Người nặng lòng với Mê Kông

02/02/2017 14:40 GMT+7

Đó là thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông.

Ông Thiện kể, nhờ xuất thân trong một gia đình nông dân ở Hậu Giang nên khi mới 15 tuổi, ông cày cấy, gặt hái, giăng lưới, vãi chài bắt cá… không thua ai. “Sau này đi học về sinh thái nên tôi hiểu đất đai, cá mắm ở đây hơn. Hay nói cách khác, tôi là một nông dân đi học về sinh thái”, ông Thiện cười. Có lẽ nhờ vậy, mỗi khi nói về những vấn đề lớn của sinh thái đồng bằng sông Cửu Long hay cả dòng Mê Kông, ông Thiện thường có cách giải thích những khái niệm khoa học thật giản dị, dễ hiểu.
“Điểm nhấn” trong sự nghiệp của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện là khi ông tham gia nhóm chuyên gia quốc tế thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông năm 2009. “Trước đó, tôi chỉ loay hoay làm những việc bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu bảo tồn đất ngập nước ở đồng bằng. Sau khi tham gia nhóm chuyên gia, tôi chợt giật mình ngẩng đầu lên, ngó rộng hơn và ngộ ra rằng những việc mình làm sẽ bị phủi sạch bởi những chuyện lớn như biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn”, ông Thiện nhớ lại.
Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) được Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) trao giải Sáng kiến hợp tác diễn ra ở Bồ Đào Nha vào tháng 5.2012. AIAI đánh giá nhóm thực hiện SEA có nhiều đóng góp trong dự báo, đánh giá tác động của việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và quá trình ra quyết định xây đập. Cụ thể, trong báo cáo đã khuyến nghị việc xây dựng các con đập hạ nguồn Mê Kông sẽ gây ra những tác động không thể cứu vãn đối với hệ sinh thái của con sông, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của dòng Mê Kông; vì vậy, các quốc gia dọc Mê Kông cần dừng quyết định xây đập thủy điện trên dòng sông này ít nhất là 10 năm nữa.

Sau khi tham gia nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Mê Kông năm 2009, ông Thiện quyết định trở thành người hoạt động độc lập, không làm cho một cơ quan tổ chức nào nữa. “Len lỏi lội rừng bên Lào, tôi hiểu được suối nguồn tạo dòng Mê Kông như thế nào. Lội sình phơi nắng cả tháng bên Campuchia, tôi thấy sếu đầu đỏ ăn trong nước mặn ra sao. Về Đồng Tháp, tôi hiểu tại sao người dân trồng lúa ba vụ mà vẫn nghèo. Về miền biển, tôi hiểu cá biển đồng bằng mình nhiều là nhờ nước đục phù sa”, ông Thiện chia sẻ.
Hiểu nhiều nên ông càng trăn trở, nhất là chuyện thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Ông lý giải từ hàng ngàn năm trước, dòng nước Mê Kông như một băng chuyền vĩ đại, miệt mài mang phù sa về kiến tạo nên đồng bằng sông Cửu Long. Phù sa sông Cửu Long còn tràn ra biển, tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 - 30 km tính từ bờ ra. Nó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng. Vì nước đục nặng hơn nên sóng biển gặp lớp phù sa sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Nhưng, khi thủy điện chặn mất phù sa, chiếc áo giáp bị mỏng, sạt lở sẽ gia tăng, một quá trình ngược với kiến tạo sẽ bắt đầu. Lo ngại của ông Thiện là có cơ sở. Theo số liệu của Ủy hội Sông Mê Kông, năm 1992 lượng phù sa lơ lửng trên sông là 160 triệu tấn/năm. Nhưng đến năm 2014, sau khi hàng loạt dự án thủy điện được xây ở thượng nguồn Mê Kông, lượng phù sa chỉ còn 85 triệu tấn/năm, giảm gần một nửa. Riêng cát sỏi chìm dưới đáy sông gần như không còn về hạ nguồn.

tin liên quan

Chuyện về xóm bè khốn khó ở... chợ nổi Cái Răng
Khuất sau ghe xuồng tấp nập ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một xóm bè bồng bềnh và khốn khó. Cuộc sống cộng sinh giữa xóm bè với ghe thương hồ là “linh hồn” của chợ nổi lớn nhất miền Tây này...

Sinh năm 1968, sau khi tốt nghiệp ngành thủy nông K12 Trường đại học Cần Thơ, năm 1990 ông Nguyễn Hữu Thiện là nhân viên đầu tiên của Khu bảo tồn sếu đầu đỏ Tràm Chim. Năm 1992, thông qua Hội Sếu quốc tế (ICF), ông giành được học bổng của McArthur Foundation và học thạc sĩ 4 năm về sinh thái ở Đại học Wisconsin, Mỹ. Sau đó, ông làm cho dự án Bảo tồn Vườn quốc gia U Minh Thượng của Tổ chức Care quốc tế; các tổ chức quốc tế về bảo tồn như IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và WWF (Quỹ quốc tế về động vật hoang dã) trong chương trình MWBP (Chương trình đa dạng sinh học đất ngập nước Mê Kông).
Cùng với những người tâm huyết khác, ông liên tục tham gia những công trình nghiên cứu về Mê Kông như phản biện các báo cáo Đánh giá tác động môi trường của các đập Xayaburi và Don Sahong (Lào), nghiên cứu những lỗ hổng của quy trình tham vấn trong Hiệp định Hợp tác Mê Kông 1995. Đặc biệt, ông còn là chuyên gia độc lập được mời tham gia đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam sang Lào phản biện báo cáo của Công ty Poyry về đập Xayaburi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.