Người sở hữu 2 cây lựu cổ hơn 100 năm tuổi, trái khổng lồ ở Sài Gòn

02/07/2021 15:21 GMT+7

Lựu cổ hơn 100 năm tuổi có hoa đỏ, trái đỏ, có trái trọng lượng lớn hơn 2 kg, to như đèn lồng. Hạt lựu cũng đỏ như những viên ruby, tàng cây, thân cây rất bề thế, dáng thế bộc lộ được sự trường tồn.

Anh Võ Duy Khánh, 36 tuổi, trú P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM là người đang sở hữu 2 cây lựu cổ thụ hơn 100 năm tuổi. 
“Tôi mua vì sở thích cá nhân và cho bạn bè trong hội đam mê cây cảnh ghé thăm và thưởng lãm. Lựu đại thụ mà tôi sở hữu có tuổi đời hơn 100 năm, từ Ấn Độ. Tôi mong muốn trong tương lai sẽ tìm được những cây có tuổi đời lớn hơn nữa”, anh Khánh nói.

Người mê những giống cây độc lạ

Anh Khánh từng có thời gian làm việc trong công ty về nông nghiệp, thực hiện chuyển giao công nghệ trồng nhiều giống cây ở vùng Nam Mỹ, do đó được tiếp xúc với ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia. Với đam mê những cây độc lạ, anh Khánh quan tâm tìm kiếm những cây lựu cổ thụ.
Săn những cây lựu khủng không phải là điều dễ dàng. Nhờ sự kết nối của các đồng nghiệp ở nước ngoài, anh Khánh được giới thiệu nguồn gốc của giống lựu, rồi dần dần tìm ra những cây lớn và cây cổ thụ.
"Lựu cổ thụ đã trồng chậu lâu năm, để vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, họ đóng gói rất cẩn thận nhằm tránh tình trạng gãy những chi cành chính. Về đến Việt Nam, cây vẫn còn tươi xanh, không bị ảnh hưởng gì nhiều”, anh Khánh nói.

Vận chuyển cây khéo léo để đảm bảo cây còn xanh tốt, không hư hỏng trái

Anh Khánh và 1 cây lựu đại thụ hơn 100 năm tuổi

Ảnh NVCC

Anh Khánh không tiết lộ giá trị cây lựu cổ thụ vì cho rằng giá trị về lịch sử và tinh thần là quan trọng hơn.
Lựu Ấn Độ có hoa đỏ, trái đỏ với mỗi trái nặng hơn 2 kg, to như đèn lồng, hạt lựu bên trong cũng đỏ như những viên ruby, tàng cây, thân cây rất bề thế, dáng thế bộc lộ được sự trường tồn. Người Phương Đông chú trọng phong thủy, mong muốn sự trường tồn và thịnh vượng trong kinh doanh lẫn cuộc sống nên dù sở hữu vườn cây cả chục tỉ đồng vẫn muốn có một cây lựu cổ thụ như vậy”, anh Khánh nói.

Vận chuyển lựu khổng lồ về nhà vườn ở Sài Gòn

Khởi nghiệp từ... trái nho

Trong một lần đi công tác tại Brazil, anh phát hiện một loại cây nho thân gỗ, tán cây to đẹp, ôm tròn, có trái màu tím mọc ra từ thân cây rất lạ mắt, trái có vị ngọt, mùi thơm của rượu vang. Anh tìm hiểu và biết đó là một dòng nho có tên khoa học là Jabuticaba, tuổi thọ khá cao.
Brazil có khí hậu khá tương đồng Việt Nam nên anh Khánh nhập cây nho này về để chăm sóc. Kết quả vượt mong đợi, cây không tốn quá nhiều công chăm sóc nhưng vẫn phát triển mạnh. Anh đặt tên là “Nho thân gỗ” vì lúc đó Việt Nam không có thông tin về dòng nho này để nhận diện.

Cây nho thân gỗ cổ thụ ra trái chín

Ảnh NVCC

Anh Khánh quay 1 đoạn clip về "nho thân gỗ" rồi chia sẻ trên YouTube, thu hút sự chú ý của nhiều người. “Sau này, tôi mới biết nho thân gỗ đứng trong top 10 loại cây độc lạ nhất thế giới. Do đó, tôi quyết định khởi nghiệp với giống nho độc đáo này”, anh kể lại.
Khởi nghiệp với vườn cây ăn trái, cây cảnh ở Q.12, TP.HCM, đến nay, nhà vườn của anh Khánh đã 10 năm tuổi. Anh luôn theo đuổi mục tiêu là những dòng cây độc, lạ, “hot” và có giá trị cao.
Nhà vườn của anh hiện có hơn 100 cây nho thân gỗ cổ thụ, khổng lồ cho trái chín. Nhiều đợt, anh tổ chức bán vé cho bà con khắp nơi vào thăm vườn nho thân gỗ và tự tay hái trái chín ăn thỏa thích.
Ngoài nho thân gỗ, lựu đỏ Ấn Độ từ 50 - 70 năm tuổi, vườn của anh còn có các giống cây khác như vú sữa vàng Đài Loan, cherry nhiệt đới (Brazil), táo lùn Mỹ, chà là Israel…

Anh Khánh và cây chà là Israel

Ảnh NVCC

Dịch Covid-19 hoành hành, vẫn bội thu với vườn cây tiền tỉ

Trong hành trình khởi nghiệp, anh Khánh đã gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn đầu tiên phải nghiên cứu giống cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam. Quá trình nghiên cứu mất rất nhiều thời gian và nhân công.
“Đôi khi tôi mất cả 3 năm để nghiên cứu trồng một giống cây từ nước ngoài, mong ngày ra trái, thử nghiệm rất nhiều cách chăm sóc nhưng vẫn không đạt được hiệu quả, tôi lại phải bỏ và chuyển qua loại khác. Cây trồng không giống như những mặt hàng khác, kết quả của cây phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan: liều lượng đất, nước, phân, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm…. Do đó, quá trình thử nghiệm một cây trồng đưa tới tay người trồng đều mất rất nhiều thời gian”, anh Khánh nói.

Cây vú sữa vàng Đài Loan

Hiện anh Khánh không thể đi nhiều nước để tìm cây mới như trước đây vì tình dịch Covid-19. Thay vào đó, anh đến thăm các dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và về nhà các hộ nông dân ở những tỉnh miền Tây, miền Đông đã mua giống cây của vườn anh về làm kinh tế.
“Tôi muốn hỗ trợ tư vấn thêm cho bà con. Đây cũng là những chuyến đi giúp tôi trau dồi thêm kinh nghiệm gieo trồng thực tế của mỗi vùng miền”, anh Khánh nói.
Theo anh Khánh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà con ở nhà  nên có nhiều thời gian chăm sóc vườn, sắp đặt lại cảnh quan khuôn viên vườn nhà để tạo thêm niềm vui, tìm cảm giác thư thái.Do đó, trái với các ngành nghề khác, ngành hàng cây cảnh, cây ăn trái độc lạ của nhà vườn anh bán rất chạy, với giá từ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng mỗi cây.

Một cây lựu cổ thụ lá xanh mướt, nhiều trái vẫn còn xanh

Ảnh NVCC

 
"Tôi sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để mang về những dòng cây cảnh, cây ăn trái độc lạ cho bà con cả nước”, anh Khánh, người sở hữu 2 cây lựu cổ hơn 100 năm tuổi, bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.