Một năm lăn lộn với cây đào “khó tính”
Trò chuyện với Thanh Niên, ông Nguyễn Nhân Chuyển (45 tuổi) ngụ Thanh Liễu, phường Tân Hưng, Hải Dương có 4 mẫu đất (khoảng hơn 1ha) với khoảng 4.000 gốc đào. Ông kể rằng, năm nay là năm gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong vùng trồng nhiều đào nhất so với các năm trước.
“20 năm nay nhà tôi chuyên trồng đào chưng Tết. Cả năm ròng vợ chồng tôi chỉ chăm sóc đào để mong cuối năm thu lại chứ không làm thêm bất cứ công việc gì. Và đặc biệt 20 năm nay tôi chưa gặp khó khăn gì ghê vậy, giờ gặp dịch bệnh, khó quá cũng không biết nên nói sao”.
“Cả một năm chúng tôi chăm sóc cây đào, “tính” nó lại khó, thời gian trừ sâu bệnh và cách chăm sóc đào cũng không dễ, phải mất khá nhiều công. Đào là hàng hoa nên tóm lại chăm sóc đào khá khó khăn và tốn kém, không giống lúa hay các cây hoa màu. Mỗi năm cứ ăn Tết xong, khoảng ngày 6 - 10 Âm lịch chúng tôi ra làm đất trồng đào liền. Đào nhà tôi là giống đào phai, đào bích, đào đỏ. Chăm đào đến khi uốn kiểu cũng tự tay mình làm”, ông Chuyển nói tiếp.
Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lái buôn đã ngừng giao dịch và lấy lại tiền cọc khiến cả gia đình ông Chuyển và nhiều gia đình khác lo lắng như ngồi trên đống lửa. “Lái buôn xuống ít lắm, nếu có ai xuống thì giá mua được cũng rất thấp, gần nửa giá so với ban đầu nên chúng tôi còn phân vân chưa nỡ bán vì lỗ vốn quá nhiều”, ông cho hay.
|
Vợ chồng ông Nguyễn Nhân Chơi (63 tuổi) và bà Vũ Thị Ghi (54 tuổi) ở Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương là anh chị ruột của ông Chuyển cũng có đến 700 gốc đào được trồng trên diện tích 6 sào đất.
Gia đình ông Chơi trồng đào được 5 năm và năm nay là năm gia đình ông trồng nhiều đào nhất. Ông kể rằng chất lượng đào năm nay đẹp hơn mọi năm ông và nhiều gia đình khác trồng, chưa năm nào ông thấy đào ra đẹp như thế, đặc biệt là thời tiết cũng rất ủng hộ.
“Từ khi bắt đầu trồng đào, tôi đã tính toán số vốn hết rồi. Trồng đào tuy vất vả hơn, tốn nhiều chi phí cho phân đạm, phải đầu tư lớn hơn nhưng thôi cố gắng một năm để cuối năm nhận lại”.
|
Con cái không về, đào bán lẻ liệu ai mua...
Khi thương lái đòi lại tiền cọc, những gia đình như ông Chơi và ông Chuyển đành trả lại tiền vì các con đường đa phần đã cấm xe nên thương lái không thể vào vườn thu mua.
Mọi năm, ông Chuyển bán cả cành đào và chậu cây đào đủ loại. Những năm trước, ông bán mỗi cành khoảng 250.000 – 300.000 đồng, còn cây có giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Đến năm nay, ông Chuyển phải bán đào lẻ.
“Tôi tính sơ qua nếu tình hình năm nay như vậy có lẽ sẽ lỗ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đào không ai mua thì ra tết đào cành phải cắt đi còn đào cây giữ lại, sang năm đầu tư ít hơn”, ông chia sẻ.
Còn với ông Chơi, vườn đào của ông cũng ế ẩm, vợ chồng ông lên mạng xã hội bán lẻ mong cứu vãn được phần nào.
Con cái của ông Chuyển và ông Chơi đã lớn, năm nay con cái họ đều đi xa không về nên có lẽ đây là một cái tết thất thu và đáng nhớ của những người trồng đào nói chung và những người trồng đào ở Hải Dương nói riêng.
Bình luận (0)