Người quay lại TP.HCM cần chú ý gì?

29/10/2021 06:00 GMT+7

Các cơ quan chức năng của TP.HCM khuyến cáo người lao động , người dân từ các tỉnh, thành trở lại nên chủ động khai báo y tế , thông báo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 28.10, báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy số ca F0 phát hiện qua test nhanh, số F0 cách ly tăng nhanh. Nếu như đầu tháng 10, TP.HCM có 28.000 - 29.000 ca F0 cách ly tại nhà, sau đó giảm sâu xuống còn hơn 11.000 ca vào ngày 19.10 thì từ ngày 20.10 đến nay, số ca F0 cách ly tại nhà bắt đầu gia tăng trở lại, trung bình mỗi ngày hơn 1.000 ca; đến ngày 28.10 có 19.747 ca.

Covid-19 sáng 29.10: Cả nước 905.477 ca nhiễm, 813.963 ca khỏi | TP.HCM xử lý F0 ra sao?

Nhiều F0 từ các tỉnh trở về

HCDC đánh giá số F0 gia tăng có nguyên nhân từ người trở lại TP.HCM làm việc và phát hiện qua test nhanh. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay của chính quyền cấp cơ sở là nắm bắt và quản lý được lượng người từ các tỉnh, thành khác trở lại TP.

Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn đang còn thiếu lao động để mở rộng sản xuất, kinh doanh

SỸ ĐÔNG

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), chia sẻ một số trường hợp từ các tỉnh, thành quay lại, có triệu chứng ngay. Khi đó, khu phố, tổ Covid-19 cộng đồng, cảnh sát khu vực hoặc người dân báo ngay cho trạm y tế và xử lý như những trường hợp đang sinh sống trên địa bàn. Ông Tuấn cho hay, những người có hộ khẩu hoặc tạm trú trên địa bàn phường khi quay lại có nhiều trường hợp: người lao động làm việc “3 tại chỗ” thì công ty có văn bản gửi về cho phường, người dân TP.HCM “mắc kẹt” ở các tỉnh quay về, người lao động từ các tỉnh trở lại làm việc. Thống kê những ngày gần đây, số ca dương tính từ các tỉnh về chiếm khoảng 10 - 20% tổng số ca dương tính trên địa bàn. “Cách đây 3 ngày, một trường hợp từ địa phương khác về có triệu chứng, nhân viên y tế xuống kiểm tra và phát hiện dương tính Covid-19”, ông Tuấn nói.

Về quy trình xử lý, nếu người dân đủ điều kiện thì cách ly tại nhà và được cấp túi thuốc an sinh A-B, túi an sinh gồm gạo, mì gói, trứng, thịt, cá hộp… Đối với một số ca phát sinh trong khu nhà trọ, nếu ở lại có nguy cơ lây cho gia đình hoặc khu trọ thì phường chuyển về khu cách ly tập trung.

Theo quy trình mới của HCDC, tất cả F0 tại cộng đồng (phát hiện ở bệnh viện, công ty, trường học, hộ gia đình…) bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh đều đưa vào diện chăm sóc, quản lý. Với ổ dịch gia đình thì cả hộ sẽ được làm xét nghiệm vào ngày đầu tiên phát hiện F0, sau đó cách ly 14 ngày. Khi có từ 2 hộ gia đình cùng khu vực là F0 thì được đánh giá là ổ dịch cộng đồng và tiến hành phong tỏa trong vòng 24 giờ để điều tra, truy vết, đánh giá mức độ nguy cơ của ổ dịch. Tùy theo mức độ nguy cơ thấp, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao sẽ có các biện pháp can thiệp phù hợp.

Ngày 28.10: Thông báo 54 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Tuân thủ 5K và tự cách ly

Nói về việc thích ứng với tình hình mới, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng người dân trở lại TP.HCM sinh sống và học tập, làm việc cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19. “Trách nhiệm của người dân trở lại TP là tuân thủ 2 quy định cơ bản: thực hiện 5K và tiếp tục tự cách ly (nếu không phải là người từ vùng cấp độ 4 về), hạn chế tiếp xúc với mọi người khoảng 7 ngày, khai báo y tế khi có triệu chứng. Nếu chưa tiêm chủng thì đăng ký tiêm chủng càng sớm càng tốt, và tiêm mũi 2 khi đến thời gian tiêm”, PGS-TS Dũng nói.

Cũng theo PGS-TS Dũng, TP.HCM đã tổ chức tiêm chủng đạt số mũi vắc xin phòng Covid-19 cơ bản giúp ngăn ngừa lây lan, nhưng vẫn cần cảnh giác. Những người đã tiêm đủ vắc xin ít mang nguy cơ; còn người chưa tiêm vắc xin thì có nguy cơ chính là nguồn lây qua tiếp xúc trên đường đi, tiếp xúc với người khác khi ở TP. “Số người quay trở về TP, cứ khoảng 1.000 - 2.000 người thì có 1 người bị nhiễm. Nếu 1 triệu người quay trở về thì trên 1.000 người bị nhiễm, và như vậy sẽ lây lan thêm”, PGS-TS Dũng phân tích.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng nếu người dân trở lại TP tuân thủ cách ly thì không quá lo ngại. Điều đáng sợ là khi quay trở lại, họ mắc bệnh, tiếp xúc nhiều người và làm lây lan dịch bệnh. Do đó, ông Dũng đề nghị cần tuyên truyền, nhắc nhở người lao động khi trở lại TP nếu bị ho, đau họng, nhức đầu, mất mùi… thì đi khám ngay.

Tạo điều kiện để người lao động trở lại TP.HCM được tiêm vắc xin

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin có khoảng 121.321 doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động; số lao động quay lại làm việc trong các loại hình DN gần 1,8 triệu người. Riêng các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đã có 1.321 DN hoạt động trở lại với hơn 201.000 lao động.

Bên cạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động, 2 trung tâm dịch vụ việc làm của Sở LĐ-TB-XH và Thành đoàn TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, dự kiến diễn ra hôm nay (29.10) để kết nối lao động với DN. Trong tháng 11, các đơn vị tiếp tục tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm để người lao động các tỉnh tham gia phỏng vấn trực tiếp với các DN tại TP.HCM, Bình Dương, Long An.

Sau gần 1 tháng mở cửa kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá tình hình dịch Covid-19 đang trong tầm kiểm soát, số ca dương tính hằng ngày cũng không tăng đột biến. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng, số ca tử vong có xu hướng giảm. Các quận, huyện đang sơ kết để rút ra bài học, củng cố nguồn lực để vừa kiểm soát dịch vừa mở cửa kinh tế và chuẩn bị cho những tình huống phát sinh.

Ông Phan Văn Mãi thông tin hơn 93% DN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động trở lại; một số DN có đơn hàng dự kiến tăng gấp đôi; dù vậy mới hơn 70% công nhân làm việc trở lại. TP.HCM luôn phối hợp với các địa phương, hiệp hội, DN tạo điều kiện tốt nhất để người lao động quay trở lại, nếu ai chưa tiêm vắc xin thì tổ chức tiêm vắc xin. “Tới đây, khi mở rộng sản xuất, dịch vụ thì lao động là yếu tố đầu vào quan trọng, TP.HCM sẽ hỗ trợ tối đa các DN trong vấn đề này”, ông Mãi nói.

Phát hiện F0 tại nhà máy, xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại nhà máy, DN cũng đã được Sở xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Cụ thể, khi phát hiện ca nhiễm thì F0 sẽ được đưa đến các khu vực cách ly tách biệt trong phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận, huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.

Doanh nghiệp cố gắng “kéo” người lao động quay lại thành phố

Ông Phạm Văn Hiền, Phó chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, cho hay các chính sách phúc lợi của DN dành cho người lao động vẫn được đảm bảo theo các cam kết của hợp đồng lao động trước đó; đồng thời DN đang cố gắng chăm lo tốt hơn để thu hút người lao động làm việc.

DN có những chính sách khuyến khích cao hơn để người lao động đồng hành tái sản xuất. Một số công ty có nhiều đơn hàng và nhiều người lao động có thể tăng ca trở lại để đảm bảo việc làm và tăng thu nhập. Mặt khác, chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ kết dư Quỹ bảo hiễm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 đã giúp người lao động trang trải trong thời gian chờ nhận lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.