Người trẻ cùng giúp nhau trở thành công dân toàn cầu

02/08/2024 19:25 GMT+7

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa mọi cá nhân, tổ chức đều hướng đến việc hội nhập quốc tế và trở thành một công dân toàn cầu. Vậy, người trẻ nghĩ gì về một công dân toàn cầu?

Chiều 2.8, tại Liên hoan Sinh viên thế giới đã diễn ra chương trình tập huấn kỹ năng lãnh đạo trong môi trường đa văn hóa. Tại đây, sinh viên 11 quốc gia đã thảo luận về vấn đề trở thành công dân toàn cầu.

Người trẻ cùng giúp nhau trở thành công dân toàn cầu- Ảnh 1.

Nguyễn Quốc Tuấn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ ý kiến về vai trò của công dân toàn cầu

NGUYÊN PHÚC

Nguyễn Quốc Tuấn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng: "Một công dân toàn cầu là người có thể sống, giao tiếp và làm việc với bất cứ ai, ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào. Trong quá trình này, chúng ta sẽ học tập, làm việc, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, ngày càng hoàn thiện, phát triển và hội nhập quốc tế".

Phan Hương Giang, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng để trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta phải có sự thay đổi từ ý thức đến hành động. "Là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận thức được việc phải có tinh thần cởi mở, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Từ đó có định hướng để áp dụng vào từng hành động cụ thể như học tập và những việc làm trong đời sống hằng ngày", Giang nói.

Đồng quan điểm với Hương Giang, Quách Thị Hồng Mơ có nhận định: "Trước khi trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta cần có ý thức và trách nhiệm với vai trò là công dân của đất nước. Để làm được điều đó, chúng ta cần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, ham học hỏi, tiếp thu văn hóa các nước để từ đó hiểu và biết cách cân bằng, thích ứng với bối cảnh hội nhập".

Người trẻ cùng giúp nhau trở thành công dân toàn cầu- Ảnh 2.

Người trẻ cùng giúp nhau trở thành công dân toàn cầu- Ảnh 3.

Sinh viên tham dự Liên hoan Sinh viên thế giới năm 2024

NGUYÊN PHÚC

Tại chương trình, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho rằng công dân toàn cầu là một khái niệm không mới, tuy nhiên nó rất quan trọng trong kỷ nguyên hội nhập thế giới. Công dân toàn cầu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và kết nối liên tục giữa các quốc gia, văn hóa là khái niệm mô tả những cá nhân có khả năng hiểu và tương tác hiệu quả trong một thế giới đa dạng, liên kết. Đây không chỉ là những người có kiến thức về nhiều nền văn hoá, mà còn là những người có kiến thức về các vấn đề toàn cầu, từ chính trị, kinh tế đến môi trường.

"Mỗi quốc gia sẽ có sự khác biệt về tốc độ phát triển, ngôn ngữ, văn hóa. Và mỗi công dân của quốc gia ấy cũng có những lối sống khác nhau. Để trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta cần tôn trọng những sự khác biệt ấy. Cùng với đó là cần cởi mở, thấu hiểu, học hỏi, tạo nên một môi trường văn hóa đa dạng, linh hoạt và tôn trọng lẫn nhau", ông Phước Anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.