Người thủ lĩnh đoàn trong chiến tranh biên giới

18/02/2016 11:46 GMT+7

Trước khi về nhận trọng trách Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa 4 (1976), ông Đặng Quốc Bảo là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Trước đó, ông từng làm là Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị và là trợ thủ đắc lực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào nửa cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước rồi Chính ủy của nhiều sư đoàn. Năm 1968, ông làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Đại học Kỹ thuật Quân sự với cấp bậc thiếu tướng (1974), hàm phó giáo sư trước khi chuyển ngành năm 1975. Có lẽ vì thế, chất lính cũng là hành trang giản dị được ông mang ra cơ quan Trung ương Đoàn và làm lan tỏa trong đội ngũ cán bộ thanh niên thời đó.
Có những giai thoại được truyền tụng ở cơ quan Trung ương Đoàn đến tận sau này, ví như khi ông đã chủ trì khai mạc họp rồi mà có ai đến muộn thì cũng được "mời" đứng ngoài để phê bình khéo, chờ giải lao mới được vào, dù đó có là cán bộ chủ chốt của Đoàn Thanh niên. Hoặc như lãnh đạo các Ban đi họp mà nắm lơ mơ vấn đề là bị ông "sạc" cho mất mặt luôn.
Khi Trung Quốc phát động chiến tranh toàn biên giới phía Bắc ngày 17.2.1979, ông Đặng Quốc Bảo chỉ thị cho các Ban của Trung ương Đoàn phải tổ chức gấp một đoàn cán bộ lên biên giới để nắm bắt tình hình chiến sự, qua đó sẽ có những chỉ đạo thực tiễn cho cơ sở Đoàn các cấp và cũng để động viên quân và dân biên giới cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Là người có kinh nghiệm trong chiến tranh, lại có tác phong của một ông tướng quân sự, ông chỉ thị cho anh em trong đoàn công tác phải hoàn toàn chủ động tư trang và lương thực cá nhân trong suốt chuyến đi. Dứt khoát không để gây phiền hà cho địa phương mình đến làm việc... Với kinh nghiệm của người chỉ huy, ông Đặng Quốc Bảo đặc biệt lưu ý một chi tiết, đó là mọi người phải đi giày hoặc dép có quai hậu, tuyệt đối đã ra mặt trận thì không được đi dép lê. Khi đoàn công tác dừng xe để nghỉ dọc đường và ăn trưa, ông Bảo thấy có một người không chấp hành chỉ đạo đó: vẫn đi dép lê không có quai hậu. Ông rất bực nên đã phê bình thẳng thừng “trước ba quân" rồi yêu cầu vị cán bộ trẻ nói trên tự lo cách quay trở về Hà Nội, không được đi cùng đoàn nữa. Có người còn nhớ cả trường hợp khác phải rời khỏi đoàn do không chủ động chuẩn bị lương thực cá nhân nên lúc cùng ngồi ăn đã bị lộ ra. Mục đích chấn chỉnh là để anh em rút kinh nghiệm khi đã xuống công tác vùng có chiến sự ác liệt thì phải xem như mình cũng là người lính đi ra mặt trận chứ không phải là “ông quan Đoàn" xa lạ. Đây là bài học sâu sắc mà các cán bộ làm công tác thanh vận sau này luôn ghi nhớ
Ông Hoàng Hồng, nguyên Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn, kể thêm năm 1978, ông có vinh dự được tham gia đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam sang Cuba dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 11. Tại diễn đàn, ông Đặng Quốc Bảo tuyên bố: "Trên bầu trời châu Á, hiện đang có một đám mây đen rình rập, chúng ta cần cảnh giác...", ý nói về quan hệ Việt-Trung đang xấu đi vào lúc đó. Trở về Việt Nam, chuyện đến tai cấp trên, ông Đặng Quốc Bảo đã bị Bộ Chính trị phê bình về phát ngôn này.
Lớp cán bộ lãnh đạo Trung ương Đoàn giai đoạn sau 1976 với người đứng đầu là ông Đặng Quốc Bảo có thể xem như một thế hệ trưởng thành rõ nhất về trình độ cũng như về phong cách làm việc. Nhiều cán bộ cùng nhiệm kỳ với ông sau này đã thành công trên nhiều cương vị quan trọng như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương Phan Minh Tánh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Vũ Quốc Hùng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng và nhiều người khác…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.