Người thầy hướng nghiệp và dạy người bằng giải toán

07/03/2017 09:30 GMT+7

Trong suốt hơn 30 năm đi dạy, thầy Trương Ngọc Đắc, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), luôn tâm niệm một điều: Thầy giáo phải là chỗ dựa tinh thần cho học trò, phải khiến học trò yêu quý, tin tưởng và kính trọng.

Mới đây, thầy Trương Ngọc Đắc còn là giáo viên đầu tiên của tỉnh Bình Định nhận giải thưởng Lê Văn Thiêm năm 2016 do Hội Toán học VN trao tặng cho giáo viên duy nhất trong toàn quốc có thành tích xuất sắc trong giảng dạy môn toán cấp THPT.
Từ năm học 2000 - 2001 đến nay, thầy phụ trách đội tuyển toán của tỉnh thi học sinh (HS) giỏi THPT quốc gia. Từ năm học 2000 - 2001 đến năm học 2015 - 2016, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt 51 giải quốc gia (trong đó có 7 giải nhì, 21 giải ba) và 1 huy chương bạc toán quốc tế. Trong các lớp thầy Đắc trực tiếp giảng dạy, có 27 HS đoạt giải HS giỏi toán THPT quốc gia và 1 huy chương bạc toán quốc tế.

Nhiều thành tích như vậy nhưng khi chia sẻ về ý nghĩa của việc dạy toán mỗi khi đứng lớp, thầy giản dị nói: “Thật ra, học toán là để biết cách sắp xếp thứ tự công việc của các em trong đời sau này. Cách giải một bài toán sẽ nhắc đi nhắc lại về việc phải làm đúng các trình tự. Tất nhiên, một bài toán sẽ có nhiều cách giải. Nhưng giải thế nào để có kết quả đúng thì người làm cần nắm được thứ tự của việc giải toán. Hơn nữa, việc giải toán giống như một cách kiểm tra năng lực nghề nghiệp sau này của HS. Tôi thường nói với học trò, một bài toán nếu cũng dạng đó mà thay số, trò giải được thì mới chỉ làm một công nhân kỹ thuật thôi. Còn cũng bài đó nhưng biết cách lật ngược vấn đề hoặc giải được bằng cách khác với thầy thì mới có trình độ của kỹ sư”.
Thầy Đắc cũng không ít lần tâm sự với các thế hệ HS: “Nếu sau này có một lúc nào đó khó khăn bế tắc trong cuộc đời mà các em nghĩ tới việc đi… ăn trộm thì hãy đến nhà tôi đầu tiên”. Thầy dẫn giải: Người thầy phải có trách nhiệm và chỗ dựa tinh thần cho HS, nhất là trong giai đoạn quan trọng như với HS cấp THPT. Việc bảo học trò tới nhà thầy ăn trộm, nếu thương thầy thì trò sẽ bỏ ý nghĩ xấu đó. Còn nếu vẫn giữ ý định trộm, thì hãy coi việc tới nhà thầy trộm như lần thực hành đầu tiên vì lỡ có bị phát hiện thì thầy cũng không nỡ nặng tay. Trái lại, nếu có gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu đó, thầy và trò sẽ có cơ hội để cùng nói chuyện, tháo gỡ vấn đề. “Đấy là tôi nói vui với học trò, và cũng là cách để thầy và trò gần nhau hơn trong việc chia sẻ, định hướng tương lai, nghề nghiệp. Với tôi, thành công của trò cũng là thành công của thầy và ngược lại, thất bại của trò cũng là thất bại đau đớn của thầy”, thầy Đắc chia sẻ.

tin liên quan

Lớp học 'Ước mơ' tại Bình Định của giáo sư người Nhật
Tại Bình Định, có một lớp học đặc biệt được mở và duy trì suốt 4 năm qua khá lặng lẽ. Người ta ít biết đến lớp học ấy, bởi người mở lớp là ông Michio Umegaki (một giáo sư người Nhật) không muốn khoa trương mà chỉ tập trung vào các học sinh đặc biệt của lớp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.