Trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM trong suốt ngày 24.4 nhộn nhịp hẳn so với thường ngày, dù là cuối tuần. Từ 8 giờ đến 19 giờ trong “ngày quyết định”, các công dân Pháp đã có đăng ký danh sách cử tri tập trung về đây để bầu chọn vị nguyên thủ quốc gia.
Theo nhận định sơ bộ, số cử tri đến bỏ phiếu tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM ở vòng 2 cao hơn vòng 1 |
Lan chi |
Ngay từ lối vào của Tổng Lãnh sự quán đã có thể dễ dàng thấy hình ảnh hai ứng viên vào “chung kết”, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron - đảng Cộng hòa Tiến lên (LREM) và bà Marine Le Pen của đảng Tập hợp Dân tộc (RN).
Hình ảnh của hai ứng viên vào “chung kết” được đặt rất nổi bật ở ngay gần lối ra vào |
Lan chi |
Anh Laurent Nguyễn, người Pháp gốc Việt, hẹn trước để cùng với đồng nghiệp đi bầu. Anh chia sẻ với Thanh Niên: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Pháp, hiện làm việc ở Việt Nam. Với ứng viên mà tôi đã chọn, tôi hy vọng rằng nước Pháp sẽ tiếp tục hướng về các giá trị của châu Âu, tiếp tục tinh thần liên đới để đất nước có thể phát triển một cách tích cực cả về đối nội lẫn đối ngoại. Dù hiện sinh sống ở nước ngoài, nhưng tôi rất quan tâm đến kỳ bầu cử vì có thể có những ảnh hưởng đến tương lai của Pháp, cũng là tương lai của con tôi, qua những điều rất thực tế như sức mua, trong bối cảnh giá cả không ngừng tăng”.
Lá phiếu và bao thư được gửi từ Pháp sang để đảm bảo hoàn toàn đồng bộ, dù là bỏ phiếu ở nước nào trên thế giới |
Lan Chi |
Bầu cử tổng thống là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng, nên Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM - bà Emmanuelle Pavillon-Grosser đã cùng các cộng sự tất bật chuẩn bị từ nhiều tháng trước.
Với lá phiếu của mình, anh Laurent Nguyễn hy vọng nước Pháp sẽ tiếp tục hướng về các giá trị của châu Âu, tiếp tục tinh thần liên đới để đất nước có thể phát triển một cách tích cực |
Lan Chi |
“Chúng tôi nhận được các hướng dẫn từ Paris về mọi quy trình sẽ thực hiện và những thủ tục, giấy tờ, tài liệu cần phải đảm bảo. Chẳng hạn như phải chọn ra chủ tịch, thư ký, trợ tá của điểm bỏ phiếu và những người này cũng cần được tập huấn trước. Tiếp đó, phải đảm bảo tất cả công dân Pháp có đăng ký trong danh sách cử tri sẽ nhận được qua bưu điện và thư điện tử những tài liệu cần thiết, chẳng hạn cương lĩnh tranh cử của các ứng viên. Chúng tôi cũng thông báo chi tiết với chính quyền sở tại về việc tổ chức bầu cử, để đảm bảo các vấn đề như an ninh hay giao thông. Ở những nước có nhiều người Pháp sinh sống, việc các cử tri dồn về cơ quan ngoại giao để bỏ phiếu có thể gây kẹt xe”, bà Pavillon-Grosser nói.
Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser đã cùng các cộng sự tất bật chuẩn bị cho kỳ bầu cử từ nhiều tháng qua |
LAN CHI |
Theo vị Tổng Lãnh sự, áp phích của các ứng viên (vòng 1 gồm 12 người, vòng 2 là ông Macron và bà Le Pen), lá phiếu và bao thư để bỏ phiếu, đều nằm trong “va li ngoại giao” được gửi từ Pháp sang.
Cử tri trình giấy tờ tùy thân trước khi bỏ phiếu |
Lan Chi |
Chất liệu giấy, kích thước của lá phiếu, cỡ chữ và kiểu chữ của tên ứng viên phải đảm bảo giống nhau hoàn toàn dù là bỏ phiếu ở nơi nào trên thế giới. Điều này nhằm đảm bảo bí mật về tên người được chọn được giữ tuyệt đối cho đến khi khui thùng phiếu. Do phải gửi từ Pháp nên việc chuẩn bị cho vòng 2 khá gấp rút vì thời gian giữa hai vòng chỉ là hai tuần.
Kiểm tra an ninh nghiêm ngặt ở lối ra vào Tổng Lãnh sự quán Pháp |
Lan Chi |
Tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Pháp chịu trách nhiệm về các công dân Pháp sống ở khu vực từ Đà Nẵng trở về phía nam, các tỉnh, thành còn lại thuộc về trách nhiệm của Đại sứ quán Pháp. Những cử tri đến bỏ phiếu ở Tổng Lãnh sự quán hầu hết đều sống ở TP.HCM, những người sống ở tỉnh, thành khác thì bỏ phiếu bằng cách ủy quyền cho bạn bè, người thân.
Xung đột Nga-Ukraine liệu có ảnh hưởng đến lựa chọn tổng thống Pháp? |
Kết quả vòng 1 tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM
Kết quả vòng 1 vào ngày 10.4 cho thấy các cử tri bỏ phiếu tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM có tỷ lệ ủng hộ ông Emmanuel Macron cao nhất (42,53%) hơn khá xa so với người xếp sau là ứng viên Jean-Luc Mélenchon của đảng Nước Pháp không khuất phục (18,55%). Bà Le Pen chỉ xếp thứ 4 với số phiếu chiếm 5,28%.
Bình luận (0)