Tôi từng ăn nhiều quán cơm tấm vỉa hè, cơm tấm trong hẻm ở Sài Gòn, đa phần quán nào cũng để bếp than phía trước rồi nướng thịt, khói bay nghi ngút. Nướng tới đâu, thịt được đưa vào tới đó để khách ăn cho nóng. Khói ở các bếp nướng đôi khi bay vào mặt, đôi khi bay ra đường cũng khiến không ít người khó chịu nhưng tôi cũng dần quen với việc này.
Để tránh việc khói bay, nhiều quán ăn bình dân chọn nướng thịt trước rồi để đó, khách gọi thì bỏ vào dĩa cơm. Thế nhưng nếu để lâu quá thì mất ngon, miếng sườn không còn nóng.
Quán cơm của ông Hùng (53 tuổi, ngụ Q.3), sườn mà khách ăn đều vừa được nướng trên bếp than hồng còn nóng hổi. Sở dĩ khách đến ăn không thấy bếp, cũng chẳng thấy khói mà chỉ thấy sườn là vì trong căn nhà 3 tầng của mình, ông chọn nướng thịt ở tầng cao nhất để khói không bay tứ tung ảnh hưởng đến khác và người đi đường. Sườn vừa nướng xong sẽ được bỏ vào một xô nhỏ chuyển từ tầng 3 xuống đất.
|
Đĩa cơm cao nhất có giá… 100.000 đồng
Sáng nào đi làm chạy qua con hẻm 194 Võ Văn Tần (Q.3), tôi cũng để ý thấy có một quán ăn mà người ta đến ăn đông kín bàn, rộn ràng con hẻm nhỏ. Hết lượt khách này đến lượt khách khác ghé vào ăn. Tò mò, tôi cũng ghé vào tìm hiểu thì mới biết đó là quán của chú Hùng, chuyên bán cơm tấm.
Khách đông, nên các thành viên trong quán không lúc nào là ngơi tay. Mỗi người một việc đều nhanh tay lẹ chân giải quyết các đơn hàng được đặt qua điện thoại cũng như chuẩn bị món cho khách đến ăn trực tiếp. Thay vì hỏi chuyện, tôi gọi một dĩa cơm sườn, bì, chả trứng chiên có giá 70.000 đồng ăn thử coi ngon cỡ nào mà khách đến ăn đông vậy.
Kay Đoàn (25 tuổi, ngụ Q.3), anh khách ngồi cùng bàn bảo với tôi rằng, quán ở đây thành phần nào cũng ngon, nhưng ngon nhất chính là sườn, nước chấm được chế biến theo công thức riêng nên rất vừa miệng. Ăn thử thì thấy đúng thật, sườn mềm có mỡ xen giữa nên cắn một cái là bị “cuốn” ngay, thấy rõ vị ngon ngay đầu lưỡi.
|
“Tôi ăn ở đây cũng 6 năm rồi, do một người bạn giới thiệu. Ngay từ lần đầu ăn đã mê luôn từ đó nên tôi vẫn thường ghé đây ăn vào sáng hay trưa. Cơm chú Hùng là một trong những quán cơm tấm ngon của Sài Gòn mà tôi từng ăn qua, chất lượng tương xứng với mức giá nên tôi nghĩ không quá đắt đỏ”, anh Đoàn nói thêm.
Tránh cơm nguội mất ngon, tôi cũng vội ăn cho hết phần cơm của mình. Ăn xong, tôi hẹn chú Hùng gần 12 giờ trưa đến để hỏi chuyện vì đó cũng là lúc quán đóng cửa.
Tâm sự với chủ quán, tôi mới biết tiệm này được chú mở năm 1993, ngót nghét đến nay cũng gần 30 năm rồi. Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn bán cơm tấm mà không phải món ăn khác, ông Hùng cười rồi nói tất cả chỉ là ngẫu nhiên, nằm trong một chữ “duyên” chứ không có nguyên nhân gì quá đặc biệt.
Ban đầu mỗi dĩa cơm tấm ông bán có giá 4.000 đồng, nay dĩa cơm tấm thấp nhất có giá 40.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng. Thời điểm đầu tiên, cũng như bao quán ăn còn mới khác, việc kinh doanh của ông có nhiều khó khăn do chưa có nhiều người biết đến. Nhưng ông không bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại, mà lúc nào cũng tìm cách để nấu ngon hơn.
Không ngừng lắng nghe ý kiến khách hàng để thay đổi hương vị sao cho phù hợp, dần dần món ăn của gia đình ông trở nên ngon hơn, rồi tiếng lành đồn xa được nhiều người biết đến. Khách đến ăn ngày càng đông, đến giờ thương hiệu cơm tấm Hùng đã có một vị trí vững chắc trong lòng nhiều người.
|
“Nhiều người ăn từ thời quán của tôi mới mở cho đến giờ, ăn riết mà chúng tôi trở thành bạn luôn”, ông Hùng cười nói.
“Tôi nấu như bao quán, không hiểu sao khách tới đông”
Khi được hỏi bí quyết nào trong món cơm của mình làm cho khách mê, ông nói: “Ai biết gì đâu, tôi cũng nấu như bao quán ăn khác, chứ có gì mới đâu không hiểu sao nhiều người tới ăn đông. Tôi nghĩ sự kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nguyên liệu, đặt hết cái tâm vào để nấu là món ăn tự khắc sẽ ngon thôi. Ban đầu tôi cũng không phải dân chuyên nấu nướng, cách nấu sườn, bì, chả, nước mắm, đồ chua ra làm sao đều là do một người chú của tôi chỉ đó”.
Mọi công việc của quán ăn đều do các thành viên trong gia đình ông Hùng quán xuyến. “Nhờ việc bán cơm những năm qua, cũng như có sự trợ giúp của cha mẹ mà tôi xây được căn nhà 3 tầng như bây giờ. Hiện quán cơm chính là thu nhập chính của gia đình”, ông Hùng bật mí.
|
|
Ông kể quán ăn của mình không phải lúc nào khách cũng đông nghẹt, chỉ đông nhất là vào buổi sáng sớm khi người ta đến ăn sáng. Thời gian còn lại khách vẫn đến đều đặn. Mỗi ngày ông bán từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa là thôi.
Hỏi sao không bán cả ngày, vì lúc nào quán cũng có khách, ông Hùng cười rồi nói người bán phải “lượng sức mình”. Bán vào khung giờ đó cũng là cách để ông có thời gian nghỉ ngơi, mua các loại nguyên liệu để hôm sau phục vụ tốt hơn cho thực khách.
Với ông Hùng và vợ, quán cơm có một ý nghĩa đặc biệt vì nó đã theo ông suốt 28 năm qua. Niềm hạnh phúc mỗi ngày của ông chủ quán là cùng vợ con và các thành viên cùng nhau buôn bán, mang đến những dĩa cơm ngon cho khách.
Bình luận (0)