Người sáng lập FTX bị từ chối bảo lãnh ở Bahamas

14/12/2022 14:58 GMT+7

Một thẩm phán tòa án ở Bahamas hôm 13.12 đã từ chối yêu cầu bảo lãnh cho người đồng sáng lập FTX Sam Bankman-Fried (SBF) vì lo ngại tỉ phú tiền điện tử một thời sẽ bỏ trốn.

Theo Reuters, Chánh án Bahamas JoyAnn Ferguson-Pratt đã bác bỏ đơn yêu cầu bảo lãnh cho SBF được tại ngoại, với lý do có nguy cơ bỏ trốn “rất lớn”, đồng thời ra lệnh tạm giam cựu giám đốc điều hành FTX cho đến ngày 8.2.2023.

SBF bị cơ quan thực thi pháp luật Bahamas bắt giữ vào tối 12.12. Theo NBC News, đội ngũ pháp lý của SBF đang lên kế hoạch kháng lại bất kỳ lệnh dẫn độ nào. Các công tố viên Mỹ hôm 13.12 cáo buộc người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX tội gian lận và vi phạm tài chính chiến dịch bầu cử của Mỹ bằng cách biển thủ tiền của khách hàng. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cùng với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cũng tiết lộ nhiều cáo buộc gian lận chứng khoán và rửa tiền của SBF.

Người đồng sáng lập FTX Sam Bankman-Fried bị cơ quan thực thi pháp luật Bahamas bắt giữ vào tối 12.12

chụp màn hình

Luật sư Mỹ Damian Williams ở New York cho biết SBF đã đóng góp vào chiến dịch cho đảng Dân chủ bằng “tiền của khách hàng bị đánh cắp”, nói rằng đó là một phần của một trong những “vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử Mỹ”. Được biết, SBF là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ, đóng góp 5,2 triệu USD cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Williams từ chối cho biết liệu phía công tố viên có đưa ra bất kỳ cáo buộc nào đối với các giám đốc điều hành khác của FTX hay không, và liệu có bất kỳ người trong cuộc nào của FTX đang hợp tác với cuộc điều tra hay không.

Theo các công tố viên, SBF phải đối mặt với mức án tối đa là 115 năm tù nếu bị kết án về cả 8 tội danh, mặc dù bất kỳ bản án nào cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. SBF đã ra hầu tòa hôm 13.12 tại Bahamas, nơi đặt trụ sở của FTX. Đây là lần xuất hiện trực tiếp đầu tiên của SBF kể từ khi sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới sụp đổ. Anh tỏ ra thoải mái tại tòa và nói rằng có thể chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ.

Theo Reuters, SBF đã cúi đầu và ôm cha mẹ mình khi ở tòa án, cả hai đều là giáo sư Luật Stanford (Stanford Law School thuộc Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ). Họ đã ở bên cạnh SBF trong suốt quá trình đi lên và sụp đổ đáng kinh ngạc. Theo CNBC, ban lãnh đạo mới của FTX đã chia sẻ phát hiện của mình với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) và các công tố viên, đồng thời đang điều tra xem liệu cha mẹ của SBF có tham gia vào hoạt động nào hay không.

Ít nhất là từ tháng 5.2019, FTX đã huy động được hơn 1,8 tỉ USD từ các nhà đầu tư vốn trong một “kế hoạch nhiều năm, trắng trợn”, trong đó SBF che giấu việc FTX chuyển tiền của khách hàng sang quỹ phòng hộ riêng Alameda Research.

SBF thành lập FTX vào năm 2019 và tận dụng sự bùng nổ của tiền điện tử để xây dựng nó thành một trong những sàn giao dịch mã thông báo kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Forbes chốt giá trị tài sản ròng của SBF một năm trước là 26,5 tỉ USD. Tuy nhiên, SBF nói rằng hiện giờ anh chỉ còn 100.000 USD.

Sự sụp đổ của FTX là một trong hàng loạt vụ phá sản của ngành tiền điện tử năm nay. FTX nộp đơn xin phá sản vào ngày 11.11, khiến khoảng 1 triệu khách hàng và các nhà đầu tư khác phải đối mặt với khoản lỗ hàng tỉ USD. Vụ việc này gây xáo động lớn khắp thế giới tiền điện tử, khiến giá trị Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác lao dốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.