Câu chuyện về quân dân 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn kiên cường anh dũng chiến đấu chống Mỹ đã được tác giả Minh Khoa thể hiện rất dung dị, dễ đi vào lòng người. Cuộc sống có trầu thơm, có trai gái yêu nhau, có tiếng đờn bầu, có giọng ngâm thơ… luôn là ước mơ của người dân Bà Điểm. Nhưng họ đành từ giã tất cả để dấn thân vào cuộc chiến, chấp nhận hy sinh. Và cuối cùng thì họ cũng giành lại được mảnh đất của ông cha.
Hai nhân vật chính của kịch bản là ông Tám Khỏe và Bảy Đờn nay được đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ mạnh dạn giao cho hai người còn trẻ là NSƯT Lê Tứ và NSƯT Võ Minh Lâm. Lồng trong tấm lòng trung hiếu với quê hương, mối tình thâm giao tri kỷ của hai ông làm người ta cảm động. Cả Lê Tứ lẫn Võ Minh Lâm khiến khán giả tâm phục khẩu phục, vì biết hóa trang ngoại hình lẫn giọng nói đúng với nhân vật, không gây một chút lấn cấn nào, diễn xuất chững chạc, tinh tế, xứng đáng là lớp kế thừa. Còn vai bà Bảy Đờn giao cho Hoa Phượng, cô đào trong trẻo của đoàn cải lương Cà Mau, vừa mới được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, cũng không làm khán giả thất vọng khi tuổi còn trẻ mà vào vai già. "Gánh nặng" của các diễn viên trẻ là ở chỗ khi hóa thân vào nhân vật không cùng độ tuổi, có lúc họ phải "giấu bớt" giọng ca hay, luyến láy hấp dẫn, nhưng chất trẻ nội lực vẫn chinh phục người xem.
Đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng Người ven đô với tiết tấu nhanh, thấy rõ chất rắn rỏi đan xen với mềm mại, ngọt ngào, nên khán giả không thấy "ngán" khi xem vở cách mạng, thậm chí rất nhiều khán giả trẻ chưa hề biết chiến tranh là gì vẫn cảm động và vỗ tay liên tục. Áp lực của đạo diễn lẫn ông bầu là kể những câu chuyện chiến tranh cho lớp khán giả trẻ hôm nay, trong khi các em có đời sống, trải nghiệm, suy nghĩ… có khi rất xa, rất cách biệt. Vậy, kể bằng cách nào, thay đổi ra sao so với gần nửa thế kỷ trước, quả là một trách nhiệm không dễ dàng. Và lần này có thể nói Hoa Hạ đã thành công, chị luôn là đạo diễn được các ông bà bầu nghĩ tới khi gặp… khó.
Bình luận (0)