóng góp rất lớn từ đội ngũ trí thức Nam bộ.

Ngày chiến tranh ở Cai Lậy, tôi có nhiều đêm được hầu chuyện những bác già nông dân. Các bác nói chuyện rất vui, lại thường nói những câu "nửa Nôm nửa Hán" khiến tôi rất ngạc nhiên. Vì các bác biết tôi có học đại học ở ngoài Bắc, nên nghĩ là tôi biết nghe. Tôi nghe được các bác, và những cuộc chuyện trò tay đôi bên chung (chén) rượu nhỏ, bình rượu nhỏ với người già Nam bộ trở nên thật ấm áp, thật chân tình.

Người Nam bộ có học, học rất giỏi nữa, nhưng họ thường nghiêng về thực tế hơn là về lý thuyết. Điều đó tạo nên tầng lớp trí thức Nam bộ có tư duy thực tế rất sáng tạo. Các nhà văn nổi tiếng ở Nam bộ cũng có văn phong thật giản dị, rất đời thường, mà điển hình là cụ Nguyễn Đình Chiểu với những tác phẩm để đời của cụ.

Hồi tôi còn học ở ngoài Bắc, một số nhà nghiên cứu văn học thường so sánh thơ Nguyễn Đình Chiểu với thơ Nguyễn Du, có ý "chê" thơ cụ Đồ Chiểu quá mộc mạc, giản đơn. Họ không hiểu người dân Nam bộ có truyền thống nghe kể chuyện. Hằng đêm, người nông dân sau một ngày làm việc vất vả ngoài đồng, họ tụ đến nhà một người khá giả trong làng, và nghe kể chuyện.

"Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu là viết theo lối chuyện kể bằng thơ mà người dân Nam bộ rất thích. Nghe như thế cũng dần hình thành nên tính cách của người Nam bộ: thích những chuyện kể mộc, nhiều hành động, có chương hồi, và bao giờ câu chuyện cũng kết thúc có hậu.

Đó cũng là biểu hiện lối sống "trước sao, sau vậy", thủy chung của người Nam bộ.

Người Nam bộ như tôi biết- Ảnh 4.

TP.HCM hiện nay

T.N

Khi đi chiến trường Nam bộ, tôi có một thần tượng là nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn). Ông quê gốc Hưng Yên, nhưng đã sống ở Nam bộ suốt thời kháng chiến chống Pháp, và sau khi tập kết ra Bắc, đã trở lại chiến trường Nam bộ từ rất sớm, đi cùng bạn thân là nhà văn Nguyên Ngọc. Anh Nguyên Ngọc vào chiến trường khu Năm, còn Nguyễn Thi vào chiến trường Nam bộ.

Tôi ngưỡng mộ cách học và sử dụng địa phương ngữ Nam bộ của nhà văn Nguyễn Thi. Ông đã rất thành công khi viết những câu chuyện về những nhân vật anh hùng quê Nam bộ với ngôn ngữ mô tả họ "rặt ri" lời ăn tiếng nói Nam bộ. Tôi đã quyết noi gương ông, học và đưa phương ngữ Nam bộ vào thơ mình.

Và quả thực, tôi cũng đã thành công ở phần ngôn ngữ, cái làm nên tác phẩm văn học. Dù tôi vẫn tự nhận mình là "dân ca ba miền", nhưng nhờ ở chiến trường Nam bộ 5 năm, phần địa phương ngữ Nam bộ đã vào thơ tôi khá trội.

Nói về người Nam bộ, thì đúng là một câu chuyện, phải "kể" qua rất nhiều trang giấy, xin tạm dừng ở đây. Khi có cơ hội, tôi lại xin kể tiếp, học theo lối kể chuyện chương hồi của cụ Đồ Chiểu - một danh nhân văn hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.