Người thu nhập thấp có dám vay lãi suất ưu đãi để mua nhà?

Mai Phương
Mai Phương
08/04/2023 07:10 GMT+7

Lãi vay ưu đãi cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 8,2% được đánh giá vượt quá tầm tay người lao động nói chung cũng như các đối tượng thụ hưởng của gói này.

Lương 7,5 triệu đồng, làm sao mua nhà trên 1 tỉ đồng?

Thông tin từ Tổng liên đoàn Lao động VN, năm 2022 thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 805.000 đồng), chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán.

Người thu nhập thấp có dám vay lãi suất ưu đãi để mua nhà ?  - Ảnh 1.

Công nhân, người thu nhập thấp không thể vay mua nhà với lãi suất 8,2%/năm

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, có hơn 122.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Một số DN chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều DN không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội...

Vì vậy, dù rất vui khi Chính phủ ban hành đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", trong đó có chương trình cho vay vốn hỗ trợ lãi suất (LS), nhưng thực tế để mua được nhà vẫn là giấc mơ khó thành hiện thực của nhiều gia đình. Giả sử một gia đình cả 2 vợ chồng cùng đi làm với thu nhập 20 triệu đồng/tháng thì tiền thuê nhà ở TP.HCM thấp nhất từ 3 - 4 triệu đồng, còn lại chi tiêu cho ăn uống, con cái học hành, ốm đau, thậm chí còn phải gửi tiền phụ giúp cho cha mẹ ở quê chưa kể ma chay hiếu hỉ… còn chưa đủ, huống hồ mua nhà, trả lãi.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành - đơn vị có thâm niên xây dựng nhà ở xã hội - cho biết hiện quy định diện tích căn hộ cho phân khúc này từ 25 - 70 m2. Với giá thành xây dựng khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2 thì một căn hộ 45 m2 ở TP.HCM sẽ có giá bán hơn 1 tỉ đồng trở lên, tùy theo vị trí, địa điểm. Với căn hộ lớn 70 m2 thì người mua phải có số tiền lên gần 2 tỉ đồng.

Hiện tại TP.HCM không có dự án nào đã triển khai mà đều đang vướng nhiều thủ tục pháp lý. Nếu gỡ nhanh thì hy vọng cuối năm nay mới hoàn thành và chỉ triển khai trong 2024. Hy vọng khi đó mặt bằng LS cũng giảm và LS ưu đãi cho người thu nhập thấp vay mua nhà sẽ thấp hơn mức 8,2% như mới công bố.


Ông Lê Hữu Nghĩa

"Đó, giá nhà thực tế như vậy nên LS trên 8%/năm thì không công nhân, người thu nhập thấp nào dám vay tiền mua nhà. Đó là chưa kể hiện nay LS vay thương mại cũng chỉ dao động khoảng 9 - 9,5%/năm. Đã nói LS ưu đãi cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì chỉ dao động khoảng 5%/năm mới phù hợp", ông Nghĩa nói thẳng.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng LS cho vay ưu đãi chỉ áp dụng trong 5 năm đầu tiên, trong khi người vay mua nhà có thời hạn dài lên đến 25 năm. Vậy còn 20 năm sau đó, giả sử LS lên cao hơn thì công nhân làm sao trả nổi? Chỉ cần tính toán vậy thì không có người lao động nào dám vay mua nhà dù được LS ưu đãi.

"Đầu tiên là nói câu chuyện có nhà ở xã hội để bán ra không. Hiện tại TP.HCM không có dự án nào đã triển khai mà đều đang vướng nhiều thủ tục pháp lý. Nếu gỡ nhanh thì hy vọng cuối năm nay mới hoàn thành và chỉ triển khai trong 2024. Hy vọng khi đó mặt bằng LS cũng giảm và LS ưu đãi cho người thu nhập thấp vay mua nhà sẽ thấp hơn mức 8,2% như mới công bố", ông Lê Hữu Nghĩa nói.

LS ưu đãi không hấp dẫn

Nghe LS ưu đãi 8,2%/năm, chị Ngọc Thu, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, nhận xét không thấp hơn bao nhiêu so với LS chị vay thông thường. Chị Thu cho biết tháng 9.2022, chị vay tiền mua căn hộ với LS 8,5%/năm trong thời gian 25 năm. Chị lựa chọn gói vay chốt cố định LS trên trong 3 năm, sau đó LS sẽ điều chỉnh theo thị trường. Số tiền chị vay lên 1,5 tỉ đồng để mua căn hộ trị giá 2,2 tỉ đồng. Theo đó, số tiền gốc mỗi tháng chị trả là 5 triệu đồng cộng với tiền lãi trong năm đầu tiên hơn 10 triệu đồng/tháng. Tổng cộng cả tiền lãi và gốc năm đầu tiên chị trả cho ngân hàng lên hơn 15 triệu đồng/tháng.

"Tiền gốc, tiền lãi cao hơn gấp đôi mức lương bình quân của một người công nhân rồi. Làm sao mà họ vay mua nhà được", chị Thu nói.

Theo Đề án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện chương trình cho vay vốn từ gói 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Cụ thể, LS cho vay áp dụng đến ngày 30.6 với chủ đầu tư là 8,7%/năm, người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1.7, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo LS cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình. Thời gian ưu đãi LS đối với chủ đầu tư 3 năm kể từ ngày giải ngân; đối với người mua nhà ở xã hội được áp dụng 5 năm kể từ ngày giải ngân.

Theo TS Lê Đạt Chí - Phó khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng rơi vào khoảng 1,4 - 1,5 tỉ đồng/căn. Thông thường, ngân hàng chỉ cho vay với số tiền bằng khoảng 50 - 60% giá trị căn hộ. Như vậy để mua được căn hộ, công nhân phải có sẵn khoảng 400 - 500 triệu đồng trước khi tính đến việc vay thêm từ ngân hàng. Với LS ưu đãi 8,2%/năm, giả sử công nhân sẽ được vay 1 tỉ đồng thì riêng tiền lãi mỗi tháng sẽ trả hơn 6,8 triệu đồng. Cộng thêm nợ gốc nếu vay 25 năm sẽ trả hơn 3,3 triệu đồng/tháng, đưa tổng số tiền người vay phải trả cho ngân hàng lên khoảng 10,2 triệu đồng/tháng. Một cặp vợ chồng công nhân bình quân thu nhập cho tối đa 20 triệu đồng, nếu có 2 con đang đi học thì thu nhập đó chỉ đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Nhưng nếu trả tiền vay ngân hàng vượt cả thu nhập của 1 người thì số tiền còn lại làm sao sống được?

"Với LS đó thì các gia đình công nhân sẽ thấy thuê nhà ở chỉ trả 4 triệu đồng/tháng khỏe hơn, đỡ lo lắng hơn đi vay tiền mua nhà. Còn nếu gia đình nào đã tích lũy được 500 triệu đồng thì gửi tiết kiệm sẽ nhận được khoảng 3,3 triệu đồng/tháng với LS khoảng 8%/năm như hiện nay. Do đó LS ưu đãi cho đối tượng này cần thấp hơn, đồng thời xem xét làm thế nào để nhà ở xã hội cũng có giá thấp hơn thì mới hy vọng người thu nhập thấp mua được nhà", TS Lê Đạt Chí chia sẻ.

Đồng tình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng theo như Chính phủ đã công bố, LS cho vay ưu đãi theo gói tín dụng 120.000 tỉ đồng sẽ thấp hơn 1,5 - 2% LS của 4 ngân hàng thương mại lớn. Như vậy trên thực tế khi người vay giải ngân ở thời điểm nào thì sẽ áp dụng nguyên tắc trừ lùi thì sẽ phù hợp hơn. Việc chốt LS cứng dù ở thời điểm hiện tại dự kiến khoảng 8,2%/năm là chưa hợp lý, khiến nhiều người có tâm lý lo ngại và sẽ chờ khi nào LS xuống thấp hơn mới vay. Bên cạnh đó, cần xem xét kéo dài thời gian áp dụng LS ưu đãi nhiều hơn quy định 5 năm để người có thu nhập thấp yên tâm khi vay tiền mua nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.