Một giờ nhận 263 cuộc gọi đòi nợ
Để có tiền trang trải cuộc sống, N.K.Q., sinh viên một trường đại học tại TP.HCM quyết định tìm đến "vay nóng", sau khi vô tình thấy được tờ thông báo "cho vay", "hỗ trợ tài chính" dán gần cổng trường. Tuy nhà Q. ở tỉnh lẻ, không có hộ khẩu TP.HCM, không có tạm trú, nhưng Q. vẫn được giới "tín dụng đen" cho vay số tiền 5 triệu đồng. "Mình có để lại giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ sinh viên", Q. kể.
Mỗi ngày đóng lãi 250.000 đồng, trong vòng 24 ngày. Đóng được tới ngày thứ 6, Q. mất khả năng chi trả. Không thể mượn thêm bạn bè để đóng, Q. liên tục bị những người cho vay thúc dục. "Có ngày, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, họ (những người cho vay - NV) gọi đến 263 cuộc gọi, gọi đến hết pin điện thoại. Lúc đó mình vô cùng lo sợ", Q. nhớ lại.
tin liên quan
Người trẻ trong vòng xoáy 'tín dụng đen'Cuối tháng 6 vừa qua, khi đến trường để thi, Q. hoảng hốt khi phát hiện những người cho vay "bao vây tứ phía trường", ở khắp các cổng trường. Điện thoại Q. liên tục nhận những tin nhắn hù dọa: "Mầy còn thiếu tao 2 triệu, cho tao xin ngón tay hoặc cái tai"... Không còn cách nào khác, Q. gọi về quê nhờ gia đình hỗ trợ. Đến nay, dù đã thoát được khỏi cảnh nợ "tín dụng đen", nhưng Q. vẫn không quên những nỗi ám ảnh suốt thời gian "vay nóng". "Mình vay 5 triệu, nhưng thực tế chỉ nhận được 4,5 triệu thôi. Nhưng tổng số tiền phải trả hơn 34 triệu trong 4 tháng. Trả được nửa thời gian, mình phải 'đáo dây' vì hết tiền trả, rồi cứ thế, chuỗi ngày nợ nần liên tục diễn ra. Chỉ cần trễ hẹn vài phút tới giờ nộp tiền là mình nhận ngay tin nhắn, cuộc gọi hù dọa đòi 'lấy mạng'", Q. kể.
Chẳng dám về nhà
Anh L.Đ.K. (34 tuổi, có hộ khẩu ở TP.HCM), là nhân viên của Công ty TNHH dịch vụ thương mại M.S. (Q.Gò Vấp, TP.HCM), kể: "Có thời gian vì chật vật tiền bạc, phải lo nhiều thứ, nên tôi đã vay nặng lãi. Tôi vay 50 triệu đồng để lại giấy tờ nhà và những giấy tờ tùy thân. Mỗi ngày góp 2,5 triệu đồng, trong vòng 24 ngày, tổng cộng là 60 triệu đồng".
Khi trả góp được 14 ngày, K. xin "đáo dây" vay lại cũng số tiền 50 triệu đồng. Suốt thời gian vay, vì thường xuyên không đủ tiền để đóng lãi, K. đã xin "đáo dây" tổng cộng 6 lần.
Từ việc vay 50 triệu đồng ban đầu, nhưng trừ 10% tiền "cắt cò", đóng lãi 2 ngày là 5 triệu đồng, K. chỉ thực nhận 40 triệu đồng. Thế nhưng, với việc "đáo dây" 6 lần, tổng số tiền K. phải thanh toán lên đến gần... 400 triệu đồng.
|
"Ngày nào cũng nhận tin nhắn nhắc: "sắp tới giờ đóng tiền góp rồi đấy", "mầy ở đâu, tao qua lấy tiền góp"... Những câu đó trở thành nỗi ám ảnh. Có ngày, hết tài sản cầm cố, hết chỗ vay mượn để trả tiền góp, mình phải tắt điện thoại. Nhưng đâu có yên, tụi nó (những người cho vay - NV) tìm đến tận công ty, tận nhà để "canh me" mình. Thú thật, có thời gian, mình không dám đi làm, có nhà mà cũng chẳng dám về, đến nhà bạn để trốn, tìm cách có tiền trả cho họ", K. kể.
Tình cảnh của Đ.Đ.M., nhân viên một công ty bảo hiểm trên đường Cách Mạng tháng 8 (Q.10, TP.HCM) thì bi đát hơn nhiều. Vì nợ tiền khi vay nóng, M. thường xuyên bị hù dọa lấy mạng. Mặc dù luôn tìm cách xoay tiền để trả tiền góp, nhưng việc liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin cả trên Facebook lẫn Zalo đã khiến M. cảm thấy không còn lối thoát.
|
Bị bêu riếu, tạt chất thải vào nhà
Một ngày đầu tháng 7.2018, khi đi làm về, chị N.H.H. (32 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, đang ở trọ đường Võ Văn Vân, H.Bình Chánh, TP.HCM) tá hỏa khi khắp phòng trọ bị tạt những chất thải hôi thối. Những tờ giấy với những lời nhắn hù dọa được dán khắp cửa phòng trọ. Nguyên nhân vì H. chưa thanh toán đủ tiền góp cho những người cho vay nặng lãi. "Mình vay 15 triệu đồng, trả hoài mà không hết được, trả đến gần 70 triệu đồng mà vẫn còn nợ, vì lãi mẹ đẻ lãi con. Mình chậm trả chỉ một ngày, điện thoại mình hết pin là bị chúng (những người cho vay - NV) đến nhà trọ để làm ầm lên, đổ chất thải khắp nơi", H. kể.
H. cũng nói, bản thân những người vay nóng như mình không cố tình chây ì, trả nợ chậm. Tuy nhiên, vì lãi suất cao, đã khiến họ trở nên túng quẫn hơn, dẫn đến việc chậm đóng tiền góp vay.
tin liên quan
Cảnh giác với các chiêu trò lừa tiền trên mạngTheo tìm hiểu của người viết, trong quá trình thương lượng, "chốt" lãi suất để vay nóng, người vay ngoài việc phải cung cấp giấy tờ tùy thân, thì phải chấp nhận để người cho vay được chụp hình ảnh.
Chính điều này, chỉ cần người vay đóng tiền muộn 1, 2 ngày là chủ nợ ngay lập tức đăng tải hình ảnh của người vay lên các trang mạng xã hội.
Thực tế, những đầu mối cho vay nóng ở TP.HCM đã liên kết với nhau để mở ra những trang để đăng tải, lưu giữ hình ảnh những người vay nóng chậm thanh toán. Tại đây, có đến hàng trăm người bị nêu tên, đăng hình.
"Khi thiếu thốn thì nên mượn đỡ gia đình, người thân, hoặc chấp nhận sống khổ cực một xíu, chứ đừng dại dột mà tìm đến vay nặng lãi. Bởi dính vào vay nặng lãi là không lối thoát. Từ việc nợ vài triệu đồng có thể trở thành nợ hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Mà những ngày cầm được đồng tiền vay nóng là rất khổ, luôn sống trong cảnh bất an, bị dọa giết, đoạt mạng hoài, sống không thanh thản đâu. Đừng có dại mà vay nóng", L.V.D., làm việc ở Khu Công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM), người từng dính vào vay nóng gần một năm, chiêm nghiệm.
Bình luận (0)