GIÚP MÌNH, GIÚP NGƯỜI
1 giờ sáng, Nguyễn Gia Quỳnh (28 tuổi), ngụ P.11, Q.3, kết thúc 3 ngày trực đêm chăm sóc khách hàng quốc tế tại một công ty dịch vụ sức khỏe đa quốc gia. Quỳnh đi đến một cửa hàng tiện lợi trên đường Trương Định để uống nước, nghỉ ngơi sau giờ làm việc.
Quỳnh tâm sự: "Mệt mỏi vậy đó, chứ về nhà là mình ngủ không được. Chuẩn bị đóng tiền nhà nhưng mình vẫn chưa lo đủ tiền. Hơi thất vọng về bản thân nhưng cũng phải dành thời gian trống để thư giãn, nghỉ ngơi một chút".
1 giờ 30, ở một góc đường khác, quán cà phê vợt nổi tiếng tại đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận cũng còn rất đông khách. Đếm lướt qua cũng có khoảng 100 bạn trẻ. Mỗi ly cà phê chỉ 20.000 đồng, nhưng khách có thể ngồi trò chuyện thoải mái với bạn bè tới sáng.
"Tụi mình ở đây nói linh tinh xả stress thôi. Có đứa nói về quê hương, kể ở quê có gì, kể cho đỡ nhớ quê. Buổi tối tụi mình thấy dễ tâm sự. Càng ngày mình càng ít ngủ. Thậm chí có những ngày chỉ ngủ 4 - 5 tiếng đồng hồ là đủ", Trần Quốc Bảo (22 tuổi), ngụ P.Phú Mỹ, Q.7, chia sẻ.
2 giờ sáng, đi dạo một vòng quanh các tuyến đường, thấy có nhiều anh chị lao công vừa xong việc, hay những người không có nơi nương thân, thì Nguyễn Thị Kim Yến (27 tuổi), ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12, cùng các bạn lại trao đồ ăn và gửi đến những lời chúc an ủi, động viên.
Công việc bộn bề, không có nhiều thời gian dành cho những việc ngoài công ty, nên mỗi tuần một lần, Yến góp 500.000 đồng cùng các bạn chung phòng trọ để làm đồ ăn cho người khó khăn. Tối đi làm về, các bạn sẽ nấu khoảng 50 phần ăn mang đi trao tặng.
"8 tiếng đi làm ở công ty nhưng mình ít nói chuyện với đồng nghiệp, chỉ nhắn tin qua các mạng xã hội, trao đổi qua email. Tối về nhà, làm một số việc cá nhân xong, mình muốn đi ra ngoài tương tác xã hội. Cuộc sống là sự cho đi, mình luôn quan niệm như vậy", Yến bày tỏ.
BẮT ĐẦU NGÀY MỚI LÚC MẶT TRỜI CHƯA LÊN
Khác với Quỳnh, 2 giờ sáng, Lê Hồng Minh, ngụ P.1, Q.4, vẫn trong ca bảo vệ tại một quán bida ở Q.Phú Nhuận. Để có thêm thu nhập, Minh chọn làm ca đêm, lương được cộng thêm 10.000 đồng mỗi giờ. 8 tiếng làm đêm, mỗi ngày thu nhập của Minh là 240.000 đồng.
Ngồi vỉa hè trông xe, có hôm Minh dỗ một bạn nữ tự dưng đứng ngoài đường khóc ngất; lúc thì Minh giúp một cặp đôi sửa xe lúc 3 giờ sáng. Đôi khi Minh được mấy bạn trẻ đi ngang tặng đồ ăn, còn có người đến ngồi tâm sự với Minh cho khuây khỏa. Cách đó không xa là những bạn trẻ làm kỹ sư cầu đường. Buổi tối là lúc công việc của họ tất bật, không thể bỏ lỡ giây phút nào vì khi trời sáng, người đi đường đông, đôi khi không thể hoàn thành công việc, gây thiệt hại cho cả công trình.
Đặng Xuân Thương (27 tuổi), ngụ P.17, Q.Gò Vấp, kể mỗi buổi sáng được ngủ 5 tiếng, mỗi ngày chỉ có trống thời gian từ 18 - 22 giờ. Vòng lặp của Thương là sáng ngủ, chiều làm, tối nghỉ, khuya làm. Thành ra, dù là một người trẻ tràn đầy năng lượng, nhưng các mối quan hệ của Thương rất hạn chế, ít giao tiếp, ít vui chơi.
3 giờ sáng, Trần Trọng Tấn (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chạy xe ôm công nghệ, dừng nghỉ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khắp con phố là những bạn trẻ vẫn năng nổ tập thể thao: nhảy, trượt ván, đá cầu…
Tấn nói: "Tập thể thao giờ này có vẻ không tốt. Cũng giống như mình, đang vì một mục tiêu mà đánh đổi sức khỏe. Mình nghĩ ai cũng có gì đó phải đánh đổi vì mục tiêu của họ".
Chị La Hạ Giang Thanh, chuyên gia tâm lý trị liệu, nhà sáng lập Tổ chức Soul Retreats (Q.7), cho biết: "Thực tế không phải ai cũng cần ngủ 8 tiếng mỗi ngày, mà cần ngủ có chất lượng. Cơ thể con người rất kỳ diệu, ngủ 20 phút là có thể kích hoạt năng lượng. Mỗi người nên biết cơ thể cần gì. Thời gian trống, nếu có đầy đủ năng lượng, cần phải làm những việc có giá trị".
Nếu chọn ra đường tham gia tương tác xã hội vào buổi khuya, cần phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi phù hợp, làm sao để cuộc sống không bị xáo trộn. Một người cần phải biết sắp xếp giờ ăn, ngủ, học tập và thể dục thể thao cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải có thời gian hòa mình với thiên nhiên, vui chơi với bạn bè, gia đình…
Bình luận (0)