Bà P. cho biết mấy chục năm trước, khi còn trẻ, bà đã phải bồng em phụ cha mẹ. Gia đình có 12 anh chị em nên bà P. phải thường xuyên trông giữ em.
Đến năm lớp 9, hàng xóm phát hiện bà P. có biểu hiện đi khập khiễng nhưng nghĩ không sao nên không đi khám. Sau này, khi học đại học, bạn bè cũng có góp ý về tư thế đi, nhưng bà P. nghĩ mình bị chân cao chân thấp bẩm sinh nên tự khắc phục bằng cách đóng guốc cao thấp để đi. Năm 40 tuổi, khi đi khám cô được chẩn đoán thoái hóa khớp. Tuy nhiên cứ 10 năm phải thay khớp gối một lần nên cô từ chối.
Tư thế sai lệch dẫn đến vẹo cột sống, các chi dài ngắn bất thường
Ngày 10.5, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Đơn vị hiệu chỉnh cơ xương khớp, cho biết bệnh nhân P. đến khám trong tình trạng bị thoái hóa đa khớp, lệch vẹo cơ thể, lệch vẹo khung xương nghiêm trọng.
"Việc lấy hông làm bệ đỡ trong suốt thời gian dài, nhất là khi ở độ tuổi còn nhỏ, cơ xương khớp chưa hoàn thiện sẽ làm lệch vẹo khung chậu. Theo thời gian cơ thể điều chỉnh theo tư thế sai lệch dẫn đến vẹo cột sống, các chi dài ngắn bất thường", bác sĩ Calvin cho biết.
Theo bác sĩ Calvin, với trường hợp khớp biến dạng nặng như vậy, việc hiệu chỉnh sẽ giúp cải thiện chỉ từ 10-30%. Bệnh nhân được tập luyện hiệu chỉnh cơ xương khớp để hạn chế sự ma sát ở các khớp lệch vẹo, giúp bệnh nhân đi lại thoải mái hơn. Do bệnh nhân bị thoái hóa khớp ở nhiều vị trí nên việc thay khớp, mổ cột sống, khung chậu... tiên lượng điều trị có thể không đạt như điều trị nội khoa.
Sau 30 buổi tập hiệu chỉnh cơ xương khơp, mỗi buổi 1 tiếng, tình trạng đau nhức của bệnh nhân P. đã được cải thiện. Nếu trước đó bệnh nhân phải đi gậy thì hiện tại đã tự đi được, giảm đau và tiếp tục tập luyện.
"Việc bồng trẻ nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả người bồng và trẻ được bồng. Nhất là trẻ em trai nếu bồng nhiều, thường xuyên xốc lên xốc xuống sẽ gây tổn thương tinh hoàn, thoát vị đĩa đệm. Hiện có nhiều dụng cụ để hỗ trợ giúp trẻ nằm chơi, vận đông, phụ huynh nên lưu ý", bác sĩ Calvin khuyến cáo.
Bình luận (0)