Quy định từ năm 2021 về việc nhân viên điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y phải có trình độ cao đẳng trở lên, bộc lộ những bất cập khiến Sở Y tế TP.HCM mới đây có kiến nghị TP đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 1.1.2026.
Thông tư thiếu thực tiễn ảnh hưởng nhiều phía
Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ năm 2015 quy định từ ngày 1.1.2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng (CĐ) chuyên ngành điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y. Việc ra thông tư như vậy khiến rất nhiều trường CĐ, trung cấp đang đào tạo 3 ngành trên ở trình độ trung cấp ảnh hưởng nặng nề đến việc tuyển sinh. Hàng loạt nhân viên y tế có trình độ trung cấp cũng đổ xô đi học liên thông lên CĐ để chuẩn hóa trình độ theo yêu cầu của thông tư.
Năm 2016, hiệu trưởng của 16 trường trung cấp tại TP.HCM cũng đã có đơn kiến nghị gửi Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT để đề nghị sửa lại và tạm ngừng thực hiện thông tư này. Trong đơn viết: “Đáng lẽ trước khi ra quy định này, Bộ Y tế phải có một cuộc khảo sát, đánh giá diện rộng về nhu cầu nhân lực từ các cơ sở y tế tuyến thôn bản, xã trở lên, đánh giá khả năng, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện nay và tương lai để xem khả năng đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trình độ CĐ như thế nào”.
Học sinh ngành điều dưỡng tại Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM |
V.S |
Trên thực tế từ năm 2015 đến nay, thông tư đã tác động đến tâm lý của hàng trăm ngàn người, trong đó có những học sinh đang theo học và những thí sinh có nhu cầu học điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật y đồng thời ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của rất nhiều học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp các ngành này. Các trường trung cấp y thì khốn đốn vì không tuyển sinh được.
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Trường chúng tôi chật vật nhiều năm trời. Chỉ cần nghe thông tin bệnh viện công sẽ không tuyển trình độ trung cấp khối ngành sức khỏe là phụ huynh không cho con em đăng ký học. Nếu học thì lại phải liên thông CĐ mới được tuyển nên nhiều em cũng không muốn”.
Các bệnh viện đang rất cần lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật y, chỉ cần trình độ trung cấp là có thể làm việc được rồi vì đây là một nghề phục vụ cho người bệnh, cần kỹ năng và thái độ tốt, tận tâm, kiên nhẫn... chứ không cần trình độ quá cao.
Bác sĩ Hồ Thanh Bình, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Chợ Rẫy
Tại Trường CĐ Viễn Đông, thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng, cũng thông tin sau khi có thông tư trên, tất cả bệnh viện đều tấp nập đăng ký cho nhân sự đi học chuyển liếp liên thông lên CĐ. Nhiều học sinh tốt nghiệp trung cấp ra chưa đi làm cũng đổ xô đi học liên thông. “Vì quá cần nhân lực ngành điều dưỡng nên các bệnh viện lớn như Nhi đồng 1, 2, Bệnh nhiệt đới, Chấn thương chỉnh hình, Xuyên Á, Thủ Đức, Trung tâm cấp cứu 115... đều đến trường đề nghị có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp là nhận hết”, thạc sĩ Thu thông tin thêm.
Muộn còn hơn không
Trong những năm qua, do người học các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật y bậc trung cấp sụt giảm, các trường ĐH, CĐ tuyển sinh các ngành này cũng khó nên không đủ để cung cấp nhân lực cho các bệnh viện công lẫn tư. Chưa kể sau 3 năm dịch Covid-19, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều khiến nhân lực ở các vị trí công việc này càng thiếu trầm trọng, nhất là điều dưỡng.
Bác sĩ Hồ Thanh Bình, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Các bệnh viện đang rất cần lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật y, chỉ cần trình độ trung cấp là có thể làm việc được rồi vì đây là một nghề phục vụ cho người bệnh, cần kỹ năng và thái độ tốt, tận tâm, kiên nhẫn... chứ không cần trình độ quá cao”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, cũng cho rằng y tá và điều dưỡng ở mức độ trung cấp là làm việc được. “Hiện nay tình trạng thiếu hụt nhân sự của các bệnh viện là có thật. Thời điểm dịch vừa qua việc tuyển trình độ CĐ, ĐH là rất khó. Đa phần các bệnh viện hạng 1, 2, 3, bệnh viện tư nhân thậm chí bệnh viện hạng đặc biệt đều có nhu cầu tuyển trình độ trung cấp do trình độ này hoàn toàn có thể làm việc được. Cá nhân tôi cũng thấy học trung cấp ra đi làm rất tốt, chỉ cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ thường xuyên là ổn”, bác sĩ Tùng nhận định.
Theo bác sĩ Tùng, mỗi bệnh viện cần đến 50 - 60% nhân sự là điều dưỡng, kỹ thuật y. Hiện nay các trường ĐH, CĐ, trung cấp đào tạo không đủ để đáp ứng, đặc biệt sau Covid-19 nhiều nhân viên y tế có xu hướng bỏ việc. “Không chỉ đô thị lớn như TP.HCM mà các huyện, xã vùng sâu vùng xa càng thiếu do cử nhân thì không ai chịu về làm. Các bệnh viện huyện, trung tâm y tế, trạm xã là cơ sở chăm sóc ban đầu, không cần trình độ cao”, bác sĩ Tùng chia sẻ thêm.
Vì thế, bác sĩ Tùng cho rằng TP đề xuất với Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng trình độ trung cấp các ngành liên quan đến y tế, đặc biệt điều dưỡng là hợp lý và cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm giải quyết sự thiếu hụt nhân lực cho hệ thống y tế của TP. Từ đó, các trường CĐ, trung cấp mới có thể thu hút được tuyển sinh, góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế.
Đánh giá thông tư trên là không phù hợp với thực tiễn, ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Tây Sài Gòn, cũng đồng ý với việc Sở Y tế kiến nghị UBND TP có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1.1.2026, đồng thời việc chuẩn hóa trình độ CĐ đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp được gia hạn đến ngày 31.12.2030, là hoàn toàn chính xác. “Nhiều công việc trong ngành y nhẹ không cần phải trình độ chuyên môn quá cao. Quan trọng là đào tạo thái độ phục vụ và những kỹ thuật chăm sóc cơ bản”, ông Thương nhận định.
Đến thời điểm này mới đề xuất là hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không là quan điểm của thạc sĩ Đặng Văn Sáng, nếu không, chỉ cần 1 - 2 năm nữa là “không kịp”.
Ngày 30.9, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1.1.2026 vì dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện.
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 7.10, đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết tỷ lệ điều dưỡng, bác sĩ tại một số bệnh viện công đang có xu hướng giảm do việc tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc và việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ CĐ theo quy định của Thông tư liên tịch số 26 năm 2015, gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát của Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ tại các bệnh viện công lập là 1,86 và có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2, trong khi đó, để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, tỷ lệ đạt yêu cầu phải là 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ.
Bình luận (0)