Những năm gần đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam đến Nhật Bản học tập, thực tập và làm việc. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ bỡ ngỡ nên gặp nhiều trở ngại trong thời gian đầu. Để giúp người trẻ nhanh chóng hoà nhập với môi trường làm việc, những bạn trẻ đi trước, những người đang sinh sống, làm việc lâu năm tại Nhật Bản sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết của bản thân.
Anh Lê Đức Nhân (30 tuổi), đang làm việc tại một khách sạn ở Khu du lịch suối nước nóng Kusatsu, tỉnh Gunma, và cũng từng đi du lịch vòng quanh Nhật Bản. Anh Nhân chia sẻ điều tiên quyết khi làm việc tại các công ty Nhật Bản là phải chú ý giờ giấc làm việc, chỉ đi làm sớm hoặc đúng giờ, không được đi trễ.
Thứ hai theo anh Nhân là thái độ làm việc, anh Nhân kể: "Có khách hàng từng nói với mình sẽ quay lại khách sạn nơi mình làm việc nhiều lần nữa, không phải vì cơ sở vật chất hay tiện ích của khách sạn, mà là thái độ phục vụ của nhân viên nơi đây. Ở Nhật, có một từ gọi là Egao, nghĩa là khuôn mặt tươi cười, gần như đây là thứ bất kỳ nhân viên nào cũng cần trang bị cho mình, đặc biệt trong ngành dịch vụ".
Anh Nhân cũng chỉ ra: "Người Nhật coi trọng tinh thần tập thể. Khi mới vào làm việc, tôi được học cách tin tưởng vào đồng đội dù chưa hề quen biết nhau, nhằm nâng cao tinh thần làm việc tập thể trong công ty. Người Nhật quan niệm một công ty phát triển thì cần nhân viên tốt và họ phải biết hỗ trợ nhau để cùng làm việc".
Điều này Nguyễn Đình Trí (28 tuổi), kỹ sư cơ khí làm việc tại tỉnh Nagano, Nhật Bản, cũng đồng tình. Theo Trí, trong môi trường làm việc tập thể, các bạn nên vui vẻ, hoà đồng và cởi mở với đồng nghiệp.
"Mình khuyên người trẻ nên trung thực, ngay thẳng, không tính chuyện làm lợi cho bản thân để ảnh hưởng tới công ty. Thay vì mua con ốc 1 đồng, bạn khai báo 1,1 đồng để hưởng chênh lệch thì đó là điều cấm tuyệt đối", Trí nói và cho biết thêm mỗi người cần chu toàn công việc, làm đúng bổn phận của mình. Nếu có thể hãy giúp đỡ người khác, tuy nhiên đừng quá ôm đồm công việc.
Trần Thanh Duy (27 tuổi), làm việc trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm tại tỉnh Gunma (Nhật Bản) gần 4 năm, cho biết người Nhật có cách sống vì lợi ích chung khá khuôn khổ. Duy ví dụ trong công ty mình làm việc, nếu bị bệnh, họ sẽ cố gắng đi làm thay vì xin nghỉ, bởi họ hiểu nếu ở nhà thì không ai thay thế và làm giúp họ được, sẽ ảnh hưởng đến công ty. Duy cũng thấy rằng những bạn thực tập sinh mới đến Nhật Bản nên tuân thủ yêu cầu của cấp trên thay vì tranh luận.
“Dù phương án họ đưa ra tốn thời gian, nhân lực hay như thế nào đó thì mình cũng nên làm theo, vì họ sẽ chịu trách nhiệm chính. Mình không được tỏ thái độ hay tranh cãi”, Duy nói và cho biết người Nhật Bản coi trọng sự trung thực, thành thật. Nếu lỡ làm sai, bạn nên chủ động nhận lỗi, không giấu giếm.
Do làm việc trong ngành dịch vụ nên anh Lê Đức Nhân tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, có người dễ tính và khó tính, điều quan trọng là nhân viên phải biết làm chủ cảm xúc bản thân. "Nhiều khi mình không làm gì cả mà khách vẫn khó chịu, nhưng mình vẫn phải phục vụ họ tốt nhất có thể", Nhân nói và cho biết bạn trẻ phải luôn trau dồi kỹ năng chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ các "tiền bối" để giải quyết công việc và những tình huống bất ngờ.
Cũng theo anh Nhân, trong môi trường làm việc tại nhà hàng khách sạn, khi một vấn đề nào đó xảy ra, nếu mình là người phục vụ khách thì việc đầu tiên là đứng ra chịu trách nhiệm. Sau đó trao đổi với tiền bối có kinh nghiệm hoặc nhân viên có chức vụ lớn hơn để giải quyết. Việc quan trọng là làm khách hàng hài lòng trước, sau đó giải quyết nội bộ sau, đưa ra phương án để hạn chế tối đa vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
Bình luận (0)