Quan chức cấp cao đầu thời Pháp thuộc: Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
08/04/2022 06:48 GMT+7

Khâm sứ và thống sứ đều được dịch từ chữ Résident supérieur. Khâm sứ Trung kỳ (Résident supérieur de l’Annam) và Thống sứ Bắc kỳ (Résident supérieur du Tonkin) ngang nhau và độc lập, điều hành các cơ quan dân sự thuộc thẩm quyền của mình.

Bấy giờ, vùng đất miền Trung của vương quốc Đại Nam kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận mà người Việt quen gọi là Trung kỳ thuộc quản lý của triều đình Huế, ở đó có Khâm sứ Trung kỳ đại diện dưới sự ủy quyền của Toàn quyền Đông Dương. Vùng đất từ Ninh Bình trở ra bắc sẽ do Thống sứ Bắc kỳ quản lý.

Phủ Thống sứ Bắc kỳ trên một bưu thiếp, sau Cách mạng tháng Tám gọi là Bắc bộ phủ, nay là Nhà khách chính phủ (đường Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Mạnh Hải Flickr

Nghị định ngày 7.7.1889 của Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet (đăng trên Bulletin officiel de l’Indochine française (Công báo Đông Dương thuộc Pháp), số 7 năm 1889, tr.238-247) quy định rõ quyền hạn của Khâm sứ Trung kỳ, rằng “theo quy định tại điều 4 của Sắc lệnh ngày 17.10.1887 và điều 3 của Sắc lệnh ngày 9.5.1889, thừa ủy quyền và dưới quyền của Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ [bấy giờ là Séraphin Hector] sẽ đại diện cho chính phủ Cộng hòa Pháp thực thi các quyền hạn tại Trung kỳ theo đạo luật ngày 15.6.1885 phê chuẩn Hiệp ước Huế [tức Hiệp ước Giáp Thân ngày 6.6.1884]”.

Nội dung điều 5 của Hiệp ước Giáp Thân (1884) quy định: “Quan Khâm sứ đại thần đóng ở Kinh, chuyên về giữ công việc ngoại giao nước Đại Nam với nước ngoài, không có dự kịp tới công việc các tỉnh ở trong giới hạn khoản thứ 3 [tức chỉ điều hành mọi công việc hằng ngày của chính quyền bảo hộ từ giáp tỉnh Biên Hòa (Nam kỳ) đến giáp tỉnh Ninh Bình (Bắc kỳ) nhưng không được can thiệp vào công việc hành chính địa phương]. Khâm sứ đại thần, lại được thẳng vào tâu với Đại hoàng đế nước Đại Nam. Quan Khâm sứ đại thần ấy ở trong Kinh thành có quân Pháp theo hầu” (Đại Nam thực lục, tập 9, nhóm dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.75).

Chức danh “khâm sứ đại thần” trong đoạn dẫn ở trên được ghi trong bản tiếng Pháp của hiệp ước 1884 là “Résident général” (thêm chữ “général” so với Hiệp ước Harmand 1883) về sau được dịch là tổng trú sứ với tướng de Courcy là người đầu tiên được bổ nhiệm. Khoảng thời gian kể từ khi ký hiệp ước ngày 6.6.1884 cho đến lúc de Courcy làm tổng trú sứ, bấy giờ đại diện chính quyền bảo hộ ở Huế là một công sứ (Résident) “cấp rất cao”, khác với các công sứ tỉnh sau này.

Tòa Khâm sứ Trung kỳ tại Huế trên một bưu thiếp, nay không còn

Mạnh Hải Flickr

Bên cạnh quy định về quyền hạn của Khâm sứ Trung kỳ, nội dung Nghị định ngày 7.7.1889 nhắc ở trên cũng quy định rõ quyền hạn của Thống sứ Bắc kỳ. Theo đó, Thống sứ Bắc kỳ (bấy giờ là Ernest Albert Brière) thực thi các quyền hạn của tổng trú sứ (đã bãi bỏ từ tháng 5.1889) từ Ninh Bình trở ra bắc. Cụ thể, Thống sứ Bắc kỳ quản lý hành chính bản xứ các cấp, trong đó có quyền giám sát và phê chuẩn văn bản về nhân sự người bản xứ thuộc quyền quản lý của Kinh lược sứ Bắc kỳ, phê chuẩn quyết định thành lập hoặc thay đổi các đơn vị hành chính, giám sát các thành viên sở tư pháp, làm chủ tịch Hội đồng bảo hộ, giám sát Nha Học chính, giám sát công việc thu thuế, trấn áp hoạt động nổi dậy của người bản xứ, cấp chứng nhận nghỉ phép/nghỉ dưỡng cho sĩ quan mọi cấp bậc…

Ngoài ra, Thống sứ Bắc kỳ có quyền hạn như Phó soái Nam kỳ, được quyền thuyên chuyển nhân sự từ cấp chưởng ấn trở xuống, chịu trách nhiệm thuyên chuyển và bổ nhiệm nhân sự bản xứ của chính quyền bảo hộ, tập hợp thông tin phản loạn, bổ nhiệm và triệu tập Hội đồng thành phố, đại diện cho chính quyền bảo hộ trước tòa và được thụ lý các vụ kiện có giá trị từ 1.000 đồng trở xuống…

Ngoài quyền hạn riêng, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ có những quyền hạn chung như chịu trách nhiệm điều hành các công việc liên quan đến vấn đề nhân sự, tài chính, an ninh, hành chính, y tế, quân sự, tranh chấp… Khâm sứ và thống sứ có trách nhiệm trao đổi thư từ về các vấn đề chung liên quan đến công việc, cùng nhau bàn bạc về việc thuyên chuyển nhân sự giữa hai xứ, các thủ tục liên quan đến Viện Cơ mật và triều đình Huế khi cần thống sứ có thể yêu cầu khâm sứ giúp đỡ. Mỗi quý, khâm sứ và thống sứ gửi báo cáo cho Toàn quyền Đông Dương về tình hình chính trị, tài chính, thương mại, nông nghiệp và công nghiệp của Trung kỳ và Bắc kỳ.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.