Đủ biến cố và… bất ngờ
Cư dân mạng hay xem livestream có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị Nhiên nằm sấp, mặt kê gối ngước lên màn hình điện thoại giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh những bình luận hỏi mua hàng, chị Nhiên cũng nhận được nhiều sự động viên về nghị lực vươn lên sau tai nạn giao thông.
Năm 2017, chị Nhiên bị tai nạn dẫn đến liệt 2 chân. Từ người khỏe mạnh, mọi sinh hoạt của bản thân phải phụ thuộc anh chị em ruột và cha mẹ già, chị cảm thấy bế tắc. Trước tai nạn, chị không dùng điện thoại thông minh, mạng xã hội cũng là điều xa lạ với chị. Thấy chị buồn, người cháu gợi ý mua điện thoại thông minh để chị lên mạng, hy vọng tinh thần dễ chịu hơn. Từ đó, thấy nhiều người bán hàng online nên chị cũng muốn thử sức. Khởi đầu không hề thuận lợi, phải 1 tháng sau chị mới bán hết 5 bộ quần áo đầu tiên. Khách mua là những bà con thấy thương tình nên ủng hộ.
"Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu nhưng tôi vẫn muốn bán tiếp. Bán được 5 đơn, tôi ước mơ sẽ bán được 10 đơn…, để có tiền phụng dưỡng cha mẹ", chị Nhiên nói.
Loay hoay đăng hình ảnh, bán đủ thứ hàng hóa với số lượng ít suốt cả năm vẫn không hiệu quả, chị Nhiên bắt đầu học livestream, học cách làm video thu hút khách hàng nhưng mọi chuyện vẫn không dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Tới (72 tuổi), mẹ chị Nhiên, chia sẻ: "Con tôi thấy nhiều người bị liệt nằm và ngồi nhiều dẫn đến loét mông, hoại tử nên chọn cách nằm sấp trong khi ngủ và livestream bán hàng".
Có đêm, chị nằm trước điện thoại nói chuyện, giới thiệu hàng hóa đến khản cổ nhưng chỉ có vài người xem. 2 cùi chỏ chống lên lớp chiếu chai sần chỉ sau vài tháng. Chưa kể, nhiều người thấy chị nằm nói chuyện lại nghĩ chị "làm màu câu view" và để lại những bình luận khiếm nhã. Mới bán online, đơn không nhiều nhưng rủi ro vô vàn khi chị còn bị bom hàng.
Chật vật mãi thì may mắn xuất hiện. Có lần, khi đăng tải video vừa nói chuyện về cuộc sống vừa đóng gói hàng cho khách, chị Nhiên bất ngờ nhận về "triệu view". Từ đó, hành trình bán hàng "sang trang", chị có thêm nhiều khách, ổn định hơn.
Đã sống thì phải nghĩ tích cực
Chị Nhiên kể "cửa hàng online" của mình bán đủ thứ, nhưng nhiều nhất là mỹ phẩm. Cứ thấy loại nào đang "hot trend", nhiều lượt đánh giá tốt hay đại lý hỗ trợ không thu cọc… chị đều nhập về bán. Vừa bán, chị cũng vừa tập luyện để cơ thể khỏe hơn.
Khi mới gặp biến cố, chị Nhiên thường nghĩ về quá khứ và tiếc nuối. Mỗi lần suy nghĩ, chị lại khóc nức nở, thấy cuộc sống bế tắc. Nhờ chiếc điện thoại, chị Nhiên xem được nhiều video về những người khuyết tật vươn lên, truyền năng lượng tích cực nên dần lạc quan hơn.
"Tôi cảm ơn mạng xã hội, cảm ơn cộng đồng mạng vì đã giúp một người liệt như tôi có "nơi" để kiếm tiền, có bạn bè chia sẻ buồn vui. Đặc biệt là biết đến những người đồng cảnh ngộ truyền cho tôi nhiều động lực, dù chưa từng gặp mặt", chị nói.
Chị Trần Tiền (ở Tiền Giang) cho biết đã mua hàng của chị Nhiên khoảng 3 năm. Một lần lướt mạng thấy video kể về việc bị khách bom hàng nên chị Tiền thấy thương và bắt đầu mua ủng hộ. "Cô ấy nghị lực, làm ăn đàng hoàng nên tôi gắn bó đến bây giờ", chị Tiền chia sẻ.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và chăm chỉ làm ăn, chị Nhiên dần dần có nhiều mối quen như chị Tiền, thu nhập cũng tốt hơn. Từ 5 món hàng đầu tiên, hiện tại khắp gian nhà nhỏ của gia đình chị đã có cả chục chiếc kệ, chất hàng trăm món hàng đủ loại.
"Tôi gặp tai nạn, trải qua nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sống. Tôi nghĩ, nếu đã sống thì phải nghĩ tích cực, cố gắng làm việc rồi có ngày may mắn sẽ đến với mình", chị Nhiên tâm sự.
Chị Thảo Thảo (ở An Giang), mối bỏ sỉ mỹ phẩm, chia sẻ: "Lâu dần, biết hoàn cảnh của Nhiên, tôi giao hàng nhưng không cần lấy tiền cọc. Mấy năm chứng kiến Nhiên tự học, tự quay clip để bán hàng, tôi rất khâm phục".
Bình luận (0)