Người thép trên bầu trời

28/08/2016 06:47 GMT+7

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, kể: “Các phi công nước ngoài gọi phi công quân sự VN là “người thép”.

Đó là vì trong nhiều tình huống, phi công nước ngoài bỏ máy bay, nhảy dù để bảo toàn tính mạng, nhưng phi công VN bám máy bay đến cùng, bình tĩnh xử lý, hạ cánh an toàn và không bao giờ gây thiệt hại cho mặt đất.
Cứu SU-30MK trên biển Trường Sa
Đại tá Nguyễn Trọng Tuyến, hiện là Phó sư đoàn trưởng 370, nhớ như in chuyến bay tuần tiễu Su-30MK ngày 9.4.2011 trên vùng biển Trường Sa, sau đúng một ngày ông được bổ nhiệm chức vụ Phó trung đoàn trưởng Không quân tiêm kích 935, đóng tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Hôm đó, ông bay số 1 cùng phi công Nguyễn Gia Nhân. Số 2 là phi công Đỗ Mạnh Hùng và Phan Xuân Tình (hiện là đại tá, Phó trung đoàn trưởng - tham mưu trưởng 935).
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, cách đất liền 600 km, đèn báo nguy trên máy bay số 1 bật sáng, đồng hồ báo áp suất dầu của động cơ trái tụt về 0, đồng thời lúc này phi công trên máy bay số 2 ở phía sau phát hiện động cơ trái có khói và cấp báo. Ngay lập tức, đại tá Tuyến tắt động cơ trái, báo cáo chỉ huy bay cho hạ cánh ở sân bay dự bị Phan Rang cách đó 400 km. Khi quỹ đường bay chỉ còn 139 km, tổ bay giảm tốc độ xuống dưới 600 km/giờ để tránh rung lắc và bình tĩnh giảm độ cao từ từ, hạ cánh an toàn.
Nhắc lại câu chuyện trên, đại tá Lê Văn Hợi, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 935, cho biết thêm: “Đại tá Phan Xuân Tình, trước đó còn bảo toàn thành công máy bay Su-27 ở Phan Rang, Ninh Thuận”. Ông kể: Ngày 24.12.1997, thượng úy phi công Phan Xuân Tình điều khiển máy bay tiêm kích Su-27, đang trong quá trình cất cánh thì bị chim bay vào động cơ làm gãy lá máy nén, gây cháy. Đây là tình huống nguy hiểm, phi công có thể thoát ly khỏi máy bay, bung dù để bảo toàn tính mạng. Nhưng thượng úy Tình vẫn bình tĩnh thực hiện chỉ dẫn của chỉ huy bay, tiếp tục hoàn tất giai đoạn cất cánh sau đó mới vòng lại, hạ cánh xuống sân bay an toàn. “Đây là hành động dũng cảm của phi công có bản lĩnh, đã bảo toàn được vũ khí trang bị giá trị hàng trăm tỉ đồng nên nhà nước đã tặng thưởng phi công và chỉ huy bay Huân chương Chiến công hạng ba”, đại tá Hợi kể thêm.
Thà hy sinh, không để dân thương vong

Trường hợp khẩn cấp, chúng tôi được phép bung dù để bảo toàn tính mạng. Nhưng khi gặp sự cố đang bay, ai cũng thống nhất: Có chết cũng không để máy bay lao xuống gây thiệt hại cho người dân. Đó là đạo đức của phi công quân sự

Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường

Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường là cái tên ai cũng biết đến trong mấy tháng nay. Anh đã bung dù khi máy bay Su-30MK số hiệu 8585 bị nạn trên vùng biển Hòn Mắt (Nghệ An) ngày 14.6.2016 và sáng hôm sau được tàu đánh cá của ngư dân Hà Tĩnh cứu, đưa vào bờ an toàn. Ít ai biết trước đó 6 năm, phi công Nguyễn Hữu Cường không chỉ thoát chết trong gang tấc mà còn cứu thành công máy bay MiG-21 số hiệu 5284.
Thiếu tá Cường kể lại: Ngày 15.5.2010, anh là thượng úy, Biên đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 điều khiển tiêm kích MiG-21 số hiệu 5284 bay huấn luyện thực hành. Khi đang ở độ cao lớn, Cường phát hiện đèn báo cháy và lập tức thông báo về chỉ huy bay. Do đang bay ở tốc độ lớn, không thể đột ngột giảm tốc nên phi công Cường điều khiển máy bay bay theo đường xuống chuẩn, thu vòng quay nhẹ phù hợp với trọng lượng rơi của máy bay. Bay vòng thứ nhất, Cường nhìn ra phía sau thì thấy đuôi máy bay đang cháy. Mặc dù nguy hiểm cận kề, được phép bung dù thoát ly nhưng phi công Cường vẫn xin bay vòng thứ 2 để hạ cánh. Khi tốc độ đã giảm, anh Cường điều khiển máy bay hạ thấp độ cao, tiếp đất chỉ bằng 2 bánh chính. Máy bay trượt trên đường băng, đến cuối đường mới dừng lại cho xe cứu hỏa lao đến dập tắt đám cháy…

tin liên quan

Canh trời Trường Sa - Kỳ 3: Hậu duệ của bầu trời
Trong số các phi công của trung đoàn 937 chuyên trách bảo vệ Trường Sa rất nhiều người tuy chỉ trong độ tuổi 9X, nhưng phong trần nơi nắng gió khắc nghiệt và được gọi là “Hậu duệ của bầu trời”.
Sân bay Yên Bái giờ đã chuyển mục đích dân sự, nhưng người dân ở P.Minh Tân (TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) vẫn thường lên ngọn đồi phía sau khách sạn Suối Mơ thắp hương ghi ơn thượng tá Nguyễn Văn Vinh và thượng úy Đặng Hồng Vinh. Đây là 2 phi công của Trung đoàn Không quân 931, thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân. Chiều 12.11.2009, trong khi làm nhiệm vụ, máy bay MiG-21 đã gặp sự cố và 2 phi công trên đã cố gắng điều khiển máy bay rơi vào ngọn đồi trong thành phố, tránh khu dân cư đông đúc xung quanh.
“Trường hợp khẩn cấp, chúng tôi được phép bung dù để bảo toàn tính mạng. Nhưng khi gặp sự cố đang bay, ai cũng thống nhất: Có chết cũng không để máy bay lao xuống gây thiệt hại cho người dân. Đó là đạo đức của phi công quân sự”, thiếu tá Cường khẳng định.
Người thép trên bầu trời
Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường (trái) sau chuyến bay tuần tiễu vào năm 2012 Ảnh: M.T.H
Giữ tài sản cho nhân dân
Đến bây giờ, những phi công quân sự VN vẫn kể cho nhau câu chuyện của nguyên Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thận. Sáng 14.10.2005, thượng tá Nguyễn Văn Thận và trung tá phi đội trưởng Hoàng Quỳnh bay bài 50 - trinh sát khí tượng trên máy bay Su-27 số hiệu 8523. Vừa cất cánh rời đường băng sân bay Biên Hòa, một đàn chim bay chéo qua va đập và chui vào động cơ phải làm giảm vòng quay động cơ, hỏng lá nén, hỏng vòng gốm tầng 1. Từ chối lệnh thoát ly, tổ bay gượng đưa máy bay hạ cánh an toàn, không để rơi vào các máy bay khác trong sân bay. Sau đó, cả hai phi công được Bộ Quốc phòng khen thưởng đặc biệt và thăng quân hàm vượt trần.
Trong lịch sử Không quân nhân dân VN, có những trường hợp phi công “gan lỳ” đến không tưởng và thoát chết thần kỳ. Ngày 14.3.2000, máy bay MiG-21 số hiệu 5355 do thiếu tá - Phó trung đoàn trưởng 935 Bùi Tiến Đức bay bài 80. Sau khi thông qua trường bia, phi công phát hiện đối không nhỏ dần, xin đình chỉ nhiệm vụ về hạ cánh. Lúc này, phi công tiếp tục phát hiện máy phát điện một chiều bị hỏng nên phải thả càng khẩn cấp. Chiếc máy bay ở tốc độ cao lao xuống sân bay như viên đạn, thiếu tá Đức cương quyết giữ tốc độ hòng tiếp đất bình thường. Vừa chạm đất, phanh lốp của máy bay lại nổ. Phi công thả dù giảm tốc độ nhưng dù không bung... Chấp nhận hy sinh, thiếu tá Bùi Tiến Đức tắt máy, giữ hướng cho máy bay trôi theo đường băng và chỉ dừng lại khi đã chạm mảnh đất trống ngoài vành đai.
Liệt kê chi tiết, có đến vài chục trường hợp phi công của Sư đoàn 370 bảo toàn được máy bay, không làm thiệt hại người và tài sản của nhân dân, quân đội. Đơn cử ở Trung đoàn 935: Ngày 27.8.2007, máy bay Su-30MK số hiệu 8533 do thượng tá Trần Quốc Toản đang bay bài 4 thì bị chim chui vào động cơ, phi công bình tĩnh xử lý hạ cánh an toàn; Ngày 12.10.2007, trung tá Đào Trọng Kháng (nay là đại tá, Chính ủy Trung đoàn 935) điều khiển máy bay Su-27 số hiệu 6004 cũng xử lý thành công tình huống chim chui vào động cơ, bảo toàn vũ khí khí tài; Ngày 3.10.2000, máy bay MiG-21 số hiệu 5205 bị vỡ đường ống bơm cao áp của hệ thống động lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phi công Trần Đình Quảng đã xin không thoát ly, xử lý tốt tình huống và hạ cánh an toàn... Và còn nhiều câu chuyện anh hùng khác mà các thế hệ phi công không thể nào quên.
Truy phong thiếu úy cho học viên phi công Phạm Đức Trung
Sáng 27.8, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, lễ tang học viên phi công Phạm Đức Trung, người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện trên máy bay L39 số hiệu 8705 tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên), được tổ chức trang trọng theo nghi thức lễ tang quân đội. Đến viếng lễ tang, trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng truy phong quân hàm từ thượng sĩ lên thiếu úy cho đại diện gia đình học viên Phạm Đức Trung. Ngày 28.8 thi thể của anh Trung sẽ được tổ chức hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, TP.Nha Trang (Khánh Hòa).
Xuân Triệu - Đức Huy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.