Người trẻ lạc lõng khi làm việc trực tuyến thời gian dài

25/10/2023 08:00 GMT+7

Làm việc trực tuyến trong thời gian dài, nhiều bạn trẻ cho biết trở nên ngại giao tiếp, mất kết nối xã hội và cảm thấy bản thân trì trệ, giảm động lực làm việc.

Tốt nghiệp vào tháng 6 năm nay, N.T.A (22 tuổi), ngụ đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đang là giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho một trung tâm ngoại ngữ. Công việc ổn định, có thu nhập tốt đối với sinh viên mới ra trường, nhưng N.T.A cho biết cuộc sống hiện tại hoàn toàn khác với những gì mình tưởng tượng trước đây.

Người trẻ lạc lõng khi làm việc trực tuyến thời gian dài - Ảnh 1.

Làm việc trực tuyến thời gian dài, nhiều người trẻ chỉ quanh quẩn trong phòng, mất kết nối với bạn bè, ngại giao tiếp

HUỲNH NHI

"Mình hình dung khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm ở một công ty nào đó, hết giờ làm thì đi dạy thêm tại trung tâm tiếng Anh, có đồng nghiệp, bạn bè chung công ty. Còn hiện nay mình làm việc trực tuyến, lịch dạy học rơi vào buổi tối. Có khi cả ngày chỉ ở nhà, không bước chân ra ngoài", T.A chia sẻ và nói đã cố gắng tìm một công việc ở văn phòng, nhưng hầu như CV gửi đi đều không có phản hồi.

Thỉnh thoảng, T.A đi chợ, dạo công viên cho bớt căng thẳng. T.A thừa nhận hiện mình không có nhiều bạn như thời sinh viên, những mối quan hệ xung quanh cũng trở nên nhạt dần.

Không riêng N.T.A, nhiều bạn trẻ khác cũng đang có công việc làm từ xa như bán hàng, marketing, dịch thuật, gia sư, biên kịch… Trong khảo sát nhỏ của người viết với khoảng 10 bạn trẻ làm việc trực tuyến, đa số cho biết từng trải qua cảm giác bị mất kết nối với người khác. Một số khác ngại giao tiếp và nhút nhát, lạc lõng, mất phương hướng hoặc tự ti trước bạn bè đồng trang lứa có lộ trình thăng tiến rõ ràng khi làm việc trong môi trường công sở.

"Ngày trước mình cứ nghĩ cố gắng làm việc hết mình là được, nhưng thực tế muôn hình vạn trạng. Công việc nhiều cái bất cập, không dễ dàng như mình nghĩ. Giờ mình đã qua thời điểm lạc lõng, nhưng có cảm giác không năng động, hoạt bát giống như trước nữa", N.Q.K, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang làm công việc dịch thuật từ xa hơn nửa năm, cho hay.

Trần Thị Thanh Nhàn (27 tuổi), ngụ TP.HCM, cho biết đã quen với việc làm từ xa được 5 năm nay. Những ngày đầu làm việc một mình, Nhàn thừa nhận đã sống khép kín hơn với mọi người xung quanh, nhưng sau đó tình trạng này đã được cô cải thiện.

"Vì tính chất công việc, mình thường làm việc với những bạn ở các quốc gia khác nên không thể gặp gỡ trao đổi trực tiếp hay đi cà phê trò chuyện. Việc giao tiếp đều diễn ra trên màn hình máy tính và trái múi giờ. Tuy nhiên, mình không thấy cô đơn hay lạc lõng, vì mọi người thường xuyên gọi điện, nhắn tin để duy trì mối quan hệ. Làm việc một mình nhưng có bạn ở xung quanh", Nhàn chia sẻ.

Nhàn cũng khuyên: "Nếu ngồi máy tính quá lâu hoặc thấy ngột ngạt, nên đi ra ngoài nhiều hơn, không tự nhốt mình trong phòng. Gắn kết với cha mẹ, gia đình hoặc với chính mình cũng là cách giúp bản thân không bị mất kết nối. Dù không nhiều bạn bè, nhưng mình có các thú vui khác như: đọc sách, đi chơi, du lịch, chạy bộ… Đó cũng là cách giúp cuộc sống chúng ta cân bằng".

Còn Nguyễn Khắc Ngọc Phượng Châu (28 tuổi), làm công việc biên kịch tự do tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho biết để có thể làm việc từ xa lâu dài, tự tin, không bị lạc lõng, mỗi người cần đề ra cho mình kế hoạch, lộ trình rõ ràng và xác định rõ mục đích của bản thân.

"Khi không đến văn phòng làm việc, một số bạn cũng gặp những cái nhìn không mấy tích cực từ người thân và tưởng rằng mình đang thất nghiệp. Điều này cũng có thể khiến bạn bị áp lực, nhưng có thể chọn cách giải thích rõ ràng hoặc chỉ đơn giản là không quan tâm và cứ tiếp tục cố gắng", Phượng Châu nói và chia sẻ thêm: "Làm việc từ xa là trải nghiệm nên thử, nhưng nếu không phù hợp với bản thân, bạn có thể quay trở lại công việc văn phòng, khởi nghiệp, hoặc tạm nghỉ ngơi một thời gian để xác định con đường tiếp theo".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.