Từ đầu thế kỷ 18 trở đi, quần đảo Poulo-Condore (Côn Đảo) tiếp tục gây sự chú ý của các nước phương Tây. Tuy vào những năm đầu thập niên 1700, nhà Nguyễn đã tỏ rõ chủ quyền của mình trên quần đảo này, song các công ty thương mại phương Tây vẫn không từ bỏ tham vọng khai thác nó cho những mục tiêu lợi ích của họ.
Sau sự kiện người Macassars nổi dậy giết chết nhiều người Âu trên đảo, trong đó có cả Allen Catchpole, từ nửa đầu thập niên 1700, không thấy có dấu hiệu người Anh muốn quay lại nơi này. Bù lại, sau thời điểm đó, người Pháp bắt đầu dòm ngó Côn Đảo.
Một bản đồ Côn Đảo xưa |
tư liệu riêng của lê nguyễn |
Linh mục Jacques thuộc dòng Tên có lẽ là người Pháp đầu tiên lưu ý đến những việc người Anh đã làm tại Côn Đảo. Ông ta lưu trú ở đảo trong 9 tháng, từ tháng 9.1721 đến tháng 6.1722 để quan sát kỹ nơi đây.
Hòn đảo của Orléans
Sau khi rời Côn Đảo, ngày 1.11.1722, từ Quảng Đông (Trung Quốc), Jacques viết cho tu viện trưởng Raphaelis một lá thư với nội dung chính như sau: “Đảo Poulo-Condore đã thần phục vua Chân Lạp (nguyên văn: roi du Cambodge - LN). Vào thế kỷ trước, người Anh đã mua nó và đã xây dựng một đồn binh ở đầu làng; song, vì họ có ít người và bị buộc phải phục tùng binh lính Mã Lai, tất cả đều bị cắt cổ, cách nay khoảng 20 năm, và đồn binh của họ bị san phẳng: ngày nay, người ta vẫn còn thấy các tàn tích. Từ thời điểm đó, hòn đảo quay về với sự thống trị của người Chân Lạp” (L. Gaide – Note historique sur Poulo-Condore [Ghi chép lịch sử về Côn Đảo] – Tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue [BAVH] số 2/1925, trang 92, Lê Nguyễn tạm dịch).
Côn Đảo xanh mát ngày nay |
T.L |
Cho đến thời điểm đó, nhiều người phương Tây vẫn nghĩ Côn Đảo còn thuộc quyền cai trị của Chân Lạp, vì nhà Nguyễn chỉ mới đặt để chế độ cai trị trên vùng đất Trấn Biên và Phiên Trấn hơn 20 năm, chưa kịp tổ chức bộ máy chính quyền trên đảo.
Có một chi tiết thú vị ít được biết đến, đó là linh mục Jacques cùng một viên chức Pháp tên Renault là hai người đã đặt thêm cho Côn Đảo cái tên Ile d’Orléans (Hòn đảo của Orléans) để vinh danh hoàng thân Philippe Charles xứ Orléans, từng làm Nhiếp chính triều đình Pháp những năm 1715-1723.
Tuy nhiên, cách gọi này không mấy phổ biến, một phần vì Nhiếp chính vương xứ Orléans đã qua đời vào năm 1723, nên không lâu sau, cái tên Poulo-Condore vẫn tiếp tục tồn tại trên các văn bản, giấy tờ.
Từ nội dung lá thư ngày 1.11.1722 của linh mục Jacques, người ta biết rằng đến năm 1721, Công ty Ấn Độ thuộc Pháp (Compagnie des Indes françaises) đã có hai đội quân đồn trú trên Côn Đảo.
Ngày 7.3.1721, Jacques lên chiếc tàu Dandé của công ty Ấn Độ tại cảng Port-Louis cùng với một đội quân được đưa đến Poulo-Condore (mà ông ta gọi là “đảo Orléans”) tăng cường cho đội quân đã đến đó từ năm trước. Đi chung với họ, còn có hai kỹ sư do hoàng đế Pháp phái đến, một trong hai người sẽ trở thành người chỉ huy trên đảo (tất nhiên đây chỉ là sự tự sắp xếp của phía Pháp).
Xem như thế, chúng ta thấy rằng, dù các tác giả phương Tây từng nhìn nhận Côn Đảo thuộc quyền cai trị của Chân Lạp và về mặt thực tế, nhà Nguyễn đã thay thế vai trò của Chân Lạp từ năm 1698, song cho đến nửa đầu thế kỷ 18, người Anh và người Pháp vẫn tiếp tục nuôi tham vọng thu lợi từ việc thiết lập trên hòn đảo này một cơ sở thương mại. Viết về Côn Đảo đầu thập niên 1720, không chỉ có linh mục Jacques. Còn có một viên chức Pháp tên Renault, làm việc cho Công ty Ấn Độ thuộc Pháp, được giao trách nhiệm điều nghiên việc thiết lập một thương điếm tại Côn Đảo.
Cầu tàu Côn đảo ngày xưa ngay trước dinh chúa đảo |
TƯ LIỆU RIÊNG CỦA LÊ NGUYỄN |
Trong bản tường trình ngày 25.7.1723 gửi ban giám đốc Công ty Ấn Độ thuộc Pháp, Renault mô tả Côn Đảo (Poulo-Condore) là một hòn đảo nghèo nàn, không có tài nguyên, ít người ở. Ông ta cho rằng những bất lợi về khí hậu khiến cho người châu Âu khó làm việc trên đảo và có lẽ vì lý do này, người Anh đã không có ý định quay trở lại Poulo-Condore nữa. Theo ông ta, phải tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian để mang về một kết quả nhỏ nhoi, vì thế đây là nơi “cần phải từ bỏ hơn là chiếm giữ” (L.Gaide – tlđd, trang 96).
Bình luận