Người Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công của biểu tình bạo động tại Congo

25/01/2015 12:16 GMT+7

(TNO) Các cuộc xô xát giữa cảnh sát Cộng hòa dân chủ Congo và người biểu tình chống chính phủ đã khiến cho khoảng 40 người chết hồi tuần trước và cũng làm lộ ra mức độ thù địch của người bản xứ đối với người Trung Quốc ở thủ đô Kinshasa.

(TNO) Các cuộc xô xát giữa cảnh sát Cộng hòa dân chủ Congo và người biểu tình chống chính phủ đã khiến cho khoảng 40 người chết hồi tuần trước và cũng làm lộ ra mức độ thù địch của người bản xứ đối với người Trung Quốc ở thủ đô Kinshasa, AFP đưa tin.

Cảnh sát Congo đang áp giải một người biểu tình phản đối chính phủ hôm 19.1 tại thủ đô Kinshasa - Ảnh: Reuters

Một số chủ cửa hàng tại Kinshasa treo tấm bảng ghi lời van nài: “(Cửa hàng) của người Congo, làm ơn”, với hi vọng cửa hàng thoát khỏi làn sóng cướp bóc của những người biểu tình. Đã có khoảng 50 cửa hàng của người Trung Quốc tại 2 khu Ngaba và Kalamu thuộc thủ đô Kinshasa bị tấn công và cướp phá.

Nhiều cửa hàng tọa lạc gần các tiệm đã bị cướp phá của người Trung Quốc đã treo bảng “Ya bino moko”, tức “Nơi này cũng thuộc về các bạn” bằng ngôn ngữ Lingala địa phương, nhằm tránh bị người biểu tình bạo động đập phá cửa nẻo và hôi của lây.

Một doanh nhân 37 tuổi là chủ sở hữu hàng chục cửa hàng trong khu vực, cho biết: “Chúng tôi có một tiệm in và một cửa hàng bán phụ tùng ở khu này, nhưng không bị đụng đến ngoại trừ tiệm người Trung Quốc”.

AFP dẫn số liệu thống kê của các nhóm nhân quyền khẳng định đã có khoảng 40 người chết trong tuần lễ vừa qua trong các cuộc biểu tình phản đối một dự thảo luật cho phép Tổng thống đương nhiệm Joseph Kabila kéo dài thời gian nắm quyền. Trong khi đó, chính phủ Congo tuyên bố số người thiệt mạng là 12.

AFP bình luận các cuộc biểu tình bạo động đối đầu với cảnh sát và các vụ cướp bóc nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc sau đó có thể bắt nguồn từ việc người dân Congo vỡ mộng với chính quyền Tổng thống Kabila.

Người biểu tình Congo đốt lốp xe trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở thủ đô Kinshasa hôm 20.1 - Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định mặc dù các cuộc biểu tình chủ yếu nhằm phản đối một điều chỉnh trong luật bầu cử được thực hiện nhằm kéo dài thời gian tại vị của ông Kabila đến năm 2016, nhưng các mục tiêu mà người biểu tình nhắm đến có vẻ như bị ảnh hưởng bởi quyết định thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc của chính phủ.

Các hợp đồng “khủng” ký kết hồi năm 2007 và 2008 giữa Kinshasa và Bắc Kinh cho phép các công ty Trung Quốc quyền được hoạt động tại rất nhiều hầm mỏ giàu khoáng sản ở Congo. Đổi lại, Trung Quốc giúp Congo phát triển đường sá và các hệ thống cơ sở hạ tầng khác.

Hàng ngàn nhân công Trung Quốc đã đến Congo để tham gia vào các dự án nằm trong các bản hợp đồng lớn nói trên.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Congo cho biết có khoảng từ 4.000 đến 5.000 công dân Trung Quốc hiện sống ở Congo, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn rất nhiều, theo AFP.

Nhiều người Trung Quốc làm việc tại các công trình xây dựng đường sá bên trong và xung quanh Kinshasa. Ngoài ra, còn có nhiều người mở các cửa hiệu để phục vụ cho đồng hương và sống chung thành một khu tại thủ đô của Congo. 

Người dân Congo bức xúc với người Trung Quốc

Lao động Trung Quốc đi ngang công nhân Congo tại thủ đô Kinshasa - Ảnh: Reuters

Một số cư dân địa phương rất bực tức khi thấy người Trung Quốc chọn cách sống cùng nhau trong các khu vực biệt lập và vẫn duy trì tập tục, cũng như ngôn ngữ của mình ngay khi đang sống ở Congo.

Các chủ cửa tiệm Congo cũng rất tức giận khi thấy các cửa hàng của người Trung Quốc bày bán các nhu yếu phẩm chủ yếu phục vụ cho đồng hương và thậm chí người dân Kinshasa cũng bị thu hút vì hàng giá rẻ tại đây.

Ngày nay, bảng hiệu ghi cả tiếng địa phương lẫn tiếng Trung Quốc là điều bình thường tại các khu lao động ở Kinshasa, theo AFP.

“Họ bán đủ thứ và chúng tôi không còn việc để làm vì họ”, một người Congo bán thẻ điện thoại tại Kinshasa phàn nàn.

“Dân Trung Quốc phá giá”, một thanh niên địa phương 24 tuổi nói với AFP. Anh này cũng than rằng các cửa hàng Trung Quốc cạnh tranh “quá mức” với dân địa phương.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với các ý kiến trên. Một người phụ nữ bán bánh mì nói: “Người Congo đang ghen tức đó thôi. Thật tội nghiệp”.

Một nhà ngoại giao giấu tên Trung Quốc nói với AFP rằng việc người bạo động nhắm vào doanh nhân Trung Quốc chỉ là một phần của làn sóng bạo động lớn hơn và không đáng kể nếu tính trong dài hạn.

Do đó, đại sứ quán đã không đưa ra chỉ đạo gì cho công dân Trung Quốc tại Congo, ông này nói, đồng thời khẳng định “không hề có âm mưu chống người Trung Quốc” tại Congo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.