Lăng kính bạn đọc

Người nổi tiếng phải có trách nhiệm về sản phẩm mình quảng cáo

M.Giao
M.Giao
26/09/2024 07:20 GMT+7

Nhiều bạn đọc đồng tình với dự thảo luật Quảng cáo đang sửa đổi đề xuất người có ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 24.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo. Dự luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8 vào tháng tới.

Người nổi tiếng phải có trách nhiệm về sản phẩm mình quảng cáo- Ảnh 1.

Cần có quy định chặt chẽ hơn đối với việc người nổi tiếng quảng cáo những sản phẩm liên quan đến sức khỏe

Ảnh: Chụp màn hình

Trong tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết dự án luật bổ sung quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Theo dự thảo luật, ngoài các nghĩa vụ với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Đồng thời, tuân thủ nghĩa vụ về thuế khi phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế.

Người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo cũng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Cạnh đó, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật Quảng cáo | Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay cơ quan thẩm tra tán thành việc bổ sung quy định đối với người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, ông đề nghị cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng dự luật chưa quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, xác nhận đối với việc người quảng cáo có trực tiếp sử dụng sản phẩm hay chưa khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như cách chế tài xử lý khi cần.

"Không sử dụng thì biết gì mà nói ?"

"Tôi rất đồng tình với đề xuất trong dự thảo luật Quảng cáo như trên. Theo tôi, người có ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội thì trước đó họ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm. Có sử dụng qua sản phẩm thì mới biết thế nào mà cảm nhận, đánh giá chứ. Không sử dụng qua thì biết gì mà nói, có nói cũng chẳng ai tin!", bạn đọc (BĐ) Le Vy bày tỏ.

Cùng quan điểm, BĐ Trung Quang lưu ý: "Theo dự thảo, khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo cũng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Đây là điều rất cần thiết. Anh là người quảng cáo cho sản phẩm thì phải nói rõ anh đang thực hiện hoạt động quảng cáo, cứ thẳng thắn mà nói với người tiêu dùng như thế. Từ đó những đánh giá, cảm nhận của anh về sản phẩm sẽ được người tiêu dùng tự đánh giá. Phải sòng phẳng như vậy mới đúng, đừng mập mờ".

BĐ Trịnh Cường cũng chia sẻ: "Quảng cáo, quảng bá sản phẩm là cần thiết nhưng phải đúng sự thật, đúng quy định. Cứ tô vẽ sai sự thật nhằm lôi kéo hay lừa dối người tiêu dùng là một dạng lừa đảo, phải bị xử lý nghiêm, dù là cá nhân hay tổ chức nào".

Xây dựng Black List để xử lý vi phạm chủ thể quảng cáo xuyên biên giới | Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Đừng để người tiêu dùng "chuyển kênh"

Nhiều BĐ cho rằng người thực hiện quảng cáo phải có trách nhiệm đối với cộng đồng. BĐ Nguyen Thanh cho biết: "Bất cứ ai quảng cáo sản phẩm thì cũng phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, và phải nói đúng sự thật, đây phải được xem là đạo đức trong làm ăn, kinh doanh. Người có ảnh hưởng thì càng phải có trách nhiệm cao hơn, vì được nhiều người tin tưởng ở mình, mình không thể lợi dụng sự tin tưởng đó. Tôi thấy có nhiều quảng cáo quá lố, do những người mình một thời yêu thích quảng cáo, giờ thấy họ quảng cáo là mình "chuyển kênh" ngay".

Trong khi đó, BĐ tuantrananh547 băn khoăn, cho rằng: "Theo tôi, loại sản phẩm quảng cáo cần được sở y tế xác nhận đảm bảo chất lượng, sau đó mới cấp phép quảng cáo. Chứ làm sao biết họ (người có ảnh hưởng) có dùng hay không, chất lượng đảm bảo thế nào… Tất cả sản phẩm cần được cơ quan đúng chuyên môn cấp phép. Khi đó, người đứng ra cấp phép cũng phải chịu trách nhiệm".

"Ngoài việc người có ảnh hưởng phải sử dụng trước sản phẩm mới được đánh giá, quảng cáo sản phẩm thì quan trọng hơn, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng sản phẩm, nội dung quảng cáo sản phẩm của mình. Còn người tiêu dùng thì phải luôn tỉnh táo để đánh giá đúng trước khi mua sản phẩm", BĐ Hoàng ý kiến.

Người quảng cáo sản phẩm phải có chuyên môn về sản phẩm quảng cáo. Phải nói đúng sự thật, không thì phạt thật nặng, cấm không cho thực hiện quảng cáo.

Phu Cuong Le

Làm sao để biết được họ có sử dụng hay không trước khi quảng cáo? Nếu họ lừa dối thì cần phải có chế tài nghiêm khắc, bắt phải đền bù nếu có hậu quả xảy ra.

Cong Hai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.