Như Thanh Niên đã đưa tin, mới đây đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết phim của Trấn Thành được quảng cáo trên một số xe khách. Hình ảnh dàn diễn viên phim, thông tin phát hành được phủ toàn thân xe, cả mặt trước lẫn mặt sau, tạo thành một pano quảng cáo di động. Việc này vi phạm luật Quảng cáo.
Ngoài ra, nội dung quảng cáo phim của Trấn Thành cũng bị tố vi phạm luật Quảng cáo bởi vì sử dụng từ "nhất" trong câu: "Bộ phim tình cảm gia đình cảm động nhất dịp tết 2024" mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hải (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), từ câu chuyện phim của Trấn Thành, mọi người khi kinh doanh cần phải lưu ý nhiều điều để không vi phạm pháp luật.
"Điều 32 luật Quảng cáo đã quy định rõ, việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của luật này và pháp luật về giao thông. Đó là không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Chính vì vậy, dù muốn quảng cáo sản phẩm trên các xe buýt, xe khách… thì cũng phải lưu ý để không vi phạm luật", luật sư Hải nói.
Đặc biệt, luật sư Hải nhấn mạnh: "Một số người khi kinh doanh thường nói quá lên, cho rằng sản phẩm của họ là "số 1", "tốt nhất", "duy nhất trên thị trường", "hiệu quả nhất"… Nhưng từ "nhất" hay "số 1" không thể được sử dụng một cách tùy tiện như vậy".
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế có nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã và đang vướng vào lỗi sai này.
Chẳng hạn, một thương hiệu đồng hồ có những bài viết chia sẻ lên Facebook quảng cáo "đồng hồ Nhật giá tốt nhất". Hay một thương hiệu cà phê cũng giới thiệu với khách hàng là "cà phê ngon nhất Việt Nam". Rồi một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực mạng internet đã quảng bá: "Hệ thống cáp quang số 1 Việt Nam"…
Ngoài ra, không khó để bắt gặp những quảng cáo: "Kim phục sắc trị nám số 1 Việt Nam", "Bác sĩ thẩm mỹ nam khoa số 1 Việt Nam", "Thời trang công sở số 1 Việt Nam", "Sim số đẹp số 1 Việt Nam"…
Chia sẻ với phóng viên, một số người trẻ thừa nhận thường có thói quen "gắn mác" cho sản phẩm họ kinh doanh với những từ: "tốt nhất", "hiệu quả nhất", "số 1 trên thị trường"... để thu hút khách hàng và không biết đang vi phạm luật Quảng cáo.
Luật sư Hải cho rằng bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào cũng được quyền quảng cáo sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp trên thị trường. Nhưng bắt buộc phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu "thích là sử dụng", "muốn là cho số 1" thì sẽ bị xử phạt.
"Điều 8 của luật Quảng cáo có quy định rõ, trong quá trình quảng cáo mà có sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số 1" hoặc một số từ ngữ khác có ý nghĩa tương đương mà không kèm theo các loại tài liệu hợp pháp để chứng minh thì sẽ bị coi là hành vi bị nghiêm cấm", luật sư Hải cho biết.
Người viết thắc mắc quy định về các loại tài liệu hợp pháp theo pháp luật về quảng cáo được hiểu như thế nào?, luật sư Hải cho biết: "Đó là kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức này có chức năng nghiên cứu thị trường trên thực tế. Hoặc là giấy chứng nhận và các loại giấy tờ tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực và toàn quốc trong quá trình bình chọn, công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được xem đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số 1" hoặc được công nhận bởi các từ ngữ có ý nghĩa tương tự khác… Nhưng thời gian được sử dụng các loại tài liệu hợp pháp theo pháp luật trên các loại sản phẩm quảng cáo sẽ được xác định là 1 năm kể từ ngày các tổ chức và cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận được kết quả khảo sát thị trường".
Vị luật sư này thông tin thêm, pháp luật có quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm sử dụng từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số 1" trong quảng cáo là phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo…
Bình luận (0)