Gia đình có 6 đời theo nghề múa Khmer
Bà Thạch Thị Vân Na được biết đến là biên đạo, dạy múa Khmer truyền thống. Gia đình bà có đến 6 thế hệ theo nghề múa Khmer. Trong đó, 3 người con gái là Điền Chanh Tha (32 tuổi), Điền Tha Ni (18 tuổi), Điền Na Vi (16 tuổi) và cháu trai cũng theo nghiệp ca, múa Khmer.
"Từ thời ông nội đến con và cháu tôi cũng theo nghề múa Khmer. Các con cháu giờ không chỉ múa giỏi mà còn tự biên đạo bài múa. Hiện, gia đình đã được tặng danh hiệu gia đình đa thế hệ theo nghề múa Khmer", bà Vân Na tự hào.
Bà Vân Na kể, thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của gia đình, từ năm lớp 3 bà đã bắt đầu học múa. Đến năm lớp 6 bà múa thành thục và đi biểu diễn.
Khoảng năm 1989 - 1992, bà đến Campuchia học múa. Sau khi lĩnh hội đầy đủ kỹ năng, bà về công tác tại Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng hoạt động và dạy múa cho đến nay.
"Quá trình học tại Campuchia cũng lắm gian nan và phải đến nhiều nơi: học vũ đạo ở Tà Keo, học múa Apsara tại cung điện Hoàng Gia Campuchia, học múa dân gian ở Phnom Penh. Khi học rất khó, thầy cô theo kèm từng động tác, sai chỗ nào bấm cho đau chỗ đó để nhớ", bà Vân Na kể.
Trong những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung chững lại bởi sự lấn át của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Vì vậy, bà Vân Na tìm cách dung hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại để đem lại sự mới mẻ, thu hút người xem. "Khi xem những biên đạo, nghệ sĩ người Kinh múa mình cũng chăm chú xem để từ bài múa đó mình chế lại thành điệu múa Khmer. Để múa đẹp cần có kỹ thuật và sự sáng tạo trong những bài múa", bà Vân Na chia sẻ.
Đặt cái tâm, cái hồn trong từng điệu múa
Cũng theo bà Vân Na, để múa đẹp, không chỉ cần thời gian rèn luyện mà phải đặt cái tâm, cái hồn trong những điệu múa. "Thông thường khi mới vào học múa, tôi dạy những tổ hợp cơ bản tay, chân, chíp, lia theo động tác. Khi các em làm đẹp từ động tác tay, chân, cặp mắt thì mới dạy tiếp. Ngoài ra, các em khi học sẽ dạy biên đạo để khi các em ra nghề biết biên đạo để có thu nhập khá hơn", bà Vân Na nói.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, bà Vân Na không chỉ tham gia các chương trình nghệ thuật vào dịp lễ, tết, phục vụ khách du lịch, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc mà còn lưu diễn tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hà Lan…
Hiện mỗi tuần, bà đều dạy múa tại chùa, trung tâm văn hóa… Ngoài ra, bà còn dẫn đoàn đi biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Thu nhập từ các suất diễn cũng chỉ đảm bảo cho các thành viên trong đoàn đủ sống.
Một điều hết sức trân trọng là các thành viên trong đoàn đều còn rất trẻ, nhưng ai cũng yêu nghề. Điều đó giúp các dòng nghệ thuật truyền thống không mai một.
Thạch Hoàng Phúc (19 tuổi), cháu trai của nghệ sĩ Vân Na, thừa hưởng tình yêu nghề của cô nên cũng theo học nghề và thành thục trong các buổi diễn múa Khmer Nam bộ. "Tôi theo nghề bởi ngọn lửa nghề từ cô Vân Na truyền sang. Những người trẻ như chúng tôi cũng mong muốn góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước", Phúc nói.
Đến nay, nghệ sĩ Vân Na đã truyền nghề cho hơn 100 học trò, trong đó có anh Thạch Hoàng Kha (20 tuổi). Anh Kha học nghề hơn 2 năm nay và hiện thường theo đoàn biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan Sóc Trăng. Nhờ đó, anh không chỉ kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống mà còn góp phần gìn giữ điệu múa truyền thống dân tộc.
Gần trọn một đời theo nghiệp múa, nghệ sĩ Vân Na đã nhận nhiều giải thưởng lớn, nhỏ như: Tiết mục múa đạt 2 giải A và B trong khuôn khổ ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022; Huy chương vàng với tiết mục múa tại ngày hội Sen Dolta diễn ra ở Tây Ninh…
Bình luận (0)