Người nay làm việc xưa: Thợ mộc ngoại tỉnh 'nhập cung'

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
22/11/2023 07:13 GMT+7

Để trả lại nguyên bản hoàng cung triều Nguyễn đang xuống cấp, cần huy động hàng trăm nghệ nhân đủ các lĩnh vực. Vì thế, những "việc xưa" lại được "người nay" đảm nhận. Cùng với những nghề truyền thống khác, người thời nay đang gìn giữ vẻ đẹp xưa xứ Huế…

Gần 2 năm qua, để trùng tu điện Thái Hòa ở Đại nội Huế, hàng chục nghệ nhân của nhiều làng nghề truyền thống đã được tuyển "nhập cung" làm những việc mà hàng trăm năm trước cha ông họ đã làm...

Người nay làm việc xưa: Thợ mộc ngoại tỉnh 'nhập cung' - Ảnh 1.

Nghệ nhân Đinh Văn Chiến (71 tuổi, ở xã Đức Lý, H.Lý Nhân, Hà Nam) đang hoàn thiện các cấu kiện gỗ lim mới để thay thế cấu kiện cũ

Bùi Ngọc Long

Công trình trùng tu điện Thái Hòa khởi công từ ngày 23.11.2021. Gần 2 năm qua, bên phải công trường trùng tu, trong dãy nhà xưởng, hàng chục nghệ nhân đang miệt mài làm những phần việc mà hàng trăm năm trước cha ông họ đã làm. Riêng phần mộc (gỗ), có hẳn đội thợ lành nghề của làng mộc truyền thống Đức Lý, Hà Nam "nhập cung".

P LỰC" TRƯỚC BIỂU TƯỢNG QUYỀN LỰC

Điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, tồn tại hơn 200 năm và là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Đây là nơi thiết triều, cử hành các nghi lễ như lễ đăng quang, vạn thọ (sinh nhật vua), tứ tuần hoặc ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), hưng quốc khánh niệm (quốc khánh)... và thực hiện các nghi thức ngoại giao.

Người nay làm việc xưa: Thợ mộc ngoại tỉnh 'nhập cung' - Ảnh 2.

Sau gần 2 năm trùng tu, ngôi điện Thái Hòa đã dần hoàn thiện

Bùi Ngọc Long

Công trình trùng tu được thực hiện với sự cẩn trọng đặc biệt, nên đương nhiên tạo "áp lực" rất lớn lên các đội thợ. Vì đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ tư liệu văn bản, nghệ thuật qua hệ thống văn thơ trên di tích theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điện Thái Hòa có kiến trúc kiểu "trùng thiềm điệp ốc" phổ biến thời Nguyễn, gồm tiền điện và chính điện nối liền với nhau, rộng 1.440 m2, mặt tiền 7 gian 2 chái, hệ khung kết cấu được làm bằng gỗ và gạch. Toàn bộ công trình có 80 cột gỗ lim lớn đều vẽ hình rồng vờn mây, sơn son thếp vàng rực rỡ, mái lợp ngói hoàng lưu ly...

Hệ thống vì kèo của nhà trước được làm kiểu "chồng rường - giả thủ", đỡ toàn bộ mái ngói và tạo nên giá trị thẩm mỹ. Toàn bộ nội thất điện được sơn son thếp vàng... Điểm nổi bật của điện Thái Hòa là hình tượng rồng - biểu tượng của đấng quân vương và là chủ đề chính trong điện, xuất hiện ở nhiều nơi (rồng chầu trên mái, bậc thềm, cột hay chạm khắc ở các cấu kiện gỗ, ngai vàng)... Có thể nói, điện Thái Hòa là nơi rồng bay lượn, là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Trên nóc mái có 9 con rồng được đắp nổi và khảm sành sứ. 80 cột gỗ lim khá lớn cũng đều vẽ hình rồng vờn mây.

GẦN 1.000 M3 GỖ LIM, NHƯNG KHÔNG XÀI ỐC VÍT

Riêng phần mộc, đội thợ được lựa chọn tuyển "nhập cung" là đội thợ mộc từ nghề mộc H.Lý Nhân, Hà Nam. Nghệ nhân Lê Văn Nhường (54 tuổi, ở xã Đức Lý, H.Lý Nhân), người phụ trách đội mộc, cho biết gần 50 nghệ nhân trong đội có duyên với các công trình trùng tu di tích cố đô Huế từ hàng chục năm nay. Trước đó, đội thợ đã trùng tu các lăng Gia Long, Đồng Khánh.

Người nay làm việc xưa: Thợ mộc ngoại tỉnh 'nhập cung' - Ảnh 3.

Những cấu kiện gỗ cũ được tháo rời để phân loại đánh giá và lắp ráp, phục hồi hoặc thay thế nếu quá hư hỏng

Bùi Ngọc Long

Riêng công trình trùng tu điện Thái Hòa, theo nghệ nhân Lê Văn Nhường, ngoài số lượng gỗ được đánh giá còn tốt có thể tái sử dụng, công trình đã phải bổ sung gần 1.000 m3 gỗ lim nhập từ Nam Phi. "Nét khác biệt của nghệ thuật chạm khắc gỗ tại điện Thái Hòa nói riêng và kiến trúc cung đình triều Nguyễn nói chung không phô diễn vẻ đồ sộ, cầu kỳ nhưng các chi tiết cực kỳ tinh tế, hài hòa tạo nên vẻ quý phái đẳng cấp của chốn cung đình. Ngày nay, nhiều công trình nhà gỗ được làm mới có quy mô rất lớn, chạm khắc cầu kỳ nhưng ngoài vẻ giàu sang thì không thể nào sánh với nét tinh tế của kiến trúc cung đình", nghệ nhân Lê Văn Nhường nhận xét.

Người nay làm việc xưa: Thợ mộc ngoại tỉnh 'nhập cung' - Ảnh 4.

Các nghệ nhân đang chạm lọng phần diềm mái của điện Thái Hòa

Bùi Ngọc Long

Có mặt tại công trường ròng rã suốt 2 năm nay, nghệ nhân Đinh Văn Chiến (71 tuổi, ở xã Đức Lý) chia sẻ nghề mộc là nghề truyền thống của gia đình ông từ nhiều thế hệ. Ông từng là bộ đội tình nguyện ở chiến trường Campuchia. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về tiếp tục theo nghề mộc. Gần 50 năm gắn bó với nghề, từng đường cưa, mũi đục của ông đã quá điêu luyện.

Do đường nét của nghệ thuật kiến trúc gỗ đạt đến mức tinh tế, đỉnh cao nên đòi hỏi người thợ ngoài tay nghề cao còn phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc của quy trình bảo tồn. "Người thợ không thể tự do sáng tác theo ý của mình, mà phải tuân thủ đường nét xưa theo nguyên mẫu. Do vậy, những cấu kiện gỗ dù đã mục nát, hư hỏng vẫn phải được dùng giấy can để đo vẽ lại từng họa tiết. Công trình sử dụng hàng ngàn khối gỗ nhưng tất cả đều được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng gỗ, không sử dụng bất kỳ một vật liệu đinh, vít, ốc kim loại nào", nghệ nhân Đinh Văn Chiến nói.

Sau 2 năm ròng rã chế tác, phục dựng đến nay phần cứng của ngôi điện Thái Hòa đã được dựng lên vững chãi. Hằng ngày, những người thợ vẫn miệt mài làm việc. Hình hài của ngôi điện vàng son đang dần dần được phục dựng qua bàn tay những người thợ ở thế kỷ 21. (còn tiếp) 

Công trình trùng tu điện Thái Hòa do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 128 tỉ đồng. Sau khi hạ giải, các hạng mục chính được trùng tu gồm: nền móng, lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch, hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa; tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán, đồ nội thất... và các hạng mục khác. Theo tư liệu lịch sử, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng công trình điện Thái Hòa vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.