Vừa qua, UBND TP.HCM yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự từ ngày 9.2 phòng dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; các trung tâm tiệc cưới, phòng trà, sân khấu - kịch, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, phòng tập gym, billiard cũng buộc phải dừng hoạt động.
Tuy nhiên mới đây, với tình hình dịch tương đối ổn định, chiều tối hôm 23.2, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp và đưa ra các biện pháp cân nhắc sắp tới sẽ mở rộng một số dịch vụ, hoạt động kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép. Đây cũng là những mong mỏi của các bạn trẻ đang tạm ngừng việc ở các cơ sở đang bị đóng cửa chống dịch trong thời gian qua.
Cầm cự chờ ngày làm việc trở lại
Đang là huấn luyện viên (HLV) võ tại một phòng võ ở Q.3, TP.HCM, mỗi ngày Trương Thị Hồng Nga (27 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) luôn trông ngóng đến ngày phòng võ được mở cửa trở lại. Bình thường sau tết nhu cầu tập luyện và giảm cân của nhiều người lại tăng cao hơn. Do đó, những người làm nghề về vận động thể thao đều bận rộn trong những ngày này.
|
Còn năm nay, từ khi nghỉ tết đến giờ, những người bạn, người thân trong gia đình Nga đều đã đi làm trở lại. Chỉ mình Nga ở nhà rảnh rỗi mà không biết làm gì khiến người lờ đờ, nhớ phòng tập mà không biết phải làm sao. Kèm theo đó là những vấn đề Nga lo lắng mỗi ngày như: “Thu nhập cũng bị giảm nhiều kéo theo nhiều thứ phải lo như tiền nhà, tiền ăn... Tôi chỉ biết mượn tiền trước rồi làm lại trả sau để sống trong mấy ngày qua”.
“Tôi cố kiếm thêm thu nhập bằng cách tìm khách mới, chào mời khách cũ để dạy võ trực tuyến ở nhà. Có như vậy mới có chút ít tiền đỡ đần phần nào”, Nga nói thêm.
Cũng là một HLV võ, thể hình làm việc tại H.Bình Chánh, Ngô Nguyễn Đình Nam (26 tuổi, ở Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM) đảm nhận việc dạy, quản lý cho phòng tập. Những ngày này, công việc chính của Nam là đến phòng tập, lau dọn, bảo trì các thiết bị vì không còn việc gì khác để làm. Ngoài ra, phòng tập vắng tanh, Nam tự mình tập luyện để duy trì phong độ rồi đếm ngày chờ phòng tập được phép mở cửa lại.
Nhiệm vụ của Nam nặng nề hơn khi vừa làm kinh tế chính nuôi gia đình vừa tìm kinh tế duy trì phòng tập. Nhưng nghỉ dịch, mọi thứ gần như đóng băng với Nam.
Nam bày tỏ lo ngại nếu dịch cứ kéo dài, phòng tập lại đóng cửa sẽ không chịu nổi: “Khách không khó, tài chính, cuộc sống gia đình của tôi bị ảnh hưởng nhiều...”.
|
Nam cho rằng, để duy trì cuộc sống hiện tại là một điều khó khăn. Chỉ biết vớt vát chút kinh tế bằng cách tư vấn cách tập, dinh dưỡng từ xa cho khách có nhu cầu. Còn hiện tại, Nam chỉ mong dịch đi qua, mọi thứ được hoạt động trở lại.
"Chờ xem quán mở chưa, có ai kêu show không"
Đỗ Hồng Gấm (sinh viên CĐ Văn hoá nghệ thuật TP.HCM) cho biết đến giờ chưa vào thành phố vì những nơi Gấm cộng tác vẫn chưa được mở lại. Đi hát nhạc ở quán cà phê là công việc song song với đi học của Gấm. Tiền học, thuê trọ, ăn uống Gấm đều trong vào những lần đi hát ở quán cà phê và đi hát sự kiện. Như mọi năm, vào dịp tết, những show diễn cứ diễn ra đều đặn giúp Gấm có thu nhập ổn định.
Mùa dịch năm nay, diễn ra trong thời điểm tết làm Gấm như bị “đóng băng” vì bị huỷ hết các show diễn sự kiện. Bên cạnh đó, các quán cà phê Gấm hát thường xuyên cũng phải đóng cửa dừng biểu diễn theo chỉ thị của thành phố.
“Hủy show, dừng hát đồng nghĩa thu nhập từ tết vừa rồi của tôi không có, tiền để dành xài tết đến giờ cũng đã hết. Bây giờ ở nhà chỉ biết ngồi chờ xem quán đã mở chưa, có ai kêu show không. Mọi năm tôi vào thành phố sớm để đi hát, kiếm tiền học cho đầu năm. Giờ thì tôi phải xin tiền của ba mẹ để tuần sau vào thành phố đi học tiếp”, Gấm cho hay.
Trải qua điệp khúc nhiều lần mở và đóng cửa quán tại phố đi bộ Bùi Viện vì dịch Covid-19 nên chuyện thất nghiệp tạm thời với Trần Anh Tiến (20 tuổi, ngụ đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM) trong năm qua là không thể nào quên.
Tiến cho hay, hồi trước tết, khi nhận được thông báo, Tiến hối hả dọn dẹp quán để đóng cửa. Không ngờ, thời gian đóng cửa lại kéo dài đến sau tết. “Bị nghỉ làm đột ngột tôi hơi lo lắng một chút về kinh tế. Cuộc sống sau tết đến giờ khó khăn hơn, giờ tôi chỉ mong quán được mở cửa trở lại để kiếm tiền trang trải cuộc sống”, Tiến nói.
Bình luận (0)