'BÍ QUYẾT' TỪ NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Ông Nguyễn Văn Sính (85 tuổi, P.Phường Đúc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) là nghệ nhân đời thứ 11 của họ Nguyễn nối nghiệp nghề đúc đồng lâu đời của xứ Phường Đúc. Ông ra Bắc vào Nam chế tác hàng loạt công trình bằng đồng nổi tiếng. Trong đó, ông cùng các con chế tác thành công bức tượng Trần Hưng Đạo tại TP.Nam Định vào năm 1999 - 2000. Tượng đúc bằng đồng nguyên chất, nặng khoảng 21 tấn, cao 10,22 m. Ông cũng đúc liền khối quả đại hồng chung nặng 6,5 tấn, cao gần 14 m, hiện đang đặt tại chùa Bát Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là một trong những đại hồng chung lớn nhất Ðông Nam Á. Năm 2003, ông được phong danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.
Cuối năm 2019, đại lão hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch tại chùa Từ Đàm (TP.Huế). Theo di huấn, chùa không báo tang, không thành phục, không phúng điếu và nhục thân được trà tỳ để thu xá lợi đưa về chùa cho các đệ tử phụng thờ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính được Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Thừa Thiên-Huế mời làm đài hỏa thiêu.
Đây là công trình hỏa táng đầu tiên mà nghệ nhân đúc đồng này đảm nhận. Nhớ lại thời điểm đó, ông Sính bồi hồi: "Tôi và các vị ở giáo hội bấy giờ như thầy trò, quen biết nên khi nghe yêu cầu này, tôi nhận lời ngay dù trước đó chưa từng làm lần nào. Nhận trọng trách lớn, áp lực nhất là phải hoàn thành chỉ trong 40 giờ. Khoảng 10 giờ sáng ngày 13.11.2019, tôi cùng anh em và con trai bắt tay vào làm, đến tối 14.11 phải xong".
Để chế tạo lò hỏa thiêu đáp ứng các tiêu chí về nhiệt độ, xử lý khói… ông Sính cùng con trai đã nghiên cứu, chế tác, áp dụng những kỹ thuật từ việc làm lò đúc khuôn đúc đồng truyền thống đang vận hành. "Cũng không có gì là cao siêu, mình biết kỹ thuật thì mình làm phụng sự, nên không thể gọi là "nghề". Tôi áp dụng từ lò nung khuôn truyền thống đúc đồng, rồi cải tạo thành lò hỏa thiêu cho phù hợp. Có chút khác với lò đúc là phải chế tác thêm đường ray cho kim quan đi vô, phía trước có cửa đóng lại. Nhiệt độ thiêu cũng cao hơn nhiệt độ làm khuôn đúc đồng", ông Sính nói thêm.
Sau 40 giờ chế tác liên tục, đài hỏa táng cũng kịp hoàn thành cho lễ trà tỳ của cố đại lão hòa thượng Thích Trí Quang. Sau đó, tro cốt đưa về tổ đình Từ Đàm thành công.
KỸ SƯ BÁCH KHOA CHẾ LÒ TRÀ TỲ
Đến nay, ông Sính luôn tự hào không phải vì danh tiếng thu nhận được, mà bởi có những người con tài giỏi đang nối nghiệp. Nguyễn Phùng Sơn, con trai ông, là "nhân vật chính" đảm nhiệm và nắm giữ bí quyết về cách làm đài hỏa thiêu của đại lão hòa thượng Thích Trí Quang và thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thoạt nhìn, ông Sơn trong bộ dạng lấm lem như bao người thợ đúc đồng khác, ít ai biết ông đang giữ cương vị giám đốc điều hành cơ sở đúc đồng lớn nhất nhì xứ Phường Đúc này. Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Ðà Nẵng, ông từng vào Đồng Nai nối nghiệp cha với nghề đúc đồng. Áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật, ông được cả nước biết đến khi chính tay đúc thành công tượng đồng Trần Hưng Ðạo khổng lồ tại TP.Nam Định.
Khi sự nghiệp đang trên đà phát triển, nhận tin cha gặp biến cố sức khỏe, ông Sơn tức tốc trở về quê, bắt đầu một hành trình mới. Từ những kiến thức trên giảng đường đại học và các kỹ thuật thu lượm ở miền Nam, ông tạo dựng nên một cơ ngơi đúc đồng có tiếng.
Nhắc đến con trai, ông Sính tự hào: "Tôi già rồi, mọi thứ đều giao cho Sơn. Sơn học hành bài bản, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi nên bây giờ mọi việc đều do Sơn điều hành. Cũng chính Sơn đưa ra những kỹ thuật, sáng kiến để làm 2 đài hỏa thiêu đạt hiệu quả nhất".
Sau lễ trà tỳ cố đại lão hòa thượng Thích Trí Quang, tháng 1.2020, khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, cha con nghệ nhân Nguyễn Văn Sính tiếp tục được Tăng thân Làng Mai và môn đồ pháp quyến tổ đình Từ Hiếu mới dựng đài hỏa thiêu. Lễ trà tỳ của thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra tại Công viên Vĩnh Hằng Vườn Địa Đàng (TP.Huế) trong không khí ấm cúng, nhẹ nhàng, đúng với di huấn và các tiêu chí về tôn giáo, môi trường… Đài hỏa thiêu thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng được thực hiện bằng đất sét ứng dụng từ kỹ thuật làm các lò đúc đồng truyền thống của Huế. Đài được xây dựng thành nhiều lớp, bên trong là đất sét, thân lò là gạch, ngoài cùng được cố định bởi khung bảo vệ bằng kim loại. Lò thiêu có một cửa chính bằng kim loại dùng để đưa kim quan vào, có hệ thống thông khí để bảo đảm lửa cháy đều, có hệ thống thu khói dẫn ra bên ngoài.
"Lò được đốt bằng củi, hệ thống xử lý khói được lấy từ xưởng đúc đồng để gắn vào, khi vận hành phải đảm bảo nhiệt độ, khí thải và van thoát khí từ kim quan... Những kiến thức đó tôi áp dụng từ nghề đúc đồng của cha ông, một phần từ kiến thức học được trên ghế nhà trường. Bây giờ, mọi thiết kế đều đã nằm trong đầu tôi… nên nếu có đề nghị mới thì tôi sẽ đồng ý ngay. Việc làm đài hỏa thiêu của 2 vị hòa thượng đối với tôi như một nhiệm vụ, không phải kinh doanh hay gọi đó là cái nghề, mà nói cho đúng là duyên", ông Sơn giải thích. (còn tiếp)
Bình luận (0)