Ra chợ để bán hàng online
Chị Thanh Tâm có một sạp nhỏ bán quần áo nam nằm sâu bên trong chợ. Lối dẫn vào sạp của chị chật hẹp, chỉ đủ để 2 người tránh nhau, xung quanh có nhiều chỗ đã trả mặt bằng.
Dù đã vào mùa cao điểm sắm tết nhưng nhiều khu chợ truyền thống bán chủ lực các mặt hàng thời trang vắng tanh, ít khách qua lại. Bên ngoài, những sạp lớn, nằm ở vị trí đắc địa với giá thuê không dưới 10 triệu/ tháng cũng không thu hút nổi số ít khách đến chợ dừng chân mua sắm.
Tuy nhiên, dù không có bóng dáng vị khách nào ghé sạp lựa hàng, chị Tâm vẫn thoăn thoắt đóng gói gần chục chiếc áo, quần trong buổi sáng, ngày 3.1.
"Đây là hàng đã có người đặt trên các sàn thương mại điện tử. Tôi đóng gói để một lát shipper đến sạp lấy mang đi giao", chị Tâm cho biết.
Chị Tâm bán quần áo ở chợ Phạm Văn Hai hơn chục năm. Trước khi tham gia bán hàng online, chị Tâm cũng chỉ bán trực tiếp tại chợ, mỗi ngày từ 7 giờ đến 18 giờ.
Thời điểm dịch Covid, thấy nhu cầu mua hàng online của mọi người tăng lên, chị tập tành chụp ảnh sản phẩm bán thử. Ban đầu, chị đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội của mình, chủ yếu bán cho khách quen. Về sau, chị đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, duy trì từ đó đến nay.
Mếu máo kinh doanh tụt dốc, tiểu thương chợ nhà giàu bỏ chục triệu học livestream bán hàng
Chị Tâm không cần cho người mẫu mặc quần áo để quảng cáo, không đầu tư chụp ảnh cầu kỳ. Người phụ nữ chỉ chụp sản phẩm bằng camera thường trên điện thoại rồi đăng lên trang bán.
Hiện tại, chị Tâm tham gia 4 sàn thương mại điện tử, có đóng thêm một số chi phí để duy trì gian hàng của mình trên không gian mạng. Mấy năm nay, hằng ngày chị vẫn ra sạp bán, nhưng khi rảnh thì chụp hình sản phẩm bán online. Để gian hàng của mình đa dạng hơn, chị còn chụp hình cả những mặt hàng thời trang nữ, áo khoác ở một số sạp khác trong chợ để nếu có khách đặt, chị sẽ "mua đi bán lại".
Chị Tâm cho biết, bản thân không chạy quảng cáo, không tham gia nhiều chương trình khuyến mãi của sàn hằng tháng nên không nổ đơn liên tục. Tuy không có doanh số khủng như nhiều shop khác, nhưng hàng đi vẫn đều đặn mỗi ngày.
"Nếu như trước đây hình thức bán online chỉ là phụ thêm, ai mua thì bán, tận dụng thời gian rảnh… thì bây giờ lại là cứu cánh duy nhất của tôi khi chợ ế ẩm", chị Tâm nói.
Chỉ bán ở chợ thì... thua!
Bán online tuy đi được nhiều đơn hơn nhưng tiền lời từng mặt hàng lại không bằng bán trực tiếp tại chợ. Bởi, ngoài việc phải đóng thêm phí tham gia sàn, thì mặt hàng thời trang giá tầm trung có nhiều đối thủ cạnh tranh nên phải để giá mềm thì mới có khách.
"Cùng một loại sản phẩm, khách lướt lựa xem shop nào giá rẻ hơn thì mới mua nên mình không thể bán đắt hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, lời ít nhưng có số lượng thì vẫn ổn, có đồng ra đồng vào để nhập hàng mới bán Tết", chị Tâm nói.
Cách sạp của chị Tâm không xa là sạp hàng thời trang nữ của chị Trần Thị Mơ. Cũng giống như chị Tâm, chị Mơ khẳng định năm nay nhờ bán online nên hàng hóa vẫn chạy đều đều.
Tuy sức mua có giảm hơn mọi năm nhưng ít nhất chị Mơ không chịu cảnh ngồi không cả buổi vì ế khách như đa phần tiểu thương ở chợ.
Khảo sát của Thanh Niên với 10 tiểu thương bán quần áo ở chợ Phạm Văn Hai cho thấy, chỉ có 2 người là chị Tâm và chị Mơ hiện đang bán hàng online, còn lại chỉ bán trực tiếp tại chợ. Vì thế, cũng chỉ có mỗi 2 người là thường xuyên tất bật soạn hàng, đóng gói.
Vì cho rằng mình không có tài ăn nói cũng như ngại xuất hiện trên mạng xã hội nên chị Tâm, chị Mơ chưa nghĩ đến việc bán hàng bằng cách livestream.
Tuy nhiên, anh Hân Lai, chủ cửa hàng bỏ sỉ quần áo trung niên ở chợ Tân Bình đã áp dụng cách này để giới thiệu mẫu hàng Tết mới mỗi ngày trên trang cá nhân. Kết hợp với việc quay clip gửi vào các nhóm sỉ của mình để chào mời nên khách sỉ ở các tỉnh có thể dễ dàng vào chọn mẫu online.
Sau khi chọn hàng xong, nhân viên sẽ lựa hàng theo yêu cầu rồi gửi về tỉnh cho người mua.
"Mọi năm khách lựa cả chục màu cho mỗi mẫu thì năm nay chỉ chọn 2 -3 mẫu. Số lượng hàng bán ra giảm hơn một nửa nhưng nhờ livestream nên khách dễ chốt đơn hơn", anh Lai nói.
Bình luận (0)