Tìm hiểu về các cách gọi tướng tá rất thú vị trong quân đội Pháp

11/04/2022 12:59 GMT+7

Thông thường, người dân thường trong xã hội Việt Nam trước thập niên 1950 gọi các sĩ quan trong quân đội Pháp theo số vạch trên cầu vai (hay ống tay áo dài) của họ. Vì vậy, xung quanh vấn đề này cũng có khá nhiều thú vị.

Các sĩ quan trong quân đội Pháp nếu một vạch (thiếu úy) thì gọi là quan một (hay ông một), hai vạch (trung úy) thì gọi là quan hai, và cứ thế cho đến quan năm. Song, dù cho sĩ quan Pháp có 6 cấp bậc, người dân cũng chỉ gọi đến quan năm, đơn giản vì cầu vai của họ chỉ có tối đa 5 vạch, không có vạch thứ sáu

Báo Le Figaro ngày 10.7.1886 ghi rõ cấp bậc "Capitaine de vaisseau" (Đại tá) của Henri Rivière trong danh sách các sĩ quan, binh sĩ Pháp tử trận và bị thương tại Bắc kỳ vào những năm từ 1873 đến 1886

t.l lê nguyễn

Ảnh quan Pháp Henri Rivière chụp vào thập niên 1870, ống tay áo có 5 vạch

T. L LÊ NGUYỄN

Không rõ căn cứ vào đâu mà các nhà “tự điển mở” trên Wikipedia xác định rằng cấp bậc thấp nhất trong hàng ngũ tướng Lục quân của Pháp là… Chuẩn tướng.

"Giai thoại" về Năm Lửa Trần Văn Soái

Theo các nguồn tư liệu khả tín thì cấp bậc thấp nhất của tướng Lục quân Pháp là Thiếu tướng, cầu vai hay ống tay áo dài tay có gắn hai ngôi sao. Tiếng Pháp gọi cấp bậc này là Général de brigade. Brigade là lữ đoàn, điều này có nghĩa là Thiếu tướng chỉ huy cấp lữ đoàn.

Cấp Trung tướng, tiếng Pháp ghi là Général de division. Division là sư đoàn, có nghĩa rằng Trung tướng là người chỉ huy cấp sư đoàn, cầu vai gắn 3 sao.

Ở cấp Đại tướng, tiếng Pháp là Général de corps d’armée. Corps d’armée là quân đoàn, như vậy Đại tướng là người chỉ huy cấp quân đoàn, cầu vai gắn 4 sao. Cấp Thống tướng, tiếng Pháp là Général d’armée, có nghĩa là người chỉ huy toàn bộ quân đội của một nước, cầu vai gắn 5 sao.

"Sách vàng" trên tờ Le Figaro 10.7.1886 ghi toàn bộ danh sách các sĩ quan và binh sĩ Pháp thuộc Hải, Lục quân tử trận và bị thương trong những năm 1873-1886.

Cầu vai của sĩ quan cấp Tá quân chủng Hải quân Pháp, từ trái sang: Thiếu tá, Trung tá, Đại tá; cách gọi chung (appellation) cả 3 cấp: Commandant. Trong ảnh, phân biệt rõ Đại tá (5 vạch vàng) và Trung tá (3 vạch vàng, 2 vạch trắng)

T.L LÊ NGUYỄN

Có một sự ngộ nhận khi cho rằng Thống chế (Maréchal), cầu vai gắn 7 sao, là cấp bậc cao nhất trong quân đội Pháp. Kỳ thực, Thống tướng mới là cấp bậc cao nhất, Thống chế không phải là cấp bậc (grade), mà là danh hiệu hay phẩm tước (dignité) được ban tặng đặc biệt cho những tướng lãnh có công trạng lớn trong một cuộc chiến tranh hay một biến động lớn nào của đất nước.

Cần xác định là trong cấp bậc của tướng lãnh Pháp, cầu vai 2 sao của Thiếu tướng là nhỏ nhất. Thế nhưng, cách nay nhiều thập niên, có “giai thoại” kể rằng khi ông Năm Lửa Trần Văn Soái mang lực lượng Hòa Hảo dưới quyền ông về hợp tác với Pháp, thực dân Pháp đã giữ lời hứa phong ông là Thiếu tướng, song họ đã “chơi xỏ” ông khi gắn cho ông cầu vai chỉ có 1 sao. Đây là loại chuyện nghe qua rồi bỏ, vì chẳng ai biết nó thật đến đâu.

Trung tướng Hải quân đa số tài liệu dịch thống nhất là Phó đô đốc

Tương ứng với Thiếu tướng lục quân là Contre-amiral, theo hệ thống cấp bậc thời Việt Nam cộng hòa là Đề đốc; gần đây có người dịch là Chuẩn đô đốc. Ngoài ra, do trong quân lực Việt Nam Cộng hòa trước 1975, có cấp Chuẩn tướng Lục quân nên cấp tương đương trong Hải quân là Phó Đề đốc. Pháp không có cấp Chuẩn tướng hay Phó Đề đốc.

Tương ứng với Trung tướng Lục quân là Vice-amiral, hiện nay đa số tài liệu dịch thống nhất là Phó đô đốc. Tương ứng với Đại tướng Lục quân là Amiral d’escadre, dịch phổ biến là Đô đốc. Tương ứng với Thống tướng Lục quân là Amiral, dịch là Thủy sư Đô đốc

Hầu hết các tướng hải quân Pháp giữ chức Thống đốc Nam kỳ trong những năm đầu Pháp thuộc (1861-1877) là Contre-amiral và Vice-amiral. Để dễ gọi và dễ hiểu, sử gia Trần Trọng Kim đã dùng từ Thiếu tướng Hải quân để chỉ một Contre-Amiral và từ Trung tướng Hải quân để chỉ một Vice-Amiral.

Cầu vai của tướng Hải quân Pháp, từ trái sang: Đề đốc, Phó đô đốc, Đô đốc, Thủy sư đô đốc. Tiếng gọi chung (appellation) là "Amiral" (Đô đốc)

T.L LÊ NGUYỄN

Sĩ quan Lục quân hay Hải quân đều có 6 cấp. Từ thập niên 1950, cách gọi phổ biến cho 6 cấp từ thấp đến cao là: Thiếu úy, Trung úy, Đại úy, Thiếu tá, Trung tá, Đại tá. Tên gọi bằng tiếng Pháp của mỗi cấp trong quân chủng Lục quân và Hải quân rất khác nhau, song cách gọi chung của người Việt không thay đổi.

Trong khi 6 cấp trong Lục quân lần lượt từ Thiếu úy đến Đại tá là:

1) Sous-lieutenant; 2) Lieutenant; 3) Capitaine; 4) Commandant; 5) Lieutenant-colonel; 6) Colonel, thì 6 cấp trong quân chủng Hải quân là:

1) Enseigne de vaisseau de 2e classe; 2) Enseigne de vaisseau de 1re classe; 3) Lieutenant de vaisseau; 4) Capitaine de corvette; 5) Capitaine de frégate; 6) Capitaine de vaisseau.

Vì thế trong dân gian ngày xưa, không hề có cách gọi “quan sáu” để chỉ cấp Đại tá ngày nay. Để gọi cấp Trung tá như cách gọi ngày nay (lieutenant-colonel hay capitaine de frégate), họ gọi là “quan năm vành bạc”, còn cấp Đại tá (colonel hay capitaine de vaisseau), họ gọi là “quan năm vành vàng”.

Sở dĩ có sự phân biệt của các sĩ quan trong quân đội Pháp giữa hai cấp này là vì trong khi quan năm vành vàng (Đại tá), ở cầu vai có 5 vạch xuôi màu vàng, thì ở quan năm vành bạc (Trung tá), cầu vai có 3 vạch màu vàng và 2 vạch màu trắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.