Người Philippines nói gì về gạo Việt Nam sau khi Ấn Độ mở kho?

Chí Nhân
Chí Nhân
06/10/2024 09:49 GMT+7

Người Philippines gọi nguồn cung gạo từ Việt Nam là 'suki' - người bán đáng tin cậy. Việt Nam vẫn sẽ là nguồn cung gạo lớn nhất vào thị trường này bất chấp việc Ấn Độ mở kho gạo.

Các quan chức và chuyên gia Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là khách mua gạo số 1 của Việt Nam đã đưa ra một số nhận định cũng như phân tích thị trường sau thông tin Ấn Độ mở kho gạo.

Người Philippines nói gì về gạo Việt Nam sau khi Ấn Độ mở kho?- Ảnh 1.

Người Philippines gọi nguồn cung gạo Việt Nam là 'suki' - người bán đáng tin cậy

ẢNH: M.Đ

Cụ thể, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines - ông Francisco Tiu Laurel Jr. cho biết ông "hy vọng" việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu "báo hiệu" giá gạo trên thị trường toàn cầu sẽ giảm. "Chúng tôi hy vọng giá gạo thế giới sẽ giảm một chút", người đứng đầu ngành nông nghiệp nói.

Trong khi đó, ông Raul Montemayor thuộc Liên đoàn Nông dân Tự do Philippines lại cảnh báo rằng không có gì đảm bảo giá gạo thế giới giảm sẽ dẫn đến giá bán lẻ thấp hơn. Nguyên nhân, các thương nhân gạo trong nước không "ủng hộ" gạo Ấn Độ mặc dù giá thấp hơn vì nhiều lý do như chất lượng và độ tin cậy. Trước đây, gạo nhập khẩu từ Pakistan cũng nhiều hơn so với nguồn cung từ Ấn Độ.

Cùng quan điểm, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Fermin D. Adriano cho biết: Giá gạo Việt Nam có thể được kéo xuống gần với mức giá sàn của Ấn Độ hơn so với thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines.

Có 2 lý do chính cho việc này, thứ nhất cả hai chính phủ đã ký một thỏa thuận cung cấp gạo vào đầu năm nay. Theo đó, Việt Nam bảo đảm nguồn cung gạo cho Philippines từ 1,5 - 2 triệu tấn gạo hàng năm trong thời gian 5 năm tới.

Thứ 2 là các thương nhân của chúng ta sẽ nhập khẩu từ những 'suki' - người bán đáng tin cậy Việt Nam. Thông thường, các thương nhân sẽ nhập khẩu gạo từ Việt Nam thay vì mua từ Ấn Độ vì họ không quen thuộc với các nhà xuất khẩu ở đó.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 10 đến nay, giá gạo liên tục biến động với xu hướng chính là giảm tuy nhiên cuối tuần bắt đầu khởi sắc trở lại; gạo 5% tấm xuất khẩu tăng 3 USD lên 542 USD/tấn, trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan vẫn giảm 2 USD còn 512 USD/tấn, gạo Pakistan là 508 USD/tấn và Ấn Độ tăng nhẹ 2 USD so với giá sàn lên 492 USD/tấn.

Bên cạnh đó, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 2 USD lên 512 USD/tấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.