Người Thái ở Nghệ An nuôi khá nhiều trâu. Ở những bản vùng cao các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… hầu như nhà nào cũng có ít nhất một vài con trâu. Trâu giúp người kéo gỗ, cày ruộng và là tài sản quan trọng nhất. Khi kể về một gia sản lớn người ta nhắc đến con trâu, thứ nữa mới đến vàng, bạc nén…
Trong truyền thống, khi địa bàn miền núi còn thưa thớt dân cư, trâu thường được nuôi thành đàn, thả rông trong rừng. Vì thế có những nhà có đàn trâu lên đến vài ba chục con. Hình thức nuôi thả rông này vẫn phổ biến ở Tương Dương, Kỳ Sơn và một số xã ở huyện Con Cuông.
Mỗi con trâu được đặt cho một cái tên. Không chỉ để phân biệt giữa những con khác nhau trong đàn mà còn gửi gắm ước mơ về cuộc sống sung túc khi đàn trâu đông đúc, không bị bênh tật, có sức kéo tốt.
Gia chủ thường chọn tên gọi cho con vật trong quá trình nuôi nấng nó. Có những con sức vóc nổi bật thì tên gọi của nó còn được cộng đồng làng bản biết đến. Đó thường là những chú trâu cày, kéo giỏi, chọi hay…
Ông Lương Văn Dũng nuôi một đàn trâu 5 con ở giữa hồ thủy điện Bản Vẽ thuộc xã Hữu Khuông huyện Tương Dương. Những chú trâu được lần lượt đặt các tên gọi là: Tằm, Vang, Bun, Xanh và Quang. Đàn trâu được thả trên khu rừng ven hồ.. Ông Dũng cho biết mỗi cái tên đều có một ý nghĩa của nó.
Con trâu tên Tằm béo nhất đàn. Bốn chân to, lưng thẳng, đi lại bệ vệ. “Khi còn nhỏ nó đã thế nên mình đặt tên Tằm, tức là mập mạp,” ông Dũng giải thích.
Vang là một con trâu đực nhỏ con Tằm và có cặp sừng ngang. Gia chủ dựa vào đặc điểm này để đặt tên cho nó.
Con Xanh yếu nhất đàn và tính khí ôn hòa nên được chủ rất quý. Ông Dũng đặt cho nó tên là Xanh để mong nó mạnh khỏe. Người Thái ở Nghệ An gọi con tê giác là “tô xanh”. Ông Dũng đặt tên như vậy với mong muốn con trâu của mình sẽ mạnh mẽ như tê giác.
Con trâu có tên Quang khá mảnh khảnh. Nó có cặp sừng dài và nhanh nhẹn, tháo vát nhất đàn. Trong tiếng Thái, “quang” nghĩa là con sơn dương. Ông Dũng nhìn vào tố chất nhanh nhẹn của chú trâu mà gọi tên nó như thế.
Bun là chú trâu đầu tiên được ông Dũng mua về nuôi gây dựng đàn. Nó già nhất trong số những con trâu trong nhà. Ông Dũng đặt tên Bun để mong nó luôn gặp may mắn và mạnh khỏe. Tất nhiên, may mắn của con trâu cũng là may mắn của một nông dân như ông.
|
Cũng như ông Dũng, người Thái xứ Nghệ thường dựa vào những đặc điểm của con trâu để gọi tên. Đôi khi người ta còn gọi tên trâu theo tính cách của chúng. Chú trâu nhát gan nhất đàn hay được gọi là “ve”, có nghĩa là sợ roi. Đôi khi, trâu cũng được gọi theo tên người với niềm yêu thương dành cho vật nuôi cũng như mong muốn cuộc sống no ấm.
|
Không chỉ người Thái xứ Nghệ, ở Sơn La và các tỉnh có người Thái sinh sống ở Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái… người ta cũng có thói quen đặt tên cho trâu. Ông Cà Văn Chung, một người nghiên cứu văn hóa ở TP Sơn La (tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Ở Sơn La và Tây Bắc cũng giống Nghệ An, người Thái rất quý trâu, coi trâu là tài sản lớn trong nhà. Mỗi con trâu đều được đặt cho một cái tên để phân biệt. Chuyện đặt tên không theo quy định, quy luật nào cả. Ví dụ, từ nhỏ nhà mình có nuôi mấy con trâu tên Me Com (trâu cái sừng cong), Me Ả (trâu cái sừng thẳng) và Thớc Đón (trâu đực trắng).”
Ông Chung cho biết thêm: "Ngày trước, mỗi năm, sau mỗi vụ cày bừa, người ta phải cúng sửa hồn (tam panh khuôn) cho trâu để cám ơn trâu và cầu cho trâu được an toàn khi thả vào rừng".
Bình luận (0)