Côn Đảo theo cách gọi của người Mã Lai là Pulau-Kundur, trong đó Pulau là hòn đảo, Kundur là trái bí đao, có lẽ do họ hình dung hòn đảo chính này có hình dáng giống trái bí đao chăng? Điều này thật rất khó lý giải cho nguyên nhân có tên gọi này.
Một góc Côn Đảo |
T.L |
Để bạn đọc có điều kiện tìm hiểu kỹ về một vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau: “Chúa Nguyễn Ánh có ra đến Côn Đảo vào năm 1783 không?”, người viết xin trình bày một cách có hệ thống các sử liệu liên quan đến hòn đảo lịch sử này. Xuyên suốt loạt bài viết, cụm từ Poulo-Condore hay Poulo-Condor do người Pháp sử dụng từ thế kỷ 18 trở đi dùng để chỉ một địa danh duy nhất là Côn Đảo ngày nay.
Đảo nằm về phía Đông Nam Việt Nam, cách mũi Vũng Tàu 97 hải lý (174,6 km) về hướng Bắc Đông Bắc.
Đầu thế kỷ 18, nhà Nguyễn đã làm chủ quần đảo
Trong thời kỳ đầu của lịch sử vùng này, người Mã Lai là dân tộc biết đến Côn Đảo trước tiên, vì thế người Pháp dựa vào cách gọi của người Mã Lai mà ghi chép Côn Đảo là Poulo-Condor (Nguyễn Minh Nhựt – Tiểu luận Cao học sử Tổ chức lao tù Poulo-Condor thời Pháp thuộc 1861-1945 – Đại học Văn khoa Sài Gòn 1972, bản in roneo, trang 9 – người hướng dẫn tiểu luận là giáo sư Nguyễn Thế Anh).
Từ nửa cuối thế kỷ 17, công ty Đông Ấn thuộc Pháp (Compagnie Française des Indes Orientales) và công ty Đông Ấn thuộc Anh (The Honorable East India Company) tìm mọi cách giành được quyền làm chủ quần đảo này.
Chân dung chúa Nguyễn Ánh - Gia Long |
T.L |
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 18, người Anh ra tay trước. Năm 1702, một chủ thương điếm Anh ở Chu Sơn (Trung Hoa) là Allen Catchpole đã đến Poulo-Condore để xây dựng một đồn lính trên hòn đảo chính, sau đó ông ta soạn thảo tài liệu hướng dẫn cho một thương nhân tên Daniel Doughty điều hành công việc trong lúc chờ viên Thống đốc lâm thời là Trung úy Rashell sẽ đến nhậm chức.
Song cùng năm đó, thương điếm Chu Sơn phải đóng cửa, Allen điều hành một cơ sở mới. Người Macassars được ông ta sử dụng làm quân đồn trú ở Poulo-Condore bị giữ chân quá hạn hợp đồng đã nổi dậy vào ban đêm đã giết chết nhiều người châu Âu mà họ gặp. (Charles B. Maybon – Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) – Paris 1920, trang 152).
Về phần mình, chính sử Việt Nam cũng ghi rõ về sự kiện này vào tháng 8 âm lịch 1702: “ … Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên, chúa (Nguyễn Phúc Chu – LN) sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy…” (Đại Nam thực lục – Tập I – NXB Giáo dục 2002, trang 115).
Một bản đồ cổ có từ P.Condor chỉ Côn Đảo ngày nay |
t.l riêng của lê nguyễn |
Côn Đảo ngày nay |
T.L |
Trong cụm từ người “Man An Liệt”, từ Man để chỉ người không văn minh, An Liệt có thể là âm của tên Allen (Catchpole), chứ không phải cụm từ Man An Liệt dùng chỉ người Anh (nói chung) như ban phiên dịch sách Đại Nam thực lục đã chú thích.
Hơn một năm sau, vào tháng 10 âm lịch 1703, sách Đại Nam thực lục ghi: “… dẹp yên đảng An Liệt. Trước là trấn thủ Trấn Biên mộ 15 người Chà Và (Java – LN) sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí, người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biên trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.” (Đại Nam thực lục – tập I, sđd, trang 117).
Tuy về mặt chi tiết, tài liệu của Maybon và Đại Nam thực lục không hoàn toàn trùng khớp nhau, song điều thấy rõ là cả hai trình bày cùng một vấn đề xảy ra tại Poulo-Condore (Côn Lôn), trong cùng một năm.
Cũng chính sự kiện người Anh cho xây đồn binh trên đảo Côn Lôn và Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan được lệnh đánh dẹp chứng tỏ một điều rõ rệt là vào đầu thế kỷ 18, nhà Nguyễn đã mặc nhiên xem mình là chủ quần đảo này. Điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ trước đó mấy năm, vào tháng 2 âm lịch năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã “ … Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay) ….” (Đại Nam thực lục – tập I – sđd, trang 111). Như vậy, khi dựng dinh Trấn Biên, nhà Nguyễn đã đặt quần đảo Côn Lôn dưới sự quản lý của chính quyền dinh này.
Do vị trí địa lý thuận lợi, ngay từ các thế kỷ 17 – 18, quần đảo Côn Đảo là trạm dừng chân của các nhà hàng hải trên thế giới: Trung Hoa, Ấn Độ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… trong hải trình dài từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương để đến các nước vùng Đông Á và ngược lại. (Còn tiếp)
Bình luận (0)