Người trẻ mắc 'bệnh' sợ đi làm, sao lại lạ như thế?

Thái Thanh
Thái Thanh
24/05/2024 04:47 GMT+7

Mỗi sáng thức dậy không có động lực đến văn phòng, ám ảnh với tiếng chuông thông báo của điện thoại hay cảm thấy áp lực từ con người và môi trường làm việc… Đó là tình trạng chung của những ai đang mắc phải “căn bệnh” sợ đi làm.

Người viết thực hiện một khảo sát nhỏ với khoảng 15 - 20 nhân viên văn phòng trong độ tuổi từ 22 - 35, phần lớn đều chia sẻ rằng họ đã từng trải qua khoảng thời gian sợ đi làm, muốn ngắt kết nối với công việc, đồng nghiệp và sếp hoàn toàn.

Nhìn chung, nguyên nhân đến từ việc họ đã làm một công việc, một vị trí nào đó quá lâu nên sinh ra cảm giác nhàm chán hay thường xuyên tăng ca, thậm chí là sống trong một môi trường công sở "độc hại".

Công việc "ngon" nhưng vẫn sợ đi làm

Chị Võ Thị Hồng Hoa (24 tuổi, TP.HCM) từ sau khi ra trường đến nay đã "nhảy việc" liên tục 3 lần. Chị chia sẻ, với tấm bằng cử nhân loại giỏi và vốn kinh nghiệm kha khá đã tích lũy từ khi còn là sinh viên, chị may mắn tìm được những công việc có mức lương tốt. Dù vậy, chị vẫn rất sợ đi làm, không bám trụ được với công ty nào quá 5 tháng.

"Có những ngày, tôi sợ đi làm đến mức chỉ mong mình bị bệnh hay gặp trục trặc gì đó để có cớ xin nghỉ. Đến công ty, tôi không có năng lượng để trò chuyện với ai, nhìn xung quanh 4 bức tường, tiếng gõ phím liên tục, tôi thấy sợ hãi. Thậm chí đêm về, khi vừa chợp mắt, chỉ cần nghe tiếng thông báo từ Zalo là tôi giật thót tim", chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa cũng kể thêm, từ thứ 2 đến thứ 7, sáng nào chị cũng cảm thấy đau bụng, khó chịu. Nhưng đến chủ nhật khi được nghỉ làm, chị lại thấy khỏe và không xuất hiện cơn đau. Khi đi khám, bác sĩ giải thích với chị rằng cơn đau bụng quặn thắt có thể xuất hiện khi chị bị áp lực, căng thẳng tinh thần quá lớn.

Tuy nhận được mức lương cao, chế độ đãi ngộ và phúc lợi mà nhiều bạn mới ra trường ao ước, chị Hoa vẫn không thấy vui vẻ, hứng khởi với công việc. Hiện nay, chị chọn cách làm freelancer (làm việc tự do) tạm thời để duy trì đời sống kinh tế và tìm giải pháp tốt nhất cho bản thân mình.

Quay về kết nối với bản thân

Theo anh Nguyễn Ngọc Hoàng (27 tuổi, ở TP.HCM), nguyên nhân chính dẫn đến việc sợ đi làm là vì chúng ta đang mất kết nối với bản thân. Nỗi sợ đi làm thường xảy đến với các bạn mới ra trường hoặc với những người đã làm một công việc cố định trong suốt một khoảng thời gian rất dài.

Người trẻ mắc 'bệnh' sợ đi làm, sao lại lạ như thế?- Ảnh 1.

Nỗi sợ đi làm thường bắt nguồn từ việc không biết bản thân mình muốn gì, cần gì

NGUỒN ẢNH: PEXELS

Trước đây, anh Hoàng từng làm việc tại một văn phòng công chứng ở TP.Huế. Sau 2 năm, anh bắt đầu thấy mình có những dấu hiệu sợ đi làm: chán nản, mất tập trung, đau đầu khi đến văn phòng… nên anh đã quyết định chuyển vào TP.HCM để lập nghiệp.

"Lúc đó tôi cũng trải qua cảm giác sợ đi làm, sợ tiếng chuông báo thức mỗi sáng. Sau này, tôi nhận ra nỗi sợ đi làm đến từ việc tôi chưa hiểu rõ bản thân mình thật sự muốn gì, cần gì mà chỉ gắng gượng đi làm qua ngày, đợi tới lúc nhận lương. Tôi thấy mình khi ấy chẳng khác gì một con robot", anh Hoàng nói.

Theo trải nghiệm của anh Hoàng, để thoát khỏi nỗi sợ đi làm, trước hết phải ngồi lại, lắng nghe bản thân nhiều hơn. Chúng ta dành hơn nửa đời để gắn bó với công việc nên phải làm việc với tâm thế vui vẻ, hạnh phúc. Hoặc tìm cho mình một môi trường làm việc mới phù hợp hơn, bớt để tâm tới những điều không đáng.

"Làm việc từ xa hay hybrid (phương pháp cho phép nhân viên làm việc tại nhà kết hợp lên văn phòng vào một số ngày nhất định) là những lợi thế mà chúng ta có trong thời hiện đại. Nếu có thể, chúng ta hoàn toàn có thể tìm cho mình những công việc, công ty như thế. Đó cũng là một cách để thoát khỏi nỗi sợ đi làm, được phép linh hoạt về giờ giấc, nơi chốn làm việc…", anh Hoàng cho hay.

Đừng nhầm lẫn sợ đi làm với sự lười biếng

"Bản thân tôi cũng từng lấy lý do sợ đi làm để bào chữa cho sự lười biếng của mình. Lười biếng, không muốn làm mà vẫn muốn có tiền, có cuộc sống thoải mái là một chuyện khác, không thể đánh đồng với nỗi sợ đi làm. Nếu bản thân mình đã nhận diện được vấn đề của mình rồi thì cần tìm cách để sớm khắc phục", chị Trần Thanh Mai (25 tuổi, TP.Hà Nội) - một nhân viên chăm sóc khách hàng chia sẻ.

Chị Mai nói thêm, nhằm hạn chế điều này, chị thường lên kế hoạch cụ thể để cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. 

"Lâu lâu, tôi cũng sắp xếp thời gian để đi chữa lành: du lịch, về quê thăm ba mẹ, nạp năng lượng rồi tiếp tục chiến đấu. Hoặc nếu thấy công việc không còn phù hợp, tôi sẽ mạnh dạn tìm cho mình những cơ hội mới để thử sức", chị Mai nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.