Người trẻ mắc bệnh… người già: Mất ngủ triền miên, lúc nhớ lúc quên

Thảo Phương
Thảo Phương
09/06/2023 06:22 GMT+7

Mới qua 20 tuổi nhưng đầu óc nhớ nhớ quên quên, đêm đến lại trằn trọc mất ngủ triền miên, đó là tình trạng của không ít người trẻ. Liệu đây có phải là hậu quả của lối sống thiếu khoa học một bộ phận giới trẻ hiện nay?

Chưa già mà đã… lẫn

Tự nhận mình là "não cá vàng", Lê Thị Cẩm Tú (22 tuổi, trọ tại P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cho biết vì tật hay quên nên cô nàng gen Z này gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Tú kể: "Cách đây vài ngày mình quên tắt chìa khóa xe, để vậy tới sáng dậy đi học mới phát hiện ra. Hậu quả là xe hết bình, đề không nổ. Có hôm đi dạy thêm xong thì bỏ quên chìa khóa trên lầu, xuống tới xe mới nhớ; đi tới đâu mà cần có thẻ giữ xe, đến lúc ra về lại không nhớ mình bỏ đâu. Nhiều lúc đi ra ngoài thì quên mang tiền mặt, nhiều khi mua đồ có mấy nghìn mà xin chuyển khoản cũng ngại nên không mua, chán lắm".

Người trẻ mắc bệnh… người già: Mất ngủ triền miên, lúc nhớ lúc quên   - Ảnh 1.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh, tại phòng khám chuyên về bệnh Nội thần kinh, giới trẻ đi khám vì đau đầu, chóng mặt chiếm khoảng 20 - 30% tổng số người bệnh và đa số đều có vấn đề về giấc ngủ

Thảo Phương

Tú cho biết tình trạng hay quên xuất hiện từ khi cô bắt đầu vào học lớp 10, hiện tại tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều hơn và xảy ra rất thường xuyên khiến Tú không khỏi lo lắng. "Mới 22 tuổi mà đã như vậy rồi, mình sợ sau này đầu óc lú lẫn sẽ chẳng còn nhớ nổi cái gì luôn mất", Tú nói.

Cũng hay quên những thứ lặt vặt, Huỳnh Văn Khanh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kể: "Mình hay nhớ nhầm lịch học, quên deadline. Những món đồ lặt vặt như thẻ ký túc xá, chìa khóa xe nhiều lúc để đâu không nhớ nên mỗi lần cần là tìm muốn quạu luôn. Đồ ăn mua về có khi quên, không ăn để tới hết hạn. Vô tri nhất là những lúc có việc ra ngoài cứ đi khắp phòng tìm mắt kính nhưng thật ra nó đã được đeo trên mắt mình rồi".

Không chỉ hay quên mà nhiều gen Z còn thường xuyên rơi vào trạng thái trằn trọc, khó ngủ. Vy Thị Thanh (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: "Có nhiều khi đau đầu, mắt rất mỏi nhưng mình cứ nằm trằn trọc lăn qua lăn lại cả tiếng đồng hồ cũng không thể ngủ được. Có hôm nằm đến 2 hay 3 giờ sáng vẫn không thấy buồn ngủ".

Thanh cho biết tình trạng mất ngủ này xuất hiện từ sau khi bị Covid-19. Mặc dù mất ngủ triền miên nhưng Thanh không dám đi khám. "Vì mất ngủ nhiều nên mình nhận ra trí nhớ của mình không còn tốt như trước, hay quên những thứ lặt vặt. Học bài rất khó thuộc mặc dù trước kia mình học và nhớ bài rất nhanh, bây giờ học trước quên sau, học đi học lại nhiều lần nhưng vẫn cứ quên. Chưa kể vì ngủ trễ nên thức dậy muộn, do đó mình hay bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ dẫn đến bị dạ dày, chỉ cần ăn đồ cay một chút thôi là đau bụng quằn quại, mắt thì thâm quần", Thanh chia sẻ.

Người trẻ mắc bệnh… người già: Mất ngủ triền miên, lúc nhớ lúc quên   - Ảnh 2.

Lối sống thiếu khoa học khiến người trẻ rơi vào tình trạng mất ngủ và ảnh hưởng đến trí nhớ

Vì sao còn trẻ mà mất ngủ, hay quên ?

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Hữu Khánh, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM), hiện nay, tại phòng khám chuyên về bệnh Nội thần kinh, giới trẻ đi khám vì đau đầu, chóng mặt chiếm khoảng 20 - 30% tổng số người bệnh. Đa số những người trẻ bị tình trạng ấy vốn đang có vấn đề với giấc ngủ: ngủ không sâu, khó vào giấc ngủ, tự dưng ngủ bị dậy sớm, hoặc do thiếu ngủ.

Lý giải cho câu hỏi vì sao ngày càng có nhiều người trẻ bị mất ngủ, hay quên, bác sĩ Khánh cho biết cần phân biệt được mất ngủ và thiếu ngủ. Mất ngủ là tình trạng người bệnh muốn vào giấc ngủ nhưng không ngủ được, hoặc ngủ không sâu giấc, còn thiếu ngủ là tự bản thân muốn thức khuya, muốn làm việc dù đó là giờ đi ngủ.

"Theo kinh nghiệm bản thân khi hỏi bệnh, hầu hết các bạn trẻ đều thức khuya để giải trí, như xem phim, chơi game, lướt mạng xã hội... một số bạn thì làm việc khuya để hoàn thành hạn chót công việc, số ít khác là do vấn đề tình cảm khiến họ suy nghĩ, buồn rầu mãi thành ra ảnh hưởng giấc ngủ, lâu dần mất ngủ", bác sĩ Khánh phân tích.

Cũng theo bác sĩ Khánh, mất ngủ sẽ dẫn đến triệu chứng hay quên: "Giấc ngủ rất quan trọng trong việc lưu trữ thông tin và hình thành trí nhớ. Thế nên mất ngủ sẽ làm cho bạn bị giảm trí nhớ. Vì bộ não không có đủ thời gian để củng cố các thông tin bạn vừa học được. Ngoài ra chúng còn có các tác động tiềm ẩn khác bao gồm khó tập trung, giảm kỹ năng ra quyết định và kiểm soát hành vi - cảm xúc kém…".

Nói thêm về hậu quả mà tình trạng mất ngủ gây ra, bác sĩ Khánh cho biết mất ngủ triền miên sẽ khiến mệt mỏi đến mức kiệt sức, đồng nghĩa rằng chúng ta ít có khả năng hoạt động tốt. Hậu quả là các tế bào thần kinh không hoạt động tối ưu, cơ bắp phải làm việc liên tục và các hệ cơ quan trong cơ thể không được đồng bộ, cơ thể uể oải, thiếu sức sống. Giấc ngủ kém chất lượng và thiếu ngủ cũng tác động tiêu cực đến tâm trạng, gây hậu quả xấu cho việc học tập. Những thay đổi trong tâm trạng ảnh hưởng đến khả năng thu nhận thông tin mới và sau đó ghi nhớ thông tin.

Do đó, bác sĩ Khánh khuyên mỗi ngày dành ra 20 - 30 phút tập thể dục và tập trước giờ ngủ 5 - 6 tiếng, tránh tập trước khi ngủ vì đẩy nhịp tim cao, tăng hormone serotonin làm tỉnh táo hơn. Không uống cà phê, trà và nước tăng lực vào buổi chiều, tối, chúng sẽ khiến bạn khó ngủ. Tránh uống rượu trước khi ngủ vì có thể làm giấc ngủ bị gián đoạn. Trước khi ngủ một tiếng, nên ngừng sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ti vi. Thay vào đó, các hoạt động thư giãn như tắm nước ấm, hít thở, thiền định, nghe nhạc hay đọc sách sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Tạo môi trường ngủ dễ chịu, phòng nên tối, không gian yên tĩnh. Đi ngủ vào cùng giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng giờ mỗi buổi sáng sẽ giúp cơ thể xây dựng thói quen ngủ đều đặn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.