Người trẻ tái hiện diện mạo nghìn năm thư pháp Việt

16/01/2017 07:09 GMT+7

Nguyễn Sử, một nhà nghiên cứu chỉ mới 31 tuổi, vừa hoàn thành công trình khảo cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thư pháp VN. Lần đầu tiên, diện mạo lịch sử nghìn năm của thư pháp Việt được xác lập và tái hiện, khỏa lấp những khuyết trống trong lịch sử.

Nguyễn Sử tốt nghiệp Đại học Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc), hiện công tác tại Phòng Nghiên cứu Phật giáo - Viện Nghiên cứu tôn giáo (VN). Lịch sử thư pháp Việt Nam là công trình nghiên cứu độc lập của anh. Trong suốt 4 năm, Nguyễn Sử đã tiến hành khảo cứu các sử liệu bàn về thư pháp của VN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời khảo sát và đối chiếu hệ thống các tác phẩm thư pháp VN theo chiều dài lịch sử hiện còn lưu giữ trong các đền chùa, bia đá, vách núi, trong hang động và trên giấy. Tái hiện lịch sử thư pháp Việt không chỉ để nhìn rõ về lịch sử phong cách chữ viết của người Việt, mà còn là cách xác lập lịch sử nghệ thuật VN với những tác gia cụ thể. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã nhận xét đây là công trình “nhạy bén, kỹ lưỡng, thách thức các nhà nghiên cứu đầu bạc vò đầu bứt tai, mà chưa viết ra được chữ nào”.
Kết quả khảo cứu của Nguyễn Sử sẽ được công bố rộng rãi qua cuốn sách Lịch sử thư pháp Việt Nam do Công ty Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành, ra mắt độc giả vào ngày 16.1.
Thưa anh Sử, thư pháp Việt được khởi nguồn từ đâu? So với nghệ thuật thư pháp của các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, thư pháp Việt có những điểm tương đồng và khác biệt như thế nào?
Khởi nguồn của văn tự chữ Hán cũng là khởi nguồn của nghệ thuật thư pháp. Các loại hình nghệ thuật luôn có ngôn ngữ chung, nghệ thuật thư pháp cũng như vậy. Vì thế, VN và các dân tộc khác có nhiều phong cách học tập lẫn nhau, tuy nhiên mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, người VN thích phép tắc chữ nghĩa phải vuông vức, nghiêm cẩn “văn dai như chão, chữ vuông như hòm”. Ngoài ra, có thời điểm VN tự tách mình ra và xây dựng nên phong cách chữ viết riêng. Đó là giai đoạn từ năm 1468 - 1714, đánh dấu sự kiện vua Lê Thánh Tông cải cách phong cách chữ viết quan phương, kể từ đây các tác phẩm thư pháp được viết bằng lối chữ hoa áp. Lối chữ đặc trưng của người VN này đã thống lĩnh thư đàn trong nước suốt hơn 250 năm.
Trong lịch sử, giai đoạn nào thư pháp phát triển cực thịnh? Những yếu tố nào đã tạo nên điều đó?
Về phương diện chất lượng nghệ thuật, thư pháp Việt phát triển cực thịnh dưới triều đại Lý - Trần. Trong giai đoạn này, đất nước tự chủ, ổn định về mặt chính trị, kinh tế phát triển, đặc biệt sự giao lưu trong nước và ngoài nước được đẩy mạnh. Đó là những yếu tố khiến văn hóa, nghệ thuật phát triển rực rỡ, thư pháp cũng không nằm ngoài. Mặc dù những dấu tích còn lại chỉ là những mảnh vụn nhưng đủ để cho thấy trình độ thư pháp ở giai đoạn này được đẩy lên rất cao.
Ở thời Lý, Phật giáo là một yếu tố không thể bỏ qua với sự đóng góp trên nhiều khía cạnh của các nhà tu hành, nhiều người nổi tiếng với nghệ thuật thư pháp như thiền sư Bảo Giám, tăng thống Huệ Sinh. Nếu như dưới thời Lý, các thư gia đa số là những người có địa vị cao trong triều đình, có thân phận quý tộc, thì tới thời Trần thư pháp không còn là thú chơi dành riêng cho số ít những người như hoàng đế, đại thần mà lan tỏa ra nhiều thành phần trong xã hội. Trong giai đoạn này, đã xuất hiện nhiều thư pháp gia với trình độ thượng thừa không thua kém bất cứ tác gia nào cùng thời kỳ, cùng khu vực, thậm chí tên tuổi vang danh ở các nước lân bang: Phạm Hàm, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nghệ Tông, Nguyễn Đình Giới, Nguyễn Thái Xung...
Người Việt xưa, trong đó có các bậc quan lại vua chúa, đã “chơi” thư pháp như thế nào?
Thư pháp được ứng dụng trên gần như tất cả mọi phương diện của cuộc sống, từ quan phương đến địa phương, như văn bản của triều đình, hoành phi, câu đối, văn bia ở đình chùa, miếu mạo, gia phả, tác phẩm văn chương... Các thư gia xưa đến từ nhiều thành phần xã hội.
Trong lịch sử có nhiều vị vua nổi tiếng về viết thư pháp, như Lý Nhân Tông, Lê Hiến Tông, Lê Hiển Tông, Lê Lợi, Trần Duệ Tông... Các bậc vua quan coi thư pháp là thú chơi, nhưng có khi dùng để phô diễn với quần thần. Chẳng hạn, Nguyễn Công Bật đã ca ngợi tấm bia do vua Lý Nhân Tông ngự bút: “Tinh phi bạch tới mức thông thần, vận ngòi ngự cực kỳ tuyệt diệu. Thế chữ rồng vờn phượng múa, phép tắc cứ thế theo tay; hình chữ loan liệng thức bay, thế thái theo lòng mà xuất”.
Cũng có khi vua quan dùng thư pháp để răn dạy bề tôi, khẳng định vương quyền, đánh dấu địa vực lãnh thổ của quốc gia. Năm Khai Hựu 6 (1334), vua Trần Minh Tông sau khi đi đánh Ai Lao đã sai Nguyễn Trung Ngạn khắc thơ trên vách núi để khẳng định vương quyền: “Hoàng đế thứ sáu, thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết triều Trần, nước Hoàng Việt, được trời ban mệnh, giữ đất Trung Hạ khắp trong bốn bể, đâu cũng thần phục...”. Nhiều bút tích của vua Lê Lợi cũng được xem như dạng “chữ trấn biên cương”. Năm 1432, sau khi đánh Cát Hãn, qua đê Thủy Long, vua Lê đề bài thơ Chinh phục đèo Cát Hãn cho thấy khí phách của một bậc đế vương: “Ta chinh phục Cát Hãn, về qua đây, viết một bài thơ, để răn đời sau đạo chế ngự man mọi...”.
Anh nhìn nhận thế nào về quan điểm thư pháp phải là chữ Hán cổ, chữ Hán Nôm, không phải là chữ quốc ngữ?
Đã là quan điểm tôi không bàn đến chuyện đúng sai. Trong khảo cứu của mình, tôi mới khảo cứu hệ thống thư pháp trên chữ Hán, chữ Nôm chứ chưa khảo cứu đến phần thư pháp quốc ngữ. Thư pháp quốc ngữ cũng cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để hoàn thiện. Bởi khi trở thành bộ môn nghệ thuật thì phải có lý luận. Đến giờ, tôi chưa thấy có tác phẩm thư pháp nào được biết tới như tác phẩm kinh điển để mọi người nhắc đến như của chữ Nôm, chữ Hán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.