Căn cứ vào dòng chữ “le commandant Rivière” trong một vài tài liệu in bằng chữ Pháp thì Henri Rivière là thiếu tá, song không phải chỉ có thế, có tài liệu còn thể hiện ông là… trung tá. Phức tạp thật.
Thông thường, người dân thường trong xã hội Việt Nam trước thập niên 1950 gọi các sĩ quan Pháp theo số vạch trên cầu vai (hay ống tay áo dài) của họ. Một vạch (thiếu úy) thì gọi là quan một (hay ông một), hai vạch (trung úy) thì gọi là quan hai, và cứ thế cho đến quan năm. Song, dù cho sĩ quan Pháp có 6 cấp bậc, người dân cũng chỉ gọi đến quan năm, đơn giản vì cầu vai của họ chỉ có tối đa 5 vạch, không có vạch thứ sáu.
Cầu vai của sĩ quan cấp tá quân chủng Hải quân Pháp, từ trái sang: thiếu tá, trung tá, đại tá; cách gọi chung (appellation) cả 3 cấp: Commandant. Trong ảnh, phân biệt rõ đại tá (5 vạch vàng) và trung tá (3 vạch vàng, 2 vạch trắng) |
T.L LÊ NGUYỄN |
Vì thế trong dân gian ngày xưa, không hề có cách gọi “quan sáu” để chỉ cấp đại tá ngày nay. Để gọi cấp trung tá như cách gọi ngày nay (lieutenant-colonel hay capitaine de frégate), họ gọi là “quan năm vành bạc”, còn cấp đại tá (colonel hay capitaine de vaisseau), họ gọi là “quan năm vành vàng”.
Sở dĩ có sự phân biệt giữa hai cấp này là vì trong khi quan năm vành vàng (đại tá), ở cầu vai có 5 vạch xuôi màu vàng, thì ở quan năm vành bạc (trung tá), cầu vai có 3 vạch màu vàng và 2 vạch màu trắng.
Henri Rivière cấp bậc gì ?
Trở lại trường hợp Henri Rivière, giả thuyết cho rằng ông ta là thiếu tá bị phá sản vì ít nhất hai lý do:
Ông ta là sĩ quan hải quân, từ “commandant” trong “le commandant Henri Rivière” không có nghĩa là thiếu tá, mà là cách gọi chung (appellation) sĩ quan Hải quân cấp tá (xin xem thêm ảnh minh họa).
Sĩ quan Pháp Henri Rivière là trường hợp gây ra không ít bất đồng và tranh cãi về cấp bậc |
T.L |
Ở hình chụp của Henri Rivière vào thập niên 1870, ống tay áo có 5 vạch, do đó ông ta chỉ có thể là trung tá hay đại tá, chứ không thể là thiếu tá. Song điều này cũng vẫn gây bất đồng, vì ảnh (đen trắng) ngày xưa đâu có màu để phân biệt được vạch vàng (đại tá) với vạch trắng (trung tá).
Và sự mâu thuẫn giữa các tài liệu đã xảy ra. Tác phẩm “Histoire militaire de l’Indochine française” (Lịch sử quân sự xứ Đông Dương – Hà Nội - Hải Phòng 1931) với hai tập dày trên 540 trang khổ lớn, khi đề cập đến Henri Rivière, đã ghi rõ cụm từ “capitaine de frégate” (trung tá). Tác phẩm này là tài liệu đặc biệt, rất chi tiết về quân sự, nên có độ khả tín khá cao.
Song, có một tài liệu khác, mà độ khả tín cũng cao không kém. Đó là số báo Le Figaro ngày 10.7.1886, nghĩa là phát hành chỉ 3 năm sau cái chết của Henri Rivière, trong đó có in một tư liệu quý nhan đề là Sách vàng về cuộc viễn chinh Bắc kỳ từ 1873 đến 1886.
Báo Le Figaro ngày 10.7.1886 ghi rõ cấp bậc "Capitaine de vaisseau" (đại tá) của Henri Rivière trong danh sách các sĩ quan và binh sĩ Pháp tử trận và bị thương tại Bắc kỳ vào những năm từ 1873 đến 1886 |
Trong một tác phẩm dày, chỉ duy nhất cụm từ Le commandant Rivière được sử dụng để viết về Henri Rivière |
Tài liệu này ghi danh sách toàn bộ sĩ quan và binh sĩ của cả hai quân chủng Lục và Hải quân chết và bị thương trong các trận đánh tại miền Bắc vào những năm 1873-1886. Trong tài liệu này, cấp bậc của Rivière là “Capitaine de vaisseau” (đại tá).
Đó là khác biệt tiêu biểu của hai nguồn tư liệu có giá trị cao. Cho đến nay, khuynh hướng chung của những người viết sử vẫn ghi Henri Rivière là đại tá. Dù vậy, cách viết của tác phẩm “Histoire militaire…” cũng cần được lưu ý để tìm hiểu kỹ hơn nữa về vấn đề này. (Còn tiếp)
Bình luận (0)