Người trẻ phải phản vệ với bẫy lừa

14/05/2023 06:17 GMT+7

Trong chuỗi tình tiết được các sinh viên dính bẫy lừa kinh doanh đa cấp bất chính của Vinalink Group kể lại, có thể nhận ra những khoảng trống trong nhận thức và kỹ năng của sinh viên mà trường ĐH, CĐ phải để tâm nhiều hơn.

Sao bước vào ĐH rồi mà hiểu biết về kiếm tiền, về khởi nghiệp, về làm giàu lại ngô nghê đến mức lạ thường, nên mới dễ dàng bị dụ dỗ bỏ ra cỡ chục triệu đồng thì có thể "một bước lên trời", chạm tay vào công danh phú quý?

Sao đủ tuổi trưởng thành rồi mà dễ dàng để những kẻ khác kèm cặp tâm lý, khống chế hành vi, "tẩy não" nhận thức đến nỗi không dám chia sẻ nỗi nghi ngờ của mình với người khác để được hỗ trợ?

Chẳng lẽ những gì được học ở nhà trường phổ thông và ĐH không đủ để các bạn trẻ này nhận ra rằng những lời lẽ đầy quyến rũ như "làm ăn không cần kinh nghiệm, không cần vốn, không lo rủi ro, không sợ cạnh tranh, không sợ thất bại, không làm cũng có ăn" là đầy rẫy mâu thuẫn và phi lý đến mức hoang tưởng?

Thậm chí có trường hợp còn bị ép nghỉ học, bị chỉ vẽ cách để bòn rút tiền của cha mẹ ném vào kinh doanh đa cấp bất chính.

Nhưng chúng ta sẽ định nói về những chuyện thế này bao nhiêu lần nữa? Và nên làm gì có ý nghĩa hơn những câu hỏi, những câu cảm thán?

Trong thời buổi mà chiêu thức lừa đảo nói chung, bao gồm lừa kinh doanh đa cấp, bủa vây sự non nớt của các bạn trẻ thì thực tế nhất là tìm cách huấn luyện sinh viên nhận biết và ứng phó với chúng.

Trước tiên là huấn luyện nhận biết các dấu hiệu nghi vấn kinh doanh đa cấp biến tướng dựa trên một bộ sưu tập các mỹ từ về thành công và làm giàu. Đường thành công, sự nghiệp làm giàu không trải đầy mỹ từ như thế, mà chỉ có mồ hôi công sức, kiệt lực của trí tuệ và cả nước mắt thăng trầm.

Thứ hai là huấn luyện phản ứng tự vệ của người nhận ra dấu hiệu bị lừa kinh doanh đa cấp, cách thức "cắt đuôi" ngay lập tức đối với kẻ lừa. Và cách thức báo tin để được nhận trợ giúp, tránh sa vào bẫy tâm lý xấu hổ không dám nói ra khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.

Những việc như vậy cần trở thành một phần cơ bản trong nội dung giáo dục định hướng đầu khóa cho sinh viên. Đừng định hướng đầu khóa chung chung nữa, mà nên xây dựng những chủ đề huấn luyện thật thực tế, như chủ đề "Sinh viên đi làm thêm và các bẫy lừa đảo". Huấn luyện chống bị móc túi, chống bị quấy rối khi đi xe buýt. Huấn luyện cách đọc và thẩm định tin tức, nhận biết tin giả. Huấn luyện ứng phó bẫy kinh doanh đa cấp.

Cũng đừng nên ngại việc thông báo chính thức đến cộng đồng sinh viên về trường hợp bị dính bẫy kinh doanh đa cấp sao cho vừa tôn trọng sự riêng tư của sinh viên nhưng cũng cảnh báo kịp thời đến sinh viên để họ nâng cao cảnh giác và rút kinh nghiệm thông qua sai lầm của người khác. Các liều thuốc "đề kháng" cần được "tiêm chủng" đủ rộng để đạt được "miễn dịch cộng đồng". Nghĩa là việc phổ biến rộng rãi bài học kinh nghiệm rút ra từ một ca mắc sai lầm nào đó có thể có giá trị như những liều thuốc đề kháng trong khi vẫn tha thiết chờ những phương thuốc điều trị đủ hiệu lực từ các cơ quan chức năng của chính quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.