Người trẻ làm IT có sợ ChatGPT “chiếm” việc trong tương lai?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
11/02/2023 07:05 GMT+7

Từ khi ChatGPT ra đời, đã có nhiều dự đoán công cụ trí tuệ nhân tạo này sẽ làm được nhiều thứ, ảnh hưởng đến nhiều việc làm trong tương lai, kể cả công việc của các lập trình viên. Thực tế thì người làm công nghệ thông tin (IT) nghĩ gì về việc này?

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CŨNG LÀ DO CON NGƯỜI LÀM RA

Làm trong ngành IT nhiều năm, Bùi Gia Thịnh, đang là kỹ sư cao cấp về lập trình của Tập đoàn Bosch, cho biết trong thời gian làm nghề đã tiếp cận và làm việc với phần mềm và công nghệ tiên tiến. Các phần mềm hay ứng dụng, công cụ hỗ trợ đã giúp cho công việc của lập trình viên (LTV) đạt năng suất nhất định như hiện tại. Tuy nhiên, không vì thế mà Thịnh bị lệ thuộc nhiều vào những công nghệ từng được dự đoán là xu hướng của thế giới.

Người trẻ làm IT có sợ ChatGPT “chiếm” việc trong tương lai ? - Ảnh 1.

Dân IT cho rằng ChatGPT khó thay thế việc của lập trình viên

TASS

"Ví dụ đơn giản như mình làm toán, nếu không có máy tính, mình tự tính thì vẫn sẽ ra kết quả nhưng rất tốn thời gian và công sức, đôi khi những phép tính phức tạp hơn mình còn không thể làm thủ công bằng tay. Do đó các công cụ và phần mềm công nghệ hỗ trợ rất cần thiết và không thể thiếu trong ngành lập trình hiện tại để đưa ra các sản phẩm có chất lượng hơn", Thịnh nói.

Với Thịnh, từ khi có ChatGPT cậu cảm thấy thú vị khi có một công cụ mạnh mẽ giúp tra cứu, gợi ý cụ thể, chi tiết. Nhưng không phải tất cả câu trả lời đều đúng, nên Thịnh học cách đưa ra câu hỏi một cách rõ ràng để có thể lấy được câu trả lời chính xác nhất.

Thịnh cũng không lo ngại ChatGPT có thể đe dọa công việc của mình trong tương lai. Nam LTV này chỉ xem nó là công cụ có thể giúp hoàn thành công việc một cách dễ dàng hơn. Nhưng theo Thịnh, nếu nhìn rộng hơn thì với công việc không đòi hỏi một mức độ chất xám cao, rõ ràng người ta có thể dùng chính những AI này để làm một số nhiệm vụ cụ thể. Khi đó việc của con người là học cách sử dụng AI thay vì phải cạnh tranh công việc với nó.

Thịnh chia sẻ thêm: "Giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, khi máy móc ra đời, máy móc có thể thay thế được con người ở một vài khâu, giúp tăng năng suất lao động. Việc của mình là học hỏi, nâng cao kiến thức để có thể đáp ứng được yêu cầu của các công việc mới, công việc sử dụng các công cụ mới giúp nâng cao năng suất và chất lượng lao động của con người. Thì bây giờ cũng vậy, chủ yếu người làm IT làm chủ được công nghệ, biến nó giúp ích cho công việc của mình là tốt nhất. Bởi trí tuệ nhân tạo cũng do con người làm ra mà thôi".

Trần Ngọc Sỹ, trưởng một nhóm LTV tại Hà Nội, nghĩ rằng: "ChatGPT là một mô hình nhận dạng ngôn ngữ được huấn luyện bằng dữ liệu lớn bởi OpenAI. Nó có khả năng trả lời câu hỏi, tạo văn bản, dịch ngôn ngữ, và nhiều hơn thế nữa. Vì nó là mô hình ngôn ngữ máy học thì vẫn có những cái nó sẽ không thực hiện được nếu chưa từng xuất hiện trên internet hoặc không thu thập đủ thông tin. Nên việc lo ngại đe dọa công việc của mình thì không có. Nếu biết cách áp dụng thì nó sẽ là công cụ hỗ trợ chứ không phải vũ khí hay mối đe dọa nào với ngành nghề của mình".

Ngoài ra, Ngọc Sỹ cũng nói thêm, để cân bằng với sự phát triển của ChatGPT, người làm nghề IT có thể tập trung vào các kỹ năng như phân tích dữ liệu, tích hợp dữ liệu, xây dựng mạng lưới và truyền thông. Phát triển kỹ năng sáng tạo và tư duy cần thiết để thiết kế và xây dựng các giải pháp mới cho các vấn đề mới và phức tạp hơn. Ngoài ra, việc học và tập trung vào các kỹ năng cập nhật mới nhất cũng rất quan trọng để giữ vững được việc làm.

Người trẻ làm IT có sợ ChatGPT “chiếm” việc trong tương lai ? - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ làm lập trình viên không lo ngại mất việc bởi ChatGPT

P.H

CHATGPT KHÓ THAY THẾ ĐƯỢC LẬP TRÌNH VIÊN ?

Về phía doanh nghiệp, Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc dự án Công ty công nghệ - Học viện Sẻ chia, cho rằng các LTV hiện tại thường làm theo dự án để tạo dựng các phần mềm hệ thống. Hiện nay LTV thường áp dụng các công nghệ, phần mềm mới nhất để hoàn thành các công việc, công cụ lập trình, mã hóa, website, hệ thống mạng tự động… đồng thời họ cũng tìm kiếm các giải pháp tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình làm việc để giảm thời gian hoàn thành công việc.

Theo Khoa, vì là lập trình, nên các công cụ hỗ trợ cho LTV hiện tại rất nhiều, tùy ngôn ngữ lập trình, yêu cầu của dự án sẽ có những phần mềm hỗ trợ chuyên môn. Điểm nổi bật của các công cụ trên thường là miễn phí, đa tính năng, giúp ích cho LTV rất nhiều trong việc phát triển phần mềm, chạy thử, phát hiện các lỗi và hướng xử lý lỗi trong quá trình lập trình. Cho nên doanh nghiệp cũng cho phép các LTV sử dụng mọi phần mềm công nghệ miễn sao hoàn thành công việc một cách nhanh nhất. Và chỉ có người lập trình mới kiểm soát, quản lý và yêu cầu những gì mà trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra. Đó là người kiểm soát trí tuệ nhân tạo.

Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?

ChatGPT có thể đem lại nhiều lợi ích cho ngành IT như: tiết kiệm thời gian, tự động hoàn thành tìm kiếm thông tin, tạo ra báo cáo cơ bản, dữ liệu lớn và tạo ra kết quả chính xác, cải thiện chất lượng dữ liệu giúp lãnh đạo doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, nhân lực.

NGUYỄN ĐĂNG KHOA Giám đốc dự án Công ty công nghệ - Học viện Sẻ chia

Khi ChatGPT ra mắt, Khoa nhận thấy tốt cho thị trường công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, nhiều đồng nghiệp của Khoa đã ra mắt những ứng dụng phần mềm thông qua API của ChatGPT và API của các hệ thống trí tuệ nhân tạo khác, như vẽ tranh theo yêu cầu bằng từ khóa, viết nội dung theo ý chính…

"ChatGPT có thể đem lại nhiều lợi ích cho ngành IT như: tiết kiệm thời gian, tự động hoàn thành tìm kiếm thông tin, tạo ra báo cáo cơ bản, dữ liệu lớn và tạo ra kết quả chính xác, cải thiện chất lượng dữ liệu giúp lãnh đạo doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, nhân lực", Khoa nói.

Tuy vậy, theo Khoa, ChatGPT cũng không thể thay thế nhân sự để giải quyết các vấn đề phức tạp, nhiều vấn đề còn cần suy nghĩ, kinh nghiệm của con người, nhất là những thuật toán, giải thuật riêng để giải quyết bài toán trong lập trình. Nó được tạo ra từ chính con người, nên các kỹ sư lập trình như Khoa hay các chuyên gia AI, người dùng cần phải dạy nó nhiều hơn.

Để cân bằng và giữ vững công việc trong tương lai, Khoa nói rằng bạn trẻ làm ngành IT cần nắm bắt, liên tục học hỏi các kỹ thuật, kỹ năng mới nhất về công nghệ, giải thuật. Đặc biệt ngoài kỹ năng chuyên môn, cần phải phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý dự án và lãnh đạo, để trở thành những lãnh đạo trong ngành IT. LTV là ngành đặc thù, có tuổi nghề tập trung cao độ nhất, sự nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ quyết định vị trí của mỗi bạn ở mỗi giai đoạn khác nhau, hoặc trên đỉnh cao, hoặc chỉ là nhân viên bình thường chứ không phải dựa vào ChatGPT để nhận xét.

Phạm Thanh Huy Cường, Giám đốc cổ phần Công nghệ IOT Đại Việt, cho rằng ứng dụng ChatGPT vô cùng hiệu quả nếu ứng dụng vào công việc của ngành IT, nhất là người quản lý. Cường không nghĩ nhân sự IT sẽ bị mất việc, mọi chuyện chỉ là sự thay đổi tư duy làm việc của cả công ty và xem ChatGPT là kênh phụ trợ cho công việc tốt hơn. Nó chỉ giúp rút ngắn thời gian làm việc cho nhân viên. "Ví dụ trước đó nhân viên làm 1 tuần thì nay nhân viên chỉ cần làm 1 - 2 ngày", Cường chia sẻ.

Cường nói thêm: "Điều này buộc người quản lý, nhân viên phải mở rộng tư duy hơn, không để bản thân bị công nghệ vượt qua. Mọi người đều sẽ biết chuyên môn nhất định một mảng, vì nhân sự có chuyên môn mới nắm được vấn đề cốt lõi và triển khai công việc. Nói ChatGPT thay thế việc của lập trình thì hơi khó".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.