Người trẻ làm nhiều việc để cải thiện thu nhập

13/08/2023 08:00 GMT+7

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, chứng kiến các công ty sa thải, giảm giờ làm, người trẻ đã chọn làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, đảm bảo tài chính ổn định.

LÀM 12 TIẾNG ĐỒNG HỒ MỘT NGÀY

Chị Đ.N.B (29 tuổi, ngụ hẻm 150 Nguyễn Trãi, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) là nhân viên ngành nhà hàng khách sạn với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Cứ mỗi chiều sau giờ làm, chị B. tiếp tục sang một khách sạn gần Phố đi bộ Bùi Viện làm lễ tân ca tối. Công việc này được chị B. duy trì nhiều năm nay vì có thể giúp chị nâng cao thu nhập, có thêm nguồn thu ngoài tiền lương từ công việc chính. Mỗi tháng chị B. giữ lại 5 triệu đồng tiêu xài, số còn lại gửi về quê phụ giúp ba mẹ.

"Bây giờ mọi thứ đắt đỏ, mình còn phải lo cho gia đình, nếu chỉ sống bằng lương 9 triệu đồng/tháng e là không đủ", B. nói và cho biết đợt dịch Covid-19 khiến chị bị mất việc, nên bản thân hiểu khó khăn phải đối mặt khi cuộc sống bấp bênh, không có tiền phòng thân. Do vậy, không chỉ đi làm thêm mà mọi chi tiêu chị đều tiết kiệm nhất có thể, như tự nấu ăn tại nhà, thuê phòng giá rẻ, săn hàng giảm giá...

Còn Nguyễn Mai Lan (23 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vừa tốt nghiệp ĐH đi làm với mức lương 10 triệu đồng/tháng ở vị trí nhân viên marketing. Lan nói so với bạn cùng lớp ĐH, mức lương của cô ổn hơn nhờ kinh nghiệm làm việc từ thời sinh viên.

Người trẻ làm nhiều việc để cải thiện thu nhập - Ảnh 1.

Làm thêm nhiều việc có thể gia tăng áp lực, nhưng bạn trẻ sẵn sàng đối mặt điều đó

Huỳnh Nhi

Tuy nhiên, sau giờ làm, Lan vẫn nhận viết nội dung, thiết kế hình ảnh, đăng bài fanpage vào ban đêm. "Mình dành 2 tiếng rưỡi mỗi ngày để hoàn thành các công việc làm thêm bên ngoài", Lan nói và cho biết sẵn sàng đi làm nhiều việc để đảm bảo tài chính ổn định.

Lan chia sẻ: "Mình là dân ngoại tỉnh đến TP.HCM làm việc, sống xa gia đình thì nên có tiền tiết kiệm, tự chủ kinh tế vẫn tốt hơn. Chưa kể mình còn về thăm nhà, mua quà cho ba mẹ và tiền đi lại, vé máy bay vào mỗi dịp lễ tết. Nếu chỉ làm một công việc sẽ không dư dả gì".

Không riêng gì B. và Lan, nhiều người trẻ khác cũng đang có công việc bán thời gian hoặc toàn thời gian bên cạnh công việc chính để nâng cao thu nhập, đảm bảo chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Trong nghiên cứu công bố vào tháng 5.2023 của Công ty kiểm toán quốc tế Deloitte, khảo sát hơn 22.000 người thuộc gen Z và gen Y trên 44 quốc gia cho thấy hơn một nửa gen Z (51%) và gen Y (52%) đang sống bằng lương từ nhiều công việc khác nhau, như: bán hàng trực tuyến, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, giao đồ ăn…

Người trẻ làm nhiều việc để cải thiện thu nhập - Ảnh 2.

Làm thêm nhiều việc có thể gia tăng áp lực, nhưng bạn trẻ sẵn sàng đối mặt điều đó

Huỳnh Nhi

HỌC THÊM KỸ NĂNG ĐỂ CÁNG ĐÁNG NHIỀU CÔNG VIỆC

Trao đổi với người viết, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, phân tích có nhiều lý do khiến người trẻ làm nhiều việc để mưu sinh. Có thể kể đến việc các công ty chuyển hướng thuê dịch vụ bên ngoài, cắt giảm nhân sự full time (toàn thời gian) dẫn tới phúc lợi của người lao động giảm; sự can thiệp của máy móc, trí tuệ nhân tạo giúp tiết kiệm thời gian, còn người lao động phải giảm giờ làm, giảm tiền công…

"Trước đây có những công việc được trả lương hậu hĩnh thì hiện nay số hóa đã hỗ trợ rất nhiều, tiền lương giảm và nhiều người phải làm thêm các công việc khác để trang trải chi phí sinh hoạt", PGS-TS Lộc nói và cho biết nhiều người trẻ đã thích nghi với khuynh hướng đó, họ sẵn sàng học thêm kỹ năng để cáng đáng nhiều công việc.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (28 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ sau khi chứng kiến nhiều người bị giảm giờ làm, cắt giảm công việc trong thời gian qua, chị thấy mình phải cố gắng làm việc chăm chỉ và trau dồi nhiều kỹ năng hơn.

Đến nay, chị Trinh tự tin có thể làm nhiều việc khác nhau liên quan dịch vụ bán hàng, như: giao dịch viên ngân hàng, nhân viên tín dụng, tư vấn bảo hiểm, môi giới chứng khoán, lễ tân, chăm sóc khách hàng, tư vấn tuyển sinh…

Tuy nhiên, làm nhiều việc cũng khiến người trẻ căng thẳng, đuối sức, hay không có các khoản bảo hiểm nghề nghiệp ở công việc phụ.

Chị Đ.N.B thừa nhận quản lý ở khách sạn không thích nhân viên làm thêm ngoài giờ ở nơi khác vì lo ngại nhân viên không đủ sức làm việc. Có hôm vì gánh hai việc, chị B. về nhà thì đã khuya, rồi lọ mọ giặt đồ, chuẩn bị nấu ăn cho hôm sau nên gần 2 giờ mới được đi ngủ. "Nhiều lúc đuối sức, muốn bỏ cuộc giữa chừng nhưng còn gia đình phía sau nên phải ráng", chị B. bày tỏ.

Còn Mai Lan cũng cho biết một số công việc làm thêm bên ngoài sẽ có hợp đồng làm việc rõ ràng, tuy nhiên cũng có những việc chỉ thỏa thuận qua tin nhắn, gọi điện thoại. Vì vậy, cô từng bị người khác quỵt tiền lương mà không làm gì được.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nhận định: "Nếu làm dịch vụ mà chỉ có tiền lương, ngoài ra không có một khoản bảo hiểm rủi ro về mặt nghề nghiệp sẽ dẫn đến tính liên kết xã hội lỏng lẻo, quyền lợi người lao động không đảm bảo và tính bấp bênh cao hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.