Đồng bào Khmer ăn tết Việt thế nào?

21/01/2023 22:11 GMT+7

Đồng bào Khmer có lễ hội mừng năm mới riêng nhưng tại một số nơi bà con vẫn ăn Tết Nguyên đán cùng người Việt. Vậy tết Việt trong phum, sóc có gì vui?

Trong năm, đồng bào Khmer có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ooc Om Boc. Tuy có lễ hội mừng năm mới riêng, nhưng Tết Nguyên đán vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống, tinh thần của đồng bào Khmer ở một số nơi. Trong tâm thức của họ, đây là ngày hội lớn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước.

Đồng bào Khmer ở một số nơi cũng tất bật dọn dẹp, làm đẹp nhà cửa để ăn tết Việt

THANH DUY

Cùng nhau ăn tết

Xã Xà Phiên (H.Long Mỹ, Hậu Giang) là một trong những địa phương ở ĐBSCL có nhiều đồng bào Khmer cộng cư sinh sống. Đến đây vào những ngày tết, thật khó để phân biệt đâu là phum, sóc của người Khmer và đâu là xóm, làng của bà con người Việt. Bởi, đâu đâu không khí cũng náo nức, nhà cửa trang hoàng sạch sẽ, mai nở rực vàng.

Ông Sơn Hoài Thanh (54 tuổi, dân tộc Khmer) cho biết, từ bao đời nay, người Kinh và người Khmer sống chan hòa, tối lửa tắt đèn có nhau. Điều đó đã góp phần giúp cho phum, sóc ngày càng sáng sủa, tươi đẹp. Những cái Tết nguyên đán gần đây của người dân tộc thiểu số cũng được đủ đầy, trọn vẹn hơn.

Ăn tết Việt, đồng bào Khmer cũng đến chùa vui chơi và bái Phật

THANH DUY

Bên cạnh tết Chol Chnam Thmay, đồng bào Khmer xem Tết nguyên đán cũng là hoạt động có giá trị tinh thần không thể thiếu trong năm. Chơi tết, bà con cũng sắm sửa quần áo, mua bông chưng cho vui nhà đẹp cửa. Họ cũng đến thăm và chúc mừng những hàng xóm, thân tộc. Ông Thanh cho biết thời điểm này thường nhận được nhiều lời mời từ những hàng xóm người Kinh sang nhà dự tiệc, hoặc cùng nhau trò chuyện bên chén trà để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn sau một năm lao động miệt mài, vất vả.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Bảy (65 tuổi, người Việt) dù ăn tết nhỏ hay lớn thì giữa người Việt và đồng bào Khmer đều dành cho nhau những tình cảm chân thành, đằm thắm.

Đồng bào Khmer cũng ăn tết Việt nhưng giản dị, các phong tục, lễ nghi được tiết giảm nhiều

THANH DUY

Bà Bảy tâm sự: “Tết Chol Chnam Thmay của dân tộc mình, người Khmer ăn tết lớn với đầy đủ lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng. Những ngày đó, họ hay làm nhiều loại bánh truyền thống để biếu các gia đình người Việt trong xóm. Tết Nguyên đán thì người Khmer cũng ăn như giản dị hơn. Đến lượt bà con người Việt gói bánh tét mang qua làm quà ăn lấy thảo. Cứ vậy, tình nghĩa chân chất, thật thà giữa người Việt và người Khmer ở đây ngày càng keo sơn, bền chặt”.

Tết Việt trong phum, sóc có gì vui?

Đón Tết Nguyên đán cùng người Việt nhưng người Khmer vẫn giữ gìn nét văn hóa là đến chùa bái Phật và cầu nguyện cho gia đình điều may mắn.

Theo lão nông Danh Trạng (67 tuổi), dù tiết giảm nhiều phong tục, lễ nghi so với những lễ hội truyền thống nhưng bà con Khmer cũng tranh thủ đến chùa vào ngày 30 tháng Chạp để gửi gắm niềm tin, cầu bình an, mong mưa thuận gió hòa. Thời điểm này, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer cũng trang trí, trưng bày bàn thờ Phật thật trang nghiêm để đón các phật tử đến cầu nguyện trong những ngày đầu năm mới.

Một số nơi, các chùa Phật giáo Nam tông cũng trưng bày bàn thờ Phật cho người Khmer đến cầu nguyện trong những ngày tết Việt diễn ra

THANH DUY

Nhìn những nhành hoa mai sắp nở trước sân, ông Trạng phấn khởi cho biết, đồng bào Khmer luôn xem mình là một phần trong đại gia đình Việt Nam. Những ngày Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Khmer cũng vui chơi, ca hát thoải mái, vui vẻ. Những lễ hội khác con cái có đứa về đứa không, vì kỳ nghỉ ngắn. Nhưng Tết nguyên đán thì hầu như ai cũng thu xếp về nhà. Thế nên, không khí của phum, sóc như nhộn nhịp, sôi nổi hẳn lên.

“Vợ chồng tôi cũng cố gắng làm lụng để dành một khoảng tiền ăn tết Việt, bởi chỉ có dịp này các thành viên trong nhà mới tụ hội về đông đủ, quây quần bên nhau lâu nhất. Qua tết, chúng lại đi làm công ty ở Tây Ninh, Bình Dương”, ông Trạng tâm sự.

Thường trong thời gian này, phum sóc của người Khmer còn có một không khí rất đặc biệt. Đó là ‘mùa cưới’ của những chàng trai và cô gái Khmer đến tuổi kết tóc se duyên. Theo lý giải của ông Danh Văn Hai (65 tuổi), rất nhiều thanh niên Khmer đi làm ăn xa ngoài tỉnh. Mỗi năm, họ chọn về Tết nguyên đán để được nghỉ nhiều. Đây cũng là lúc họ tranh thủ được các khoản lương, tiền thưởng sau một năm chuyên tâm làm việc.

“Các cháu thu xếp thời gian này để ra mắt gia đình, tổ chức sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời. Vì vậy, tuy tết Việt nhưng một số gia đình Khmer quyết định ‘chơi lớn’ vì có thêm dâu hiền, rể thảo ai mà chẳng vui”, ông Hai chia sẻ.

Một số bà con Khmer nhất định phải làm bánh gừng truyền thống ăn trong tết Việt

THANH DUY

Tuy không phải là tết mừng năm mới chính thức của dân tộc nhưng đồng bào Khmer cũng góp thêm một màu sắc phong phú về mặt ẩm thực trong thời gian tết Việt diễn ra. Bà Danh Thị Ngọc Sương (69 tuổi) cho biết không nhất thiết phải chưng đủ ngũ quả như các gia đình Việt, người Khmer có thể dâng lên bàn thờ tổ tiên những sản vật do chính tay trồng được ngay tại nhà, không cần tuân theo nguyên tắc lễ nghĩa như tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, nhất định là người Khmer cũng phải làm bánh gừng, thịt kho măng khô cho con cái trong phum, sóc thưởng thức.

Không phải đồng bào Khmer nào cũng khá, nhưng chẳng có ai bảo là không yêu thích tết Việt. Dù đi làm thuê nhưng bà Thạch Rách Tha (44 tuổi) vẫn nôn nao hưởng ứng Tết Nguyên đán. “Lối sống chan hòa giữa người Việt và đồng bào người Khmer ở đây là nét đẹp của sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc. Chúng tôi thường bảo nhau rằng tết Nguyên đán là dịp ý nghĩa để mối thân tình đó càng sâu đậm nên phải giữ gìn, cố gắng thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng”, bà Tha bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.