Người phụ nữ đau bụng suốt 20 năm vì một viên sỏi

Lê Cầm
Lê Cầm
25/09/2023 10:13 GMT+7

Bệnh nhân nữ H.O (34 tuổi, Đắk Lắk) thường xuyên bị đau bụng nhiều đợt, gần đây cơn đau dữ dội nên chị được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 25.9, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), cho biết sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm nội soi để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bị viêm tụy mạn từ năm 14 tuổi, phải ra vào bệnh viện thường xuyên. Thường 6-7 tháng xuất hiện một đợt đau và kéo dài 5-7 ngày. Thời gian gần đây, những cơn đau xuất hiện liên tục hơn khiến chị rất mệt mỏi, sức khỏe sa sút.

Kết quả chụp MRI cho thấy ống tụy có một cấu trúc giảm tín hiệu, kích thước 19mm, bác sĩ nghi ngờ đây là sỏi trong ống tụy. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định chắc chắn là sỏi tụy hay ung thư tụy. Do đó, bác sĩ chỉ định làm siêu âm nội soi để có thể kết luận chính xác.

Qua hình ảnh siêu âm cho thấy đây là khối u ở vùng đầu tụy nhưng chưa rõ bản chất, bác sĩ cần làm sinh thiết để biết u lành tính hay ác tính. Kết quả là mô tụy lành tính. Tuy nhiên, trường hợp này có thể do sỏi ở vùng đầu tụy nhưng cũng không loại trừ u nhầy nhú trong ống tụy. Vì vậy, cần hội chẩn để xử lý trong quá trình phẫu thuật.

Người phụ nữ đau bụng suốt 20 năm vì một viên sỏi - Ảnh 1.

Bác sĩ Khánh trong một ca mổ nội soi

T.A

Theo bác sĩ Khánh, u nhầy nhú có thể tiến triển thành ác tính, do vậy để thận trọng, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật thám sát. Trong quá trình phẫu thuật, sẽ tiến hành nội soi vào trong ống tụy. Trường hợp là sỏi tụy, chỉ cần phẫu thuật lấy sỏi và nối ống tụy với ruột non. Nhưng nếu là u nhầy nhú sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt khối tá tụy (một phần của dạ dày, tá tràng và tuyến tụy).

Khi mở vùng thăm dò, các bác sĩ nhận thấy có tình trạng viêm tụy mạn và ống tụy giãn ra rất lớn, ngoằn ngoèo, đường kính 0,9-1 cm, nội soi đường mật phát hiện một viên sỏi ở vùng đầu tụy. Theo bác sĩ Khánh, sỏi gây tắc nghẽn tại ống tụy, viêm tụy mạn khiến người bệnh đau bụng suốt 20 năm.

Bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy sỏi và nối ống tụy với ruột non. Chị O. hết đau bụng, hồi phục tốt, xuất viện sau một tuần điều trị, tiếp tục theo dõi sức khỏe, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Công Khánh đánh giá đây là một ca bệnh khó chẩn đoán, trường hợp viêm tụy mạn của người bệnh có nguyên nhân khá hiếm gặp, do một viên sỏi mềm ở đầu tụy chứ không phải sỏi do canxi hóa thường gặp.

Nguyên nhân gây viêm tụy

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Ngọc Bích (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa) cho biết nguyên nhân phổ biến (70%) của viêm tụy mạn là do uống rượu bia trong thời gian dài. Bên cạnh đó là do sỏi mật, xơ nang, mỡ máu, do tác dụng phụ của một số loại thuốc (estrogen, steroid và thuốc lợi tiểu thiazid). Tuy nhiên, có đến 20-30% số người bị viêm tụy mạn không tìm ra nguyên nhân, có thể do bẩm sinh hoặc một số khiếm khuyết di truyền, chị O. cũng nằm trong trường hợp này, không rõ nguyên nhân gây bệnh.

Viêm tụy có 2 loại là viêm tụy cấp tính và viêm tụy mạn tính. Bệnh có triệu chứng đau bụng trên có thể lan ra sau lưng, buồn nôn, nôn mửa, sụt cân, phân có mỡ. Tình trạng việm tụy, đặc biệt là viêm tụy cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy cơ quan, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Trường hợp viêm tụy mạn có thể dẫn đến ung thư tuyến tụy, rối loạn chức năng ngoại tiết, đái tháo đường.

Bác sĩ Ngọc Bích khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa bệnh sớm như hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nhiều muối. Ăn uống khoa học, cân đối các nhóm dưỡng chất. Người bệnh đái tháo đường, mỡ máu cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát biến chứng viêm tụy. Người có triệu chứng bệnh nên đến bệnh viện có khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.