Người phanh phui sự thật về lò sát sinh Auschwitz

25/01/2015 09:00 GMT+7

Sự thật về trại tập trung lớn nhất thời Đức Quốc xã là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trong Thế chiến thứ hai.

Sự thật về trại tập trung lớn nhất thời Đức Quốc xã là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trong Thế chiến thứ hai.
 
Rudolf Vrba lúc nhập ngũ - Ảnh: holocaustresearchproject.orgRudolf Vrba lúc nhập ngũ - Ảnh: holocaustresearchproject.org
Tổng cộng luôn có hơn 2.000 quân thuộc lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã, 200 chó dữ, hai hàng rào kẽm gai truyền điện vây kín những bí mật của lò sát sinh khét tiếng Auschwitz - Birkenau ở Ba Lan. Trong suốt 5 năm hoạt động, từ 1940 - 1945, hơn 100 tù nhân tìm cách thoát khỏi nơi này. Thế nhưng chỉ có 5 người đào tẩu thành công để phơi bày tội ác của Đức Quốc xã ở Auschwitz và kể lại câu chuyện đẫm máu của họ trước thế giới. Trong số đó, Rudolf Vrba là người nổi bật nhất.
Rudolf Vrba, qua đời vào năm 2006, thọ 81 tuổi, đã trải qua 2 năm đáng sợ trong trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan trước khi chạy thoát vào năm 1944 và cảnh báo thế giới về âm mưu tiêu diệt 1 triệu người Do Thái tại Hungary. Điều Vrba góp phần tiết lộ kinh hoàng đến nỗi những người đầu tiên nghe kể đã không thể tin nổi, theo website holocaustresearchproject.org.
3 phút tử thần
Là con trai của chủ nhà máy người Do Thái, Rudolf Vrba có tên khai sinh Walter Rosenberg khi chào đời vào ngày 11.9.1924 tại Topolcany, Tiệp Khắc. Vrba bị đuổi khỏi trường vào năm 15 tuổi khi luật bài Do Thái có hiệu lực, nhưng vẫn tiếp tục việc học tại nhà. Đến năm 17 tuổi, chàng thanh niên Vrba rời nhà gia nhập lực lượng kháng chiến Tiệp Khắc đóng ở Anh. Khi tiến vào Hungary, Vrba nhanh chóng bị bắt và đưa đến trại tập trung ở Maidanek, gần Lublin. Ông xung phong nhận việc đồng áng và bị chuyển đến Auschwitz vào ngày 30.6.1942. Tại nơi này, Vrba tận mắt chứng kiến những tù nhân mới nhập trại bị phân loại thành 2 nhóm: một nhóm chuyển thẳng vào các lò hơi ngạt và nhóm có sức khỏe hơn bị giao các công việc nặng nhọc. Thay cho công việc làm nông, ông phải tham gia nhặt xác khoảng 107.000 người đã bị giết chết để đốt xác.
Vận may đến với Vrba khi một tù nhân người xứ Vienna (Áo) được lực lượng SS tin cậy phát hiện ông có thể nói tiếng Đức và chuyển ông sang bộ phận kho, nơi quần áo và vật dụng của người chết được phân loại. Do nơi này đồng thời cũng chứa thực phẩm cho quản giáo, Vrba không những tìm được thực phẩm để ăn mà còn có xà phòng tắm táp hằng ngày để tránh nhiễm bệnh. Dù không ít lần bị đánh đập dã man do trộm đồ trong kho cho bạn bè, Vrba dần được thăng chức lên làm hộ tịch viên của trại. Ông tính toán có khoảng 1.760.000 người bị giết hại, và biết được thông tin về một trong 4 lò hơi ngạt ở trại phụ tại Birkenau, nơi diễn ra những vụ giết người hàng loạt. Tờ Telegraph dẫn lời kể của Vrba: “Nơi này nhốt khoảng 2.000 người. Khi mọi người được lùa vào hết, những cánh cổng nặng nề bắt đầu đóng lại và khóa chặt. Kế đến là một khoảng lặng ngắn ngủi, có lẽ để nhiệt độ trong phòng tăng lên một mức nhất định, sau đó các quản giáo SS mang mặt nạ chống khí độc leo lên nóc, mở cửa sập và chuyển xuống những hộp thiếc chứa bột là một dạng hỗn hợp cyanide, biến thành khí khi nhiệt độ xung quanh lên một mức nào đó. Sau 3 phút, không còn ai sống sót… Cửa lò được mở, làm thoáng khí và một “đội đặc biệt” (gồm những lao động khổ sai) khuân xác vào lò nung để đốt”.
 
Đối với nhiều người Do Thái, đường dẫn vào trại tập trung Auschwitz-Birkenau là con đường một chiều - Ảnh: AFPĐối với nhiều người Do Thái, đường dẫn vào trại tập trung Auschwitz-Birkenau là con đường một chiều - Ảnh: AFP
Báo cáo Auschwitz
Vrba và Alfred Wetzler, người đào thoát cùng ông vào tháng 4.1944, đã tìm cách chạy khỏi Auschwitz sau khi nấp dưới những đống củi tại công trường xây dựng. Họ nhét theo người thuốc lá Nga nhúng với xăng để tránh chó săn. Suýt nữa thì họ bị lính gác kiểm tra nhưng may mắn là còi báo động chuẩn bị có không kích vang lên kịp lúc. 3 ngày sau, hai người chuồn khỏi trại trong lúc đêm tối và đi thẳng đến Slovakia. Sau khi vượt qua biên giới, họ thẳng tiến tới Zilina và cung cấp một trong những chứng cứ trực tiếp đầu tiên về trại tử thần Auschwitz.
Thế nhưng, khi ông cùng bạn đồng hành tố cáo tội ác của Đức Quốc xã trước Hội đồng Do Thái tại Zilina (Slovakia), họ lại đối mặt với thái độ vô cùng dè dặt. Ban đầu, hai người bị tách ra và được yêu cầu trình bày sự việc một cách chi tiết. Những tiết lộ của họ về Auschwitz được kiểm tra chéo một cách cẩn thận, trước khi tập hợp thành báo cáo dài 32 trang được biết đến với cái tên “Báo cáo Auschwitz”. Vrba và Wetzler đã vẽ nên bản đồ chi tiết về bố cục của trại tập trung Auschwtiz và những phòng hơi ngạt, cung cấp chứng cứ đầy thuyết phục về những tố cáo mà trước đó bị cho là thổi phồng quá mức.
Sau khi giới truyền thông đồng loạt đăng tải những chứng cứ xác đáng từ báo cáo Vrba - Wetzler, cả thế giới bàng hoàng khi biết được cách thức Đức Quốc xã sử dụng để giết người Do Thái một cách có hệ thống. Tuy nhiên, vẫn phải mất vài tuần để giới hữu trách chấp nhận và tin vào những tiết lộ quá mức khủng khiếp. Theo ước tính của Vrba, sự chậm trễ này khiến 50.000 người Do Thái tại Hungary thiệt mạng. Chỉ vài tuần trước khi Vrba thoát khỏi “địa ngục trần gian”, quân Đức đã tràn vào Hungary và dân Do Thái bắt đầu bị chuyển hàng loạt đến Auschwitz. Phải đến khi những tiết lộ kinh hoàng về trại tập trung chiếm lĩnh trang nhất các tờ báo và hãng thông tấn, Hungary vào tháng 7.1944 mới ngưng trục xuất người Do Thái sang Ba Lan, cứu được 120.000 mạng sống.
Dù Thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố Auschwitz “có lẽ là tội ác khủng khiếp nhất và thảm khốc nhất trong lịch sử thế giới”, chứng cứ mà họ cung cấp lại vấp phải phản ứng chậm chạp từ các bên liên quan. Bộ Tư pháp Hungary, khi đó sắp bị Đức tiếp quản, đặc biệt hăng hái trong vụ trục xuất người Do Thái. Còn phe Đồng minh, lúc đó đang gặp nguy khốn trong trận chiến Normandy, từ chối điều máy bay không kích tuyến đường xe lửa từ Hungary sang Ba Lan nhằm chặn đứng các đoàn tàu đưa người Do Thái đến Auschwitz. Dư luận cũng chỉ trích dữ dội một số lãnh đạo của cộng đồng Do Thái tại Hungary, những người đã không màng đến chuyện phải cảnh báo người dân về ý nghĩa thực sự của chuyện “tái định cư” ở Ba Lan.
“Tôi không thể tha thứ”
Sau khi đào thoát, vào tháng 9.1944, Vrba gia nhập quân kháng chiến Tiệp Khắc, chiến đấu cho đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc và được trao Huân chương Anh dũng Tiệp Khắc. Khi hòa bình lập lại, ông đổi tên thành Rudolf Vrba, nghiên cứu hóa học và sinh học tại Đại học Charles ở Prague. Khi được mời dự một hội thảo quốc tế ở Israel, ông đã trốn ở lại. Dù tìm được việc tại Viện Weizmann, Vrba cảm thấy phiền muộn khi chứng kiến nhiều khuôn mặt từng bỏ rơi người Do Thái tại Hungary đang giữ những vị trí ảnh hưởng trong chính quyền non trẻ của Israel, nên quyết định chuyển đến nước Anh. Khi phiên tòa xử trung tá Adolf Eichmann, kẻ đứng đầu chiến dịch diệt chủng, chuẩn bị khởi động vào năm 1960, Vrba viết một loạt bài cho tờ Daily Herald kể về những trải nghiệm kinh hoàng của mình. Những bài báo đó sau này được phát triển thành quyển hồi ký xúc động Tôi không thể tha thứ.
Tranh cãi Nga - Ba Lan về Auschwitz
Tranh cãi mang màu sắc chính trị giữa Warsaw và Moscow đang phủ bóng mây ảm đạm lên dịp tưởng niệm 70 năm giải phóng Auschwitz. Vào ngày 27.1, các nguyên thủ châu Âu sẽ tham dự sự kiện tại nơi từng đặt trại tập trung, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham gia do không nhận được giấy mời chính thức, xuất phát từ cuộc khẩu chiến do Ba Lan khơi mào cách đây vài ngày. Theo Reuters, Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna cho rằng quân Ukraine là lực lượng đã giải phóng trại Auschwitz chứ không phải Hồng quân Liên Xô. Lập tức, Nga phản ứng kịch liệt với tuyên bố Auschwitz được giải phóng nhờ vào lực lượng đa quốc gia do Hồng quân Liên Xô dẫn đầu, và không nên cố tình bẻ cong sự thật để kích động làn sóng chống Nga. Sau đó, Ngoại trưởng Schetyna đính chính rằng ông muốn nói lính Ukraine là người đầu tiên phá bỏ cổng của trại tập trung tại Ba Lan chứ không có ý nói rằng công giải phóng Auschwitz thuộc về Ukraine.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.