Thành tích đầy nghịch lý

13/05/2023 06:08 GMT+7

Chỉ còn 2 ngày nữa, ngày 15.5 sẽ đến hạn để các nhà mạng thu hồi số những thuê bao điện thoại di động đã bị khóa 2 chiều do chưa đăng ký chuẩn hóa thông tin.

Theo các dự báo mới đây, có thể hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu thuê bao điện thoại di động sẽ bị thu hồi số.

Như thế, chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao ĐTDĐ đã đạt kết quả dẹp bỏ hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu SIM "rác". Nhìn vào kết quả này, có thể nói nỗ lực trên đạt được thành tích. Thêm vào đó, trước khi tiến hành, chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao ĐTDĐ từng được xem là "đòn chí mạng" để giải quyết cuộc gọi "rác".

Thế nhưng, dù đạt thành tích như vậy, nhưng có một thực tế khác mà Báo Thanh Niên liên tục phản ánh gần đây là: cuộc gọi "rác" vẫn hoành hành gây phiền toái và cả ẩn chứa rủi ro lừa đảo mà nhiều người phải đối mặt.

Vậy thì một nghịch lý được đặt ra: SIM "rác" đã bị dẹp bỏ, sao còn cuộc gọi "rác"?

Đơn vị nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm cho nghịch lý này, chịu trách nhiệm cho những cam kết trước đây? Hay ngoài SIM "rác" thì vẫn còn nhiều phương tiện khác để thực hiện các cuộc gọi "rác" mà lâu nay nhà mạng, lẫn cơ quan quản lý chưa biết đến hoặc không thể kiểm soát?

Và khi những câu hỏi trên không được trả lời thì rõ ràng rằng số đông người dân sẽ chịu thiệt khi tiếp tục "sống chung với lũ" giữa tình trạng cuộc gọi "rác" vẫn không hề suy suyển bất chấp "đòn chí mạng" trên.

Trong khi đó, thực tế thì ngay từ trước khi tiến hành chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao ĐTDĐ, Báo Thanh Niên cùng nhiều cơ quan truyền thông đã lên tiếng cảnh báo sẽ khó dẹp hiệu quả cuộc gọi "rác" ngay cả khi thu hồi số của những thuê bao không chuẩn hóa thông tin. Bởi đây không phải là lần đầu tiên các nhà mạng áp dụng biện pháp này. Nhiều năm trước, nhiều người cũng đã phải "rồng rắn xếp hàng" để đăng ký thông tin, rồi các nhà mạng cũng báo cáo thành tích "dẹp loạn" SIM "rác" nhưng kết quả sau cùng thì đâu vẫn hoàn đấy, người dân tiếp tục "chịu trận". Đó còn là vì một nguyên nhân khác - biết rồi khổ lắm nói mãi - là trách nhiệm của nhà mạng về phân phối và kiểm soát SIM trả tiền trước.

Thực tế, hầu hết SIM "rác" được dùng để thực hiện cuộc gọi "rác" nhằm quảng cáo, lừa đảo đều là loại SIM trả tiền trước. Đối tượng này cũng sử dụng hết hạn mức gọi, nhắn tin của SIM rất nhanh, thậm chí chỉ 1 - 2 ngày là dùng hết tài khoản, nên khi đến lúc nhà mạng càn quét, yêu cầu cập nhật thông tin thì những SIM này cũng đã hết giá trị.

Chính vì thế, một lần nữa có thể khẳng định rằng nếu không buộc chặt trách nhiệm của nhà mạng với những biện pháp nghiêm khắc cụ thể, thì những chiến dịch dẹp SIM "rác" sẽ mãi chỉ có thành tích trên giấy mà không thể giải quyết triệt để cuộc gọi "rác", lừa đảo qua ĐTDĐ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.