Người phụ nữ mắc xương cá ở phổi mà không biết, tưởng là hen suyễn

Duy Tính
Duy Tính
18/02/2023 16:07 GMT+7

Hóc dị vật, đặc biệt là xương cá thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi. Do đó, những người này cần cẩn trọng trong việc ăn uống, bởi rất dễ mắc xương cá ở thực quản, khí quản, phổi...

Ngày 18.2, TS-BS Đặng Thị Mai Khuê (đơn vị Hô hấp, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bà Lê Thị M. (70 tuổi, ngụ Tiền Giang) đến khám trong tình trạng ho khò khè từ cổ xuống, có đờm đục do mắc xương cá ở phổi mà không biết. Bà từng điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm corticoid, giãn phế quản... nhưng không đỡ.

Nguyên nhân cụ bà mắc xương cá ở phổi nhưng uống thuốc điều trị hen suyễn - Ảnh 1.

Cụ bà mắc xương cá ở phổi nhưng không hay biết

BVCC

Khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scanner kiểm tra nhưng không ghi nhận tổn thương viêm phổi. Qua nội soi phế quản, bác sĩ phát hiện góc phế quản bên trái có dị vật xương cá kích thước 3x2 cm, nghi là xương mang cá lóc. Ngoài ra, có nhiều đàm mủ, bao quanh nhiều hạt ôm dị vật, có hiện tượng xẹp hẹp khí quản.

Các bác sĩ đã dùng kìm chuyên dụng gắp xương cá ra khỏi phổi bệnh nhân ngay trong lúc nội soi. Mẩu xương chưa bị mục nên việc gắp xương ra khỏi phổi thuận lợi. Bệnh nhân dễ thở hơn, tỉnh táo, đỡ ho khò khè sau khi được gắp xương cá ra.

Kể với bác sĩ, cụ bà cho biết, bà bị hen suyễn đã điều trị ổn định. Gần 1 năm trước, trong một lần ăn cơm bà bị hóc xương cá. Bà cố gắng nuốt xương xuống cùng cơm và rau. Sau đó bà không thấy còn mắc ở cổ họng nữa nên nghĩ xương đã trôi xuống bụng, không nghĩ lại mắc ở phổi.

Sau đó bà bị ho, thở khò khè cứ nghĩ là do hen suyễn nên dùng thuốc hen bậc cao nhưng không đỡ.

Theo bác sĩ Mã Thanh Phong (đơn vị hô hấp, khoa Nội tổng hợp), xương cá mắc kẹt ở phổi là nguyên nhân chính gây ho, khò khè, khá giống với triệu chứng hen phế quản khiến bệnh nhân nhầm lẫn. Nếu không sớm lấy ra, xương cá ngày càng bám sâu hơn sẽ gây viêm phổi, xẹp phổi thùy dưới ngay góc trái, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp.

Bác sĩ Phong khuyến cáo, người già khi ăn có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái; hoặc người có răng giả, sau khi ăn đột nhiên không thấy nữa… phải đi khám để được kiểm tra xem có dị vật trong đường thở hay không. Đặc biệt, trẻ nhỏ đang đùa giỡn mà ho sặc hoặc tím tái, cần phải đi cấp cứu để bác sĩ khám, nếu có dị vật cần được can thiệp lấy ra sớm. Nhiều trường hợp trẻ em hóc hạt không lấy ra kịp gây viêm phổi, khò khè, áp xe phổi, xẹp phổi… thậm chí tử vong.

Dị vật như xương cá mắc kẹt ở phế quản, phổi chủ yếu là do bất cẩn khi ăn uống, ăn khi chơi đùa... Để phòng ngừa dị vật phế quản, mỗi người nên chế biến thức ăn kỹ lưỡng, ăn chậm, nhai kỹ, trong lúc ăn không được cười đùa, la hét; người có răng giả nên tháo răng giả khi đi ngủ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.