Về thôn Xuân Thạnh, nhắc đến chuyện thanh niên làm kinh tế giỏi, ai cũng trầm trồ, thán phục anh Phan Thanh Lịch. Dù mới 31 tuổi nhưng mỗi năm anh Lịch thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng từ nghề nuôi tôm. Hiện anh Lịch đang sở hữu 6 ao nuôi tôm, rộng 7.200 m2. “Mỗi năm tôi nuôi 3 vụ tôm. Trung bình mỗi vụ thả khoảng 120.000 con tôm giống và sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn tôm”, anh Lịch cho biết.
|
Anh Lịch cũng từng đi bạn (làm thuê) cho các tàu cá nhưng được vài năm thì quyết định ở nhà nuôi tôm. Năm 2005, được gia đình hỗ trợ vốn, anh Lịch đầu tư xây dựng 2 hồ nuôi tôm (khoảng 2.400 m2). Sau khi lập gia đình (năm 2008), anh Lịch mở rộng diện tích nuôi tôm thêm 4 hồ nữa. Dù nghề nuôi tôm gặp khó khăn, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều nhưng vợ chồng anh vẫn có thu nhập cao nhờ nuôi tôm vụ đông.
“Vụ đông tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng do có mưa thường xuyên nên môi trường hồ nuôi sạch, ít dịch bệnh. Dù trời lạnh con tôm lớn chậm nhưng bù lại giá bán tôm cao hơn, nhất là vào dịp trước và sau tết âm lịch”, anh Lịch nói.
Anh Hồ Hoàng Tung, Bí thư đoàn xã Mỹ An, cho biết: “Anh Lịch là người năng nổ, nhiệt tình chỉ bảo cho nhiều thanh niên cách làm kinh tế, tránh xa các tệ nạn… nên tình hình trật tự địa phương cũng được ổn định hơn”.
Khởi nghiệp từ năm 1998 với một hồ nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng đến năm 2003, anh Phan Văn Thánh (27 tuổi, thôn Xuân Bình) sở hữu đến 6 hồ nuôi tôm (mỗi hồ rộng 2.000 m2). Trung bình mỗi năm anh Thánh thu lãi gần 200 triệu đồng từ tiền nuôi tôm. Anh Thánh cho biết: “Bà con ở đây nuôi tôm nhiều dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nhưng lại thiếu kỹ thuật, tiến bộ khoa học nên nguy cơ thất bại cao. Nếu có người hướng dẫn về kỹ thuật nuôi tôm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương thì ai cũng làm theo”.
Theo anh Hồ Hoàng Tung, xã Mỹ An có hơn 45 thanh niên làm kinh tế gia đình giỏi, thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Những thanh niên đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình ở Mỹ An có anh Phạm Khắc Phát (28 tuổi, thôn Xuân Thạnh Nam) làm nghề nuôi tôm, nuôi gà; anh Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi, thôn Xuân Thạnh) nuôi gà, sửa xe máy; anh Trương Minh Khương (27 tuổi, thôn Xuân Thạnh) nuôi tôm…
“Xã Mỹ An nằm ven biển, có điều kiện thuận lợi về chế biến và nuôi trồng thủy sản nhưng thanh niên lại thiếu vốn và kỹ thuật nên việc phát triển kinh tế còn gặp khó khăn, hạn chế. Hiện cả xã mới chỉ có 1 tổ vay vốn thanh niên ở thôn Xuân Thạnh Nam, nhiều thanh niên ở thôn khác có nhu cầu nhưng không vay được vốn để làm ăn”, anh Tung nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Phó bí thư Huyện đoàn Phù Mỹ, cho biết Phong trào thanh niên phát triển kinh tế gia đình ở xã Mỹ An là mạnh nhất trong số các xã ven biển trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế do thanh niên không có tài sản để thế chấp. Mong các cấp tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thuận lợi hơn để thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất. |
Hoàng Trọng
>> Làm giàu từ thất bại của cha
>> Làm giàu từ nuôi cá kiểng
>> Làm giàu ở vùng biên
>> Làm giàu từ sầu riêng nghịch vụ
>> Làm giàu từ nuôi chim bồ câu
Bình luận (0)